Xe

'Xe thần chết' ngang nhiên trên phố: An toàn giao thông là trên hết

26/09/2016 10:33 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài “Xe thần chết” ngang nhiên trên phố trong số báo Thanh Niên phát hành ngày 25.9.

Cơ quan chức năng ở đâu ?
Tình trạng xe ba bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, chủ yếu là hàng vật liệu xây dựng tràn lan ở mọi nơi chứ không riêng các thành phố lớn. Rất tiếc cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để mối nguy hiểm này, đến khi xảy ra tai nạn thương tâm như vừa qua thì mới giật mình. Ngày nào ra đường chúng ta cũng có thể bắt gặp một hình ảnh như thế. Thường khi phát hiện “xe thần chết” ở phía sau bao giờ tôi cũng né để nhường cho xe đó lên trước rồi tự hỏi, lực lượng chức năng ở đâu mà để họ ngang nhiên như thế?
Bùi Vũ Quang (Đông Anh, Hà Nội)
Chặn ngay từ… cửa hàng vật liệu
Một việc cần làm để ngăn chặn “xe thần chết” trên phố là buộc các cửa hàng bán tôn, sắt, vật liệu cồng kềnh… phải có xe chở hàng an toàn, trường hợp người mua tự vận chuyển thì cam kết không giao hàng nếu người mua sử dụng phương tiện vận chuyển không phù hợp. Nếu cửa hàng không tuân thủ, khi xảy ra sự cố từ xe chở hàng thì chủ cửa hàng vật liệu đó phải chịu trách nhiệm. Phải chặn từ đây để người bán chuẩn bị thêm phương tiện chuyên chở. Có thể giá cả sẽ cao hơn trước nhưng an toàn cho tất cả.
Huỳnh Quốc Toàn (Q.Tân Phú, TP.HCM)
CSGT không “mặn mà” ?
Trong chuyện “xe thần chết” ngày càng ngang nhiên lưu thông trên phố có phần lỗi của CSGT. Họ chưa làm hết trách nhiệm của mình. Ở TP.HCM, một số quận huyện như 5, 10, 8, Bình Chánh, Thủ Đức… thường xảy ra tình trạng xe chở cồng kềnh, chỉ cần chốt chặn là phát hiện và xử phạt được thôi. Có lẽ đa phần người chở hàng cồng kềnh đều là chở thuê, nghèo khó, có phát hiện thì xử lý mạnh tay cũng khó nên CSGT không “mặn mà”. Sau câu chuyện thương tâm vừa xảy ra, xin hãy vì sức khỏe, tính mạng của cả người đi đường lẫn người chuyên chở hàng cồng kềnh, CSGT cần mạnh tay với những hành vi này.
Đỗ Phương Nga (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Liên đới chịu trách nhiệm
Vụ xe chở tôn cứa cổ đứa bé 9 tuổi ở Hà Nội không chỉ có phần lỗi của người chuyên chở, mà còn có lỗi của người bán hàng hay người mua. Họ thừa biết hàng hóa như thế mà chở trên đường sẽ rất nguy hiểm cho người đi đường. Thế nhưng họ bất chấp, miễn là họ trả tiền cho người chở và hàng đến nơi là được. Thiết nghĩ ngoài trách nhiệm của lực lượng CSGT, thanh tra giao thông thì chủ hàng khi thuê xe thô sơ chở hàng cồng kềnh cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Đào Công Bình (Tam Kỳ, Quảng Nam)
Không thể cứ sống chung với sự nguy hiểm
Khi đi đường, tôi nhìn thấy những người chở cồng kềnh trên phố cũng tỏ ra khá căng thẳng, lo lắng. Có người cẩn thận bịt 2 đầu tôn, sắt hoặc cột vải để người đi đường thấy mà tránh. Đôi khi tuy e ngại nhưng tôi cũng thấy thương cảm. Có khi vì sự thương cảm này mà dù xe cồng kềnh chạy ngang, CSGT cũng ngó lơ. Nhưng sau vụ việc đau lòng xảy ra, tôi sẽ không thông cảm nữa. Phải có một cách chuyên chở an toàn hơn. Không thể sống chung với sự nguy hiểm như vậy mãi được.
Nguyễn Phát (Q.9, TP.HCM)
Phải có xe chuyên chở
Khi mua hàng thông thường người bán phải giao tới địa điểm do người mua chỉ định. Như vậy, những “xe thần chết” ngang nhiên trên phố đều do các cửa hàng bán vật liệu xây dựng thuê để chuyên chở hàng. Chỉ đến khi các cửa hàng trang bị ô tô chuyên dụng để chở các mặt hàng cồng kềnh thì tình trạng xe thô sơ mới chấm dứt. Vậy thì theo tôi, điều kiện để một cửa hàng kinh doanh hàng hóa cồng kềnh được phép hoạt động là phải có xe chuyên chở an toàn, không có xe thì không cho phép hoạt động.
Nguyễn Trần Minh Trung (Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Ra đường mà thấy những chiếc xe chở cồng kềnh như thế này thì ai cũng tự né. Điều đáng nói là có rất nhiều người chở cồng kềnh và biết mình sai thì chạy xe càng nhanh, bạt mạng để tới nơi kịp thời. Mong sao cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt để những vật liệu cồng kềnh này không còn được chở một cách nguy hiểm như vậy, để tai nạn thương tâm không còn xảy ra nữa.
Trần Văn Lời (TP.Long Xuyên, An Giang)
       
Ra đường, thấy các chú, các bác lớn tuổi, nghèo khó chạy xe ba gác chở vật liệu cồng kềnh, nguy hiểm nhưng ít ai phản ứng hay báo lực lượng chức năng xử phạt vì ai cũng thấy thương cho họ. Nhưng qua vụ gây cái chết cho em học sinh, chúng ta cần phải suy nghĩ lại. Làm gì thì làm, phải biết giữ an toàn cho mọi người xung quanh. Tôi đề nghị cơ quan chức năng phạt thật nặng những chiếc “xe thần chết”, thậm chí cấm lưu thông trên đường. Có vậy thì người dân mới yên tâm.
Nguyễn Thị Chín (Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.