Ô tô Trung Quốc dạo gần đây được nhiều người Việt quan tâm, bàn tán. Nhất là sau khi mẫu xe Beijing X7 góp mặt tại thị trường Việt Nam. Tôi thấy rất nhiều người khen mẫu xe này, thậm chí “tâng bốc” tận mây xanh khi mới chỉ xem qua hình ảnh thiết kế và thông số kĩ thuật. Cá nhân tôi chưa được trực tiếp lái thử và trải nghiệm mẫu xe này để có thể kiểm chứng và bàn về chất lượng. Tuy nhiên, nói đến xe Trung Quốc, tôi nhớ ngay đến một ví von mà anh bạn tôi từng chia sẻ.
Chuyện là tôi có một anh bạn tôi đang sống và làm việc tại Đức. Cách đây gần 6 năm, khi chuẩn bị mua xe, tôi có lần trò chuyện, tham khảo anh về ô tô các loại. Trong rất nhiều ý kiến chia sẻ, tôi vẫn nhớ nhất chuyện anh bạn từng ví xe Trung Quốc với một “nồi lẩu thập cẩm”. Nghe qua thấy có vẻ chẳng liên quan, nhưng ngẫm qua cách giải thích của anh bạn, tôi mới thấy hoàn toàn có lý.
Theo đó, anh bạn tôi cho rằng, trong các nước có ngành công nghiệp ô tô nổi tiếng, mỗi nước đều có những thế mạnh riêng.
Xe Đức nói riêng và xe châu Âu nói chung, điểm mạnh nhất nằm ở kĩ thuật cơ khí. Điều này có lẽ dễ hiểu bởi châu Âu có thể xem như “cái nôi” của động cơ đốt trong và cơ khí ô tô. Việc thừa hưởng nền công nghiệp cơ khí với kĩ thuật hàng đầu là cơ sở cho ra đời những chiếc xe chất lượng cao, từ động cơ, hộp số linh hoạt, đến hệ thống khung gầm, thân vỏ chắc chắn, an toàn. Và nếu bạn đã từng trải nghiệm các mẫu xe Đức hay xe châu Âu, bạn sẽ hiểu điều này.
Xe Trung Quốc trông như nồi lẩu thập cẩm, hợp với những ai thích nếm "đủ vị" nhưng không nhiều tiền MINH HỌA |
Với xe Mỹ thì sao? Điểm nổi bật nhất của những dòng xe đến từ Mỹ nằm ở công nghệ. Người Mỹ luôn đi đầu trong ở khoản này. Bằng chứng là sự “bành trướng” của những ông lớn công nghệ thế giới như Apple, Google, Facebook... Trong ngành ô tô cũng vậy, cùng với phong cách thiết kế hầm hố, động cơ đồ sộ, những mẫu xe đến từ Mỹ luôn tiên phong về công nghệ. Hẳn ai cũng biết, Tesla đang là thương hiệu ô tô đi đầu trong việc phát triển xe điện và xe tự động.
Trong khi đó, hai "ông lớn" ô tô của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những thế mạnh riêng và rõ ràng. Người Nhật xưa nay nổi tiếng với tính thực dụng. Chính vì vậy, không lạ khi điểm mạnh của các hãng xe Nhật chính là sản xuất ra những chiếc ô tô nhỏ gọn, tiết kiệm, bền bỉ và tất nhiên là rất thực dụng.
Còn nói về xe Hàn, nhiều người sẽ nhắc ngay đến điểm mạnh nằm ở thiết kế. Người Hàn có lẽ yêu cái đẹp, thích sự hào nhoáng. Thế nên những mẫu xe Hàn như của Hyundai, KIA luôn khiến người ta phải trầm trồ bởi kiểu dáng bắt mắt, trẻ trung, năng động.
Sau khi phân tích tất tần tật điểm mạnh, đặc trưng của các cường quốc ô tô, anh bạn tôi nhấn mạnh, xe Trung Quốc trông như “nồi lẩu thập cẩm”, vì gần như hội tụ đầy đủ điểm mạnh của các ngành công nghiệp ô tô trên thế giới. Nghĩa là, xe Trung Quốc gần như có tất cả từ thiết kế bắt mắt, công nghệ ngập tràn cho đến công năng sử dụng... Nhưng, trong "nồi lẩu ô tô" này, mỗi “nguyên liệu” chỉ có một ít thôi. Thế nên, xe Trung Quốc đẹp nhưng mau “xuống sắc”, nhiều công nghệ nhưng không “thông minh”, hay trục trặc...
Và một điều hợp lý nữa là "lẩu thập cẩm" bán đại trà thường giá rất rẻ và phù hợp với những người chi ít tiền nhưng muốn được nếm “đủ vị”. Xe Trung quốc cũng vậy thôi!
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang sống và làm việc tại TP.HCM.
* Đóng góp bài viết về Xe-Thanh Niên xin gửi về [email protected] hoặc [email protected].
Bình luận (0)