Liên quan đến vụ việc chiếc ô tô hiệu Honda CR-V màu đỏ bị xịt sơn trắng loang lổ khắp thân xe, do chủ xe đã đỗ xe trước cửa hàng của người khác, mới đây tôi có đọc qua bài viết “Đỗ ô tô trước nhà, cản lối người khác: Luật sư nói gì, xử phạt ra sao?” trên Báo Thanh Niên. Đáng nói, trong bài viết này có đề cập đến phần ý kiến của Luật sư.
Cụ thể, nhận xét về những quy định và chế tài của luật pháp đối với vấn đề dừng, đỗ xe như hiện nay, luật sư cho rằng…đã phù hợp. Trong đó, nhấn mạnh việc không phải cứ đỗ xe trước cửa nhà, cản lối đi của người khác đều sai phạm và đáng bị xử phạt.
Giải thích cho nhận định của mình, vị này khẳng định quy định của Luật giao thông đường bộ hiện hành “dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung và riêng. Chúng ta không thể vì lợi ích riêng của những khu nhà mặt tiền mà đưa ra các quy định xâm phạm đến lợi ích chung của người khác. Trong khi, bài toán cho việc dừng đỗ xe trong các đô thị lớn, hiện nay vẫn chưa có lời giải thì việc người dân được phép đậu đỗ xe ở những nơi không gắn biển cấm, không vi phạm quy định về nguyên tắc đỗ xe theo luật là điều có thể chấp nhận được.
Luật sư cũng dẫn chứng: “Không những ở nước ta, mà nhiều nước phát triển hơn, vẫn cho phép điều này. Bản thân các chủ nhà mặt tiền, họ cũng chỉ bỏ tiền ra mua phần quyền sử dụng đất và nhà nước giao đất cho họ được sử dụng từ ranh đất của mình. Vì vậy, họ không thể nói rằng phần không gian phía trước là của họ nên việc đậu đỗ xe đã cản trở việc kinh doanh”.
|
Đọc những ý kiến, nhận định này, tôi tự hỏi luật sư có nhầm lẫn gì hay không? Bởi lẽ, làm sao một bộ luật có thể được xem là đã phù hợp khi vẫn còn những hành vi cản trở hoạt động thường nhật của người dân nhưng lại chưa có chế tài xử phạt. Và, làm sao một bộ luật có thể được xem là đã “thỏa đáng” khi vẫn còn quá nhiều trường hợp quyền, lợi ích của người dân bị xâm phạm nhưng họ lại không thể làm gì hơn?
Tôi chắc chắn rằng vị luật sư này chưa từng được nếm thử một lần cảm giác ức chế khi một ngày cửa nhà mình bị bít lại bởi một chiếc ô tô không rõ của ai. Bản thân tôi từng không ít lần bất đắc dĩ trở thành “nạn nhân” như vậy.
Thử hình dung và đặt luật sư vào vị trí của tôi. Một buổi sáng đầu tuần cách đây chưa lâu, khi tôi đã chuẩn bị đồ đạc tươm tất, chỉn chu chuẩn bị đến công ty. Hôm ấy ở công sở, tôi có một cuộc họp rất quan trọng. Tuy nhiên, khi vừa mở cửa và dắt xe ra đã thấy chình ình một chiếc ô tô đỗ ngang trước cửa, choán gần hết lối, chỉ còn một khoảng hẹp đủ để lách người qua. Trong khi, gọi mãi không tìm được tăm hơi chủ xe. Không còn cách nào khác, tôi phải đón taxi đi làm. Và cảm giác của tôi lúc đó chắc nhiều người đã hiểu, nói ngắn gọn là ức chế vô cùng, còn công việc bị ảnh hưởng không nhỏ.
Luật sư có thể đúng khi dẫn ra rằng “bản thân các chủ nhà mặt tiền, họ cũng chỉ bỏ tiền ra mua phần quyền sử dụng đất và nhà nước giao đất cho họ được sử dụng từ ranh đất của mình”. Điều này tôi đồng ý. Nhưng tôi xin hỏi lại, trong trường hợp tôi vừa kể, quyền lợi của tôi có bị xâm phạm? Và nếu có thì quy định, chế tài của luật như vậy đã thỏa đáng và phù hợp?
Tôi tất nhiên không ủng hộ hay cổ xúy cách giải quyết vấn đề theo kiểu xịt sơn như chủ nhà trong vụ việc chiếc Honda CR-V ở Hải Phòng. Nhưng tôi tin rằng, chỉ khi nào sự ức chế, tức giận đã đến giới hạn, người ta mới phải hành xử như vậy. Một cửa hàng buôn bán nhưng lại bị ô tô đỗ ngay trước cửa, che gần hết mặt tiền liệu có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh không? Tôi nghĩ mọi người ai cũng biết câu trả lời. Dĩ nhiên, để chứng minh thì rất khó và nhập nhằng. Nhưng không thể vì không chứng minh được bằng một số liệu, chứng cứ hiển hiện mà chúng ta “lơ” luôn thực tế đó.
Qua bài viết này, tôi chỉ mong muốn một điều. Rằng chúng ta phải thật khách quan và nhìn thẳng vào sự thật là Luật giao thông đường bộ hiện hành vẫn còn một số thiếu sót. Điển hình trước mắt là những quy định về dừng, đỗ xe. Vì vậy, chúng ta cần lên tiếng để cùng tìm ra giải pháp, bổ sung thêm quy định chi tiết, cụ thể và thay đổi điều khoản nếu chưa phù hợp với thực tế.
Người dân sở hữu nhà mặt tiền có quyền thông báo cho công an khu vực để yêu cầu đòi lại quyền lợi nếu chẳng may là nạn nhân của việc đỗ xe như trên. Nhưng giải quyết bằng cách nào nếu không có chế tài cụ thể cho những trường hợp rõ ràng gây ảnh hưởng cho người khác nhưng lại…không sai luật? Yêu cầu di dời xe đi chỗ khác cũng hợp lí. Nhưng chỉ khi trường hợp vụ việc xảy ra lần một lần hai. Còn nếu cứ tái diễn ngày này qua tháng nọ thì sao? Chẳng lẽ những chủ nhà suốt ngày chỉ ăn với đi trình báo chính quyền?
Chốt lại vấn đề, theo tôi nghĩ, chỉ khi nào luật pháp có những quy định và chế tài xử phạt rõ ràng thì mới chấm dứt được “vấn nạn” đỗ xe “bậy” đang diễn ra tràn lan như hiện nay. Đừng trông chờ vào ý thức, vì thực tế hiện nay nó vô cùng xa xỉ!
Bình luận (0)