5 chính sách mới hiệu lực từ năm 2020, người dùng ô tô - xe máy cần biết

01/01/2020 06:00 GMT+7

Bắt đầu từ năm 2020, việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe sẽ có những điều chỉnh, trong khi quy định mới bắt buộc xe máy phải dán nhãn năng lượng, ô tô sản xuất sau năm 2008 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới.

Nhằm giảm thiểu tai nạn, nâng cao an toàn giao thông. Bắt đầu từ năm 2020, một số chính sách, quy định mới chính thức có hiệu lực nhằm giúp cơ quan chức năng tăng cường việc giám sát, quản lý phương tiện cũng như tài xế khi tham gia giao thông.
Nhiều quy định mới liên quan đến người điều khiển, phương tiện tham gia giao thông sẽ được triển khai từ năm 2020
Dưới đây là 5 chính sách mới có hiệu lực từ năm 2020, người dùng ô tô xe máy cần biết:

1. Lắp camera giám sát, bổ sung quy định về đạo tạo cấp giấy phép lái xe

Bắt đầu từ năm 2020, việc học, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) ở tất cả các hạng sẽ được quy định chặt chẽ hơn.
Theo nội dung sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 38/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về việc đào tạo cấp GPLX. Bắt đầu từ ngày 1.1.2020, việc thi lý thuyết cũng như thực hành của các học viên sẽ được gắn camera giám sát để truyền trực tiếp hình ảnh thông tin về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Điều này nhằm mục đích giúp các cơ quan quản lý an toàn giao thông, cơ quan công an có thể giám sát quá trình sát hạch cấp GPLX.
Bắt đầu từ ngày 1.1.2020, việc thi lý thuyết cũng như thực hành của các học viên sẽ được gắn camera giám sát
Các học viên học lái xe sẽ phải học thêm các môn đạo đức, văn hóa giao thông cũng như phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Bổ sung thêm phần sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, cũng như yêu cầu học viên phải học lái xe trên cabin tập lái. Đặc biệt, Thông tư 38/2019 của Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định, kể từ ngày 1.5.2020 các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát và nhận dạng học viên trong thời gian học lý thuyết. Theo đó, học viên phải học đầy đủ thời gian đào tạo lý thuyết mới được dự sát hạch. 

2. Cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới có mã QR

Cũng theo quy định mới tại Thông tư 38/2019 của Bộ Giao Thông vận, bắt đầu từ ngày 1.6.2020, bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cấp giấy phép lái xe có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin và liên kết với hệ thống quản lý giấy phép lái xe.
Từ ngày 1.6.2020, sẽ cấp giấy phép lái xe có mã hai chiều (QR)
Những giấy phép được cấp trước ngày 1.12.2019 vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép. Quy định này sẽ góp phần giúp lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc có thể kiểm soát chặt chẽ hơn dữ liệu về giấy phép lái xe của tài xế, qua đó có tểh chấm dứt việc sử dụng giấy phép lái xe giả. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến ngày 30.11.2019, toàn quốc có tổng số trên 8,2 triệu bằng lái xe ô tô và trên 45,8 triệu giấy phép điều khiển mô tô xe máy.

3. Ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới

Theo Quyết định số 16/2019 của Thủ tướng chính phủ về lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Bắt đầu từ ngày 1.1.2020, các loại xe ô tô sản xuất từ sau năm 2008 phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở mức 2, cao hơn 1/3 so mức 1. Trong khi đó, các loại xe ô tô sản xuất trước năm 1999 tiếp tục được áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 1.
Bắt đầu từ ngày 1.1.2020, các loại xe ô tô sản xuất từ sau năm 2008 phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở mức 2
Tiêu chuẩn khí thải mới nhằm giảm nồng độ chất gây ô nhiễm CO (Cacbonmonoxit), HC (Hydrocacbon) và mức độ khói trong khí thải xe ô tô. Việc kiểm tra khí thải được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm, khi xe vào đăng kiểm định kỳ. Với quy định mới được áp dụng từ năm 2020, ước tính toàn quốc sẽ có khoảng hơn 2,4 triệu xe ô tô được sản xuất từ sau năm 2008 thuộc diện phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới.

4. Xe máy phải dán nhãn năng lượng

Cùng với việc triển khai mức tiêu chuẩn khí thải mới đối với ô tô, bắt đầu từ ngày 1.1.2020 xe máy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu được phân phối ra thị trường phải công khai mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng.
Từ ngày 1.1.2020 xe máy sản xuất, nhập khẩu được phân phối ra thị trường phải dán nhãn năng lượng
Đây là quy định mới đã được Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành trong Thông tư 59/2018 hướng dẫn về việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Theo đó, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải gửi thông tin công khai tới cơ quan quản lý chất lượng. Sau đó, in nhãn năng lượng của xe theo mẫu quy định của Bộ Công thương và thực hiện dán nhãn năng lượng trên từng chiếc xe máy trước khi đưa ra thị trường.

5. Cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn

Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) vừa được ban hành. Kể từ ngày 1.1.2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ô tô, xe máy, xe đạp điện…) khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn.
Kể từ ngày 1.1.2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ô tô, xe máy, xe đạp điện…) khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn
Như vậy, luật không chỉ cấm điều khiển ô tô khi có nồng độ cồn theo quy định cũ. Kể từ năm 2020, mọi hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bao gồm điều khiển phương tiện giao thông cơ giới (như ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (như xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo) khi trong máu, hơi thở của người điều khiển có nồng độ cồn vượt quá quy định, cũng bị nghiêm cấm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.