Xem dân làng thi giã gạo thổi cơm ngay giữa Thủ đô

12/02/2019 21:44 GMT+7

Dân làng Thị Cấm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa tổ chức lễ hội thi nấu cơm trắng truyền thống vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm.

Từ khoảng hơn 10 giờ sáng 12.2, người dân làng Thị Cấm đã tập trung ở đình làng để chuẩn bị cho lễ hội thi nấu cơm trắng được tổ chức hàng năm. 
Hội thi nhằm tưởng nhớ công ơn của tướng quân Phan Tây Nhạc, đời vua Hùng Vương thứ 18. Ông từng đóng quân tại nơi đây và thường tổ chức thi thổi cơm để tìm người nuôi quân giỏi. Đây là lễ hội ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay của người dân Thủ đô.
Vào khoảng 11 giờ, hội thi nấu cơm bắt đầu với phần kéo lửa. Mỗi đội sẽ có một bộ bùi nhùi rơm được chuẩn bị sẵn dùng cho phần thi. Trước khi phần thi bắt đầu, các bô lão trong làng kiểm tra kỹ các bó bùi nhùi rơm để tránh việc gian lận của các đội chơi Ảnh Phạm Quang Vinh
Bốn thành viên của mỗi đội chơi sẽ ghì chặt 3 thanh tre kẹp các bó rơm bên trong. Trên 2 thanh tre được khoan 2 chiếc lỗ để xuyên một thanh giang qua. Hai người khỏe mạnh sẽ dùng tay kéo mạnh 2 đầu thanh giang để tạo ma sát với thanh tre để lửa bén vào bó rơm. Đội nào kéo được lửa trước thì đội đó sẽ giành chiến thắng Ảnh Phạm Quang Vinh
Một người đàn ông cúi sát xuống nền sân đình dùng miệng thổi để lửa nhanh bén vào bó rơm Ảnh Phạm Quang Vinh
Mỗi đội chỉ có 30 phút từ khi kéo lửa cho tới khi ban giám khảo đi nghiệm thu các nồi cơm nên các đội đều hết sức khẩn trương ngay từ giai đoạn đầu tiên của cuộc đua Ảnh Phạm Quang Vinh
Đội đầu tiên trong số 4 đội chơi đã kéo lửa thành công Ảnh Phạm Quang Vinh
Sau khi kéo lửa, mỗi đội đã được chuẩn bị sẵn một chiếc nồi được đánh số và 1 kg thóc để thực hiện phần thổi cơm Ảnh Phạm Quang Vinh
Ngay sau khi bùi nhùi có lửa, bếp sẽ được nhóm để đun sôi nước trong nồi Ảnh Phạm Quang Vinh
Thóc được đưa vào cối đá để giã thành gạo Ảnh Phạm Quang Vinh
Sau khi gạo được giã xong, những người phụ nữ khéo léo nhất sẽ được phân công để vo gạo bằng nước do các thành viên đội chơi lấy từ sông Nhuệ. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh, hiện nay, nước sông Nhuệ được thay bằng nước lọc, nhưng phần thi chạy lấy nước của 4 thiếu niên vẫn được tiến hành Ảnh Phạm Quang Vinh
Lửa được tiếp rất đượm nên nồi nước trên bếp đã sôi Ảnh Phạm Quang Vinh
Sau khi cơm cạn, một miếng giấy sẽ được đặt lên trên miệng nồi để giúp cơm không bị đổ ra ngoài khi nồi cơm được vùi trong lửa rơm và đun cho tới khi chín Ảnh Phạm Quang Vinh
Khói từ các bếp bốc lên nghi ngút cả một khoảng sân đình làng Thị Cấm. Bên ngoài, tiếng hò reo cổ vũ cho các đội chơi rất náo nhiệt Ảnh Phạm Quang Vinh
Trong lúc chờ cơm chín, ban tổ chức hội thi trao giải cho phần thi kéo lửa Ảnh Phạm Quang Vinh
Sau khi hết 30 phút của cuộc thi, thành viên ban giám khảo sẽ đi chọc các đống tro để tìm nồi cơm bị vùi bên trong. Các đội sẽ dẫn thành viên ban giám khảo đi lòng vòng để cơm trong nồi có thời gian chín Ảnh Phạm Quang Vinh
Bốn nồi cơm của 4 đội thi được đặt lên mâm đưa vào trong đình để chấm điểm Ảnh Phạm Quang Vinh
Mỗi nồi cơm sẽ được xới ra một bát để đặt lên mâm cúng thành hoàng làng trước khi ban giám khảo nếm thử để chấm điểm, xếp hạng Ảnh Phạm Quang Vinh
Bốn bát cơm trắng vừa nấu được kính cẩn dâng lên thành hoàng làng Ảnh Phạm Quang Vinh
Sau khi làm lễ cúng thành hoàng làng, thành viên ban giám khảo sẽ chấm điểm từng bát cơm. Cơm của đội nào trắng, dẻo, thơm, chín đều sẽ được chấm điểm cao hơn Ảnh Phạm Quang Vinh
Sau khi chấm điểm xong, cơm sẽ được chuyển ra ngoài để thành viên các đội chơi và người dân trong làng nếm thử để lấy lộc đầu năm Ảnh Phạm Quang Vinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.