Xem minh văn trên gốm Nam bộ

08/08/2017 07:43 GMT+7

Hơn 500 hiện vật gốm Nam bộ của khoảng 100 nhà sưu tập khắp cả nước đang được trưng bày từ nay đến hết ngày 12.8 tại Triển lãm mỹ thuật ứng dụng Sản phẩm gốm Nam bộ tại Nhà triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn , Q1).

Phần lớn các tác phẩm là gốm sứ đầu và giữa thế kỷ 20, và đều là các sản phẩm phục vụ xây dựng, sinh hoạt thường ngày và trang trí nội, ngoại thất như bình hoa, lọ đèn, bát, chân đèn, chóe...
Nhà sưu tập Trần Hòa Bình (người có 10 năm kinh nghiệm trong nghề) say sưa giải thích về từng chi tiết in trên chiếc bình gốm Lái Thiêu men xanh trắng khổ lớn sản xuất năm 1924. Mặt trước chiếc bình có in hình hoa gạo, hoa cúc, mẫu đơn, trúc mai, khổng tước và cả đôi chim phú quý bạc đầu. Mặt sau chiếc bình in bài thơ viết theo lối thư pháp viết năm 1924. Nhà sưu tập này cũng chính là người mua cặp chân đèn rồng (gốm Cây Mai, men nhiều màu, đầu thế kỷ 20) với giá 500 triệu đồng từ một cuộc đấu giá tại Pháp năm 2016. “Trước đây, đồ gốm Nam bộ đẹp được bán sang Pháp khá nhiều. Tôi quyết mua bằng được cặp chân đèn rồng này khi vừa nhìn thấy hình, để mang lại về nước mình”, anh Bình nói. Cặp chân đèn rồng này đang được trưng bày cùng bức tượng Di Lặc (gốm Cây Mai, men nhiều màu, đầu thế kỷ 20) trị giá trên 500 triệu đồng cũng do anh sưu tầm.
Ngoài ra, triển lãm còn có nhiều đồ trưng bày đáng chú ý như: chiếc trống gốm Biên Hòa (men màu, giữa thế kỷ 20, nhà sưu tập Đào Duy Thắng) trị giá trên 500 triệu đồng, chiếc chóe men xanh ngọc của gốm Lái Thiêu cao gần 1 m với dòng chữ nổi “Hứa Trạch Tây liệt sĩ”, và dòng chữ “tinh trung báo quốc” phía trên. Hoặc bộ sưu tập thố, bình của nghệ nhân Lâm Đào Xương, bộ thố, đĩa, ống giắt đũa gốm men nhiều màu vẽ đề tài con gà. Các bình hoa (gốm Lái Thiêu, năm 1932) in tích Long tranh hổ đấu (trị giá 75 triệu đồng/cặp), tích Bát tiên cưỡi thú (trị giá 150 triệu đồng/cặp, năm 1932), tranh gốm thiếu nữ (gốm Thành Lễ, men nhiều màu, thế kỷ 20)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.