Tự động phát
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Ai là 'quán quân' nhận hối lộ?
Ngày 3.4.2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu". 54 bị can bị đề nghị truy tố 5 nhóm tội danh gồm: "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "đưa hối lộ", "môi giới hối lộ" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Ai là 'quán quân' nhận hối lộ?
Đối với nhóm bị can bị cáo buộc “nhận hối lộ”, bị can bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất là ông Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế với hơn 250 lần nhận và tổng số tiền gần 43 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra, với vai trò là thư ký của ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, bị can Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt và ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bị can này đã tiếp xúc, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay và các cá nhân có liên quan với chi phí từ 50 - 200 triệu đồng/chuyến bay; hoặc phải chi từ 500.000 - 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 - 15 triệu đồng/khách đối với khách lẻ.
Ngoài ra, Phạm Trung Kiên còn cùng bị can Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu (thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) yêu cầu, gợi ý, chỉ dẫn để doanh nghiệp liên hệ, chi tiền để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay, trả lời kịp thời văn bản.
Cơ quan An ninh điều tra cáo buộc bị can Phạm Trung Kiên đã hơn 250 lần nhận tiền của 19 cá nhân, doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng và 27.000 USD (tương đương hơn 625 triệu đồng). Cụ thể như sau:
Theo kết luận điều tra, từ tháng 6 đến tháng 12.2021, bị can Phạm Trung Kiên yêu cầu các công ty, doanh nghiệp chi tiền cho hàng chục “chuyến bay giải cứu” để được chấp nhận.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 9.2020 đến tháng 5.2021, bị can này đã nhận 114 lần với tổng số tiền 7,4 tỉ đồng từ ông Vũ Hồng Quang, cán bộ Cục Hàng không Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông vận tải), để chấp thuận cho các khách lẻ về nước với giá từ 7 - 15 triệu đồng/người.
Từ tháng 2 đến tháng 11.2021, bị can Kiên cũng nhận 62 lần với tổng số tiền 7,3 tỉ đồng để giúp các khách lẻ về nước. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho hay sẽ tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý trong giai đoạn sau của vụ án.
Vụ án 'chuyến bay giải cứu': Đề nghị truy tố 54 bị can
Đối với các bị can còn lại trong nhóm bị cáo buộc tội “nhận hối lộ”, cơ quan An ninh điều tra xác định:
Ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 21 tỉ đồng;
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng;
Ông Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, nhận hơn 12 tỉ đồng;
Ông Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, nhận hơn 4 tỉ đồng;
Ông Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu (Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), nhận hơn 27 tỉ đồng;
Ông Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nhận hơn 7 tỉ đồng;
Ông Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), nhận hơn 9 tỉ đồng;
Ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hơn 2 tỉ đồng;
Ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 5 tỉ đồng;
Cùng một số bị can khác, trong đó, bị can bị cáo buộc nhận hối lộ ít nhất là 437 triệu đồng.
Tình tiết hy hữu trong vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu công an nói dối, chiếm đoạt gần 19 tỉ
Cũng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, trong số các bị can bị đề nghị truy tố có ông Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Điều tra (thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an).
Ông Hoàng Văn Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình khi là điều tra viên thụ lý chính vụ án này, cung cấp thông tin và hướng dẫn cho hai bị can Nguyễn Thị Thu Hằng và Lê Hồng Sơn (thuộc công ty TNHH thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu Trời Xanh) cách khai báo khi làm việc với điều tra viên để hướng đến chủ trương không bị xử lý hình sự.
Tình tiết hy hữu trong vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu công an nói dối, chiếm đoạt gần 19 tỉ
Theo kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra xác định bị can Hoàng Văn Hưng (lúc còn là trưởng phòng Điều tra thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an) đã nhiều lần liên hệ, trao đổi thông tin vụ án cho bị can Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) trong khi ông Tuấn không có trách nhiệm liên quan trong vụ án này.
Sau đó, thông qua bị can Nguyễn Anh Tuấn, ông Hoàng Văn Hưng đã gặp gỡ bà Nguyễn Thị Thu Hằng để hướng dẫn cách khai báo với cơ quan điều tra theo hướng có lợi cho bị can này và nhân viên của công ty TNHH thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu Trời Xanh.
Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra chưa đủ tài liệu chứng minh ông Hoàng Văn Hưng đã nhận tiền cho chuyện này trong thời điểm đó.
Một thời gian sau đó, ông Hoàng Văn Hưng chuyển công tác làm Trưởng phòng Chính trị hậu cần (thuộc Cục An ninh điều tra) và không còn nhiệm vụ, quyền hạn trong việc điều tra, xử lý vụ án "chuyến bay giải cứu".
Tuy nhiên, bị can Hoàng Văn Hưng lúc đó vẫn nói dối rằng mình vẫn còn có thể xử lý, cung cấp thông tin vụ án cho các bị can Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, tiếp tục hướng dẫn cách khai báo với điều tra viên, đồng thời "gợi ý" chi tiền cho các cá nhân ở viện kiểm sát, cơ quan điều tra và cục nghiệp vụ Bộ Công an để các đơn vị, cá nhân này ủng hộ quan điểm không xử lý hình sự bà Nguyễn Thị Thanh Hằng và ông Lê Hồng Sơn.
Thông qua ông Nguyễn Anh Tuấn, ông Hoàng Văn Hưng đã nhận 800.000 USD (tương đương gần 19 tỉ đồng).
Cơ quan An ninh điều tra cáo buộc hành vi này của bị can Hoàng Văn Hưng đã phạm vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận 2,65 triệu USD từ bà Nguyễn Thị Thanh Hằng. Ông Nguyễn Anh Tuấn bị đề nghị truy tố tội "môi giới hối lộ".
An Giang bất ngờ dừng việc huy động 400 người thử tải cầu Nguyễn Thái Học
Dù có tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng, mới được đưa vào sử dụng ngày 29.4.2021, thế nhưng cầu Nguyễn Thái Học (nối phường Mỹ Bình và phường Mỹ Hòa của thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã bị phát hiện thi công sai thiết kế ở nhiều vị trí. Do đó, Công an tỉnh An Giang đang vào cuộc điều tra và vào ngày 29.3.2023, cơ quan này cũng có đề nghị UBND thành phố Long Xuyên hỗ trợ huy động 400 người để thử tải cầu.
Thông tin mới nhất vào chiều tối 4.4, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo dừng việc huy động 400 người thử tải cầu Nguyễn Thái Học; đồng thời Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam sẽ sử dụng phương pháp khác để thử tải, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
An Giang bất ngờ dừng việc huy động 400 người thử tải cầu Nguyễn Thái Học
Trước đó, theo Công an tỉnh An Giang, từ ngày 29.3 đến 6.4, cơ quan này phối hợp Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam giám định chất lượng cầu bộ hành thuộc Dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đang kiểm tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại công trình cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học; đồng thời huy động 400 người dân ở thành phố Long Xuyên để tham gia thử tải theo kế hoạch.
Việc thử tải cầu Nguyễn Thái Học để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã trưng cầu Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam giám định chất lượng, xác định thiệt hại và thẩm quyền điều chỉnh thiết kế của cầu.
Đến ngày 24.3, Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam có công văn thông báo kế hoạch chi tiết thực hiện công tác giám định tư pháp tại hiện trường cầu Nguyễn Thái Học. Dự kiến, ngày 5.4, cần huy động 400 người để thực hiện việc thử tải.
Chiều 4.4, lãnh đạo Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải thông tin liên quan đến việc thay đổi phương án thử tải cầu Nguyễn Thái Học bằng việc huy động người dân, đơn vị này sẽ chuyển sang phương pháp thử tải bằng nước với mức tương đương 400 người. Thời gian kiểm định sẽ lùi lại đến khi có đầy đủ trang thiết bị chứ không diễn ra vào sáng 5.4 như dự kiến.
Khinh khí cầu Trung Quốc có thể đã cố bỏ chạy khi bị Mỹ phát hiện?
Đài NBC ngày 3.4 đưa tin khinh khí cầu Trung Quốc bay ngang Mỹ gần đây có khả năng thu thập thông tin tình báo từ các khu vực quân sự Mỹ và truyền trực tiếp về Trung Quốc, dù Washington đã nỗ lực ngăn chặn.
Khinh khí cầu Trung Quốc có thể đã tìm cách lẩn tránh khi bị Mỹ phát hiện?
Theo một số quan chức đương nhiệm và về hưu ở Nhà Trắng, khinh khí cầu tầm cao do Bắc Kinh kiểm soát có thể đã bay qua nhiều lần tại các vị trí quân sự ở Mỹ, trước khi bị quân đội Mỹ bắn rơi hôm 4.2. Đôi khi, khinh khí cầu này còn bay theo hình số 8.
Cũng theo nguồn tin này, sau khi chuyện được truyền thông đăng tải rộng rãi, người điều khiển khí cầu đã "tăng tốc độ" có lẽ để "đưa khí cầu ra khỏi không phận Mỹ càng sớm càng tối".
Các quan chức này cho biết khinh khí cầu có thể truyền trực tiếp thông tin thu thập được về Bắc Kinh. Cụ thể, "tình báo Trung Quốc thu thập được chủ yếu từ các tín hiệu điện tử, vốn có thể nhận được từ những hệ thống vũ khí hoặc liên lạc từ nhân sự tại căn cứ, hơn là các hình ảnh".
Phía Mỹ đã tổ chức cản trở bằng cách đổi chỗ các mục tiêu theo dõi tiềm năng và ngừng phát sóng. Giới chức Mỹ, Bộ ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington D.C chưa đưa ra bình luận về thông tin trên, theo Reuters.
Tất cả sẽ có trong Bản tin Xem nhanh 12h, được phát trên thanhnien.vn cùng kênh YouTube Báo Thanh Niên. Kính mời quý vị theo dõi.
Xem nhanh 12h của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 12 giờ trưa mai 6.4.2023 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)