Xem nhanh 12h: Người dân làng Lại Đà khóc nghẹn, nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Xem nhanh 12h: Người dân làng Lại Đà khóc nghẹn, nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

21/07/2024 11:58 GMT+7

Kính mời quý vị theo dõi Bản tin ‘Xem nhanh 12h’ ngày 21.7.2024 của Báo Thanh Niên với nhiều thông tin đáng chú ý.

Bản tin Xem nhanh 12h ngày 21.7.2024 có những thông tin đáng chú ý sau:

Xem nhanh 12h ngày 21.7: Người dân làng Lại Đà khóc nghẹn, nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân thôn Lại Đà thương nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thôn Lại Đà (xã Đông Hội, H.Đông Anh, TP.Hà Nội) là nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sinh ra và lớn lên. Hay tin Tổng Bí thư từ trần, người dân nơi đây không khỏi xót thương khi đất nước mất đi một người lãnh đạo lỗi lạc, thôn Lại Đà mất đi một người con luôn hướng về quê hương.

Những ngày này, nhân dân tại thôn Lại Đà và toàn xã Đông Hội không ai bảo ai, tự nguyện dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự để chuẩn bị đón tiếp thân nhân gia đình Tổng Bí Thư cùng các đoàn khách về thăm quê, thắp những nén nhang thơm đưa tiễn Tổng Bí thư.

Người dân thôn Lại Đà thương nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bạn già làng Lại Đà khóc nghẹn, nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông Ngô Bá Dục (82 tuổi, làng Lại Đà, xã Đông Hội, H.Đông Anh, TP.Hà Nội), ngồi lật từng tấm ảnh, mắt rướm nước hồi nhớ những kỷ niệm về người bạn thân Nguyễn Phú Trọng.

Ông Dục kể, ông và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng lớp với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Khi lên đại học, Tổng Bí thư đỗ Trường đại học Tổng hợp, còn ông Dục theo ngành sư phạm. Dù khác trường nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè khăng khít.

Bạn già làng Lại Đà khóc nghẹn, nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Học cùng nhau từ cấp 1 lên cấp 3 nên anh em rất hợp tính nhau và sống với nhau rất chân thành. Anh Trọng là người rất cẩn thận, chữ nghĩa rất đẹp", ông Dục kể.

Nhớ lại thời phổ thông, ông Dục cho hay ông và Tổng Bí thư phải lên H.Gia Lâm học. Thời điểm đó, 2 người thuê trọ ở nhà dân, cùng nhau nấu cơm ăn, cùng nhau đi dạy kiếm tiền mua sách vở và trang trải sinh hoạt.

"Thời đó vất vả, gia đình chỉ cho 15 đấu gạo, còn tiền tiêu phải tự lo. Chúng tôi từng bơi ra bãi sông Hồng để vớt củi về phơi khô đun nấu. Buổi chiều học xong, tôi và anh Trọng lại vào Khu công nghiệp Đức Giang dạy bổ túc cho công nhân để kiếm tiền. Lúc đó tôi một lớp, anh Trọng 1 lớp, mỗi tiết chỉ được 7 hào", ông Dục kể.

Nói thêm về tính cách của Tổng Bí thư, ông Dục cho hay Tổng Bí thư là người rất giản dị. Ông kể thời điểm đi học nói đến Ngô Bá Dục là người ta nói đến "anh mặc quần áo nâu", còn nói đến người mặc "quần cá rô đớp gấu" là nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi thời đó ông Dục hay mặc quần áo màu nâu; và quần cá rô đớp ống là vì thời đó các cụ may quần áo cho con bao giờ cũng "chừa lớn", nhưng chưa lớn thì quần đã bị sờn, rách ống.

Ông Dục vẫn nhớ thời cấp 3, ông và Tổng Bí thư từ nông thôn lên trọ học, các bạn ở "phố" thì ăn mặc đẹp đẽ, chỉnh tề. Trường ông gần sân bay Gia Lâm, thường đón khách, có hôm khách về là các bạn ở nội thành quần trắng áo dài chở nhau ra sân bay, còn ông và Tổng Bí thư chỉ đứng nhìn từ xa…

Vất vả là thế, song ông Dục và Tổng Bí thư luôn chăm chỉ, kiên trì và được các thầy, cô nhớ mãi vì thành tích nổi bật ở lớp. Sau đó cả 2 đều đỗ vào trường đại học mà mình mơ ước.

Ông Ngô Bá Dục cho biết thêm, khi công tác, giữ các chức vụ quan trọng nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ mối quan hệ tốt với bạn bè. Nhiều sự kiện họp lớp, chia tay thầy cô Tổng Bí thư luôn có mặt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức người bạn già thời "quần nâu áo vá"

"Anh Trọng rất dân dã, có lần họp lớp anh ấy đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội nhưng vẫn bắt xe ôm ra nhà nổi Hồ Tây để gặp các bạn. Lúc đó, Giám đốc nhà nổi ở Hồ Tây thấy cũng hoảng lên bảo có chuyện gì mà lãnh đạo thành phố đến tận đây, nhưng anh Trọng nói chỉ họp lớp bình thường chứ không có chuyện gì", ông Dục kể lại.

Năm 2000, mẹ ông Dục mất, Tổng Bí thư cũng về tận nơi thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Bạn bè có việc gì Tổng Bí thư đều giúp đỡ rất nhiệt tình, đến nơi đến chốn.

"Nghe tin anh mất, tôi cũng rất đau xót, bạn già gần hết rồi, 3 anh em ở chung mất đi 1, còn 1 ông cũng đang nằm viện. Khi nghe tin anh mất, tôi không ngạc nhiên nhưng rất đau đớn, anh ấy còn nhiều việc muốn làm chưa làm được, nhưng không biết làm thế nào, quy luật rồi…", ông Dục lặng người, rướm nước mắt nói.

Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 2 ngày 25 - 26.7

Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang.

Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP.Hà Nội.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP.Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 22 giờ ngày 25.7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26. 7.2024.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26.7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP.Hà Nội.

Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP.Hà Nội.

Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.

Đài Truyền hình Việt Nam Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, TP.HCM.

Trong hai ngày Quốc tang (25.7 - 26.7), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.

Thông tin Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tất cả sẽ có trong Bản tin Xem nhanh 12h, được phát trên thanhnien.vn cùng kênh YouTube Báo Thanh Niên. Kính mời quý vị theo dõi.

Xem nhanh 12h của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 12 giờ trưa mai 22.7.2024 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.