Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 11.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Tài xế cãi nhau ở trung tâm đăng kiểm vì chờ từ 3 giờ sáng chưa tới lượt
Sáng 11.3.2023, rất đông tài xế tập trung tại Trung tâm kiểm định xe cơ giới 29-03S (số 3 Lê Quang Đạo, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội). Họ đã chờ ở đây từ sáng sớm. Có những người đợi từ đêm qua để chờ lấy được tấm phiếu hẹn thời gian đăng kiểm. Chờ đợi mòn mỏi từ sáng sớm, nhiều tài xế không còn giữ được bình tĩnh và nhiều cuộc cãi vã đã nổ ra.
Tài xế cãi nhau nảy lửa ở trung tâm đăng kiểm vì chờ từ 3 giờ sáng chưa tới lượt
"Hôm nay tôi đến đây từ 3 giờ sáng, đứng chờ ở đây để đăng kiểm. Trung tâm đăng kiểm này mới mở lại từ hôm qua, tôi biết tin nên đến sớm để xếp hàng. Nhưng khi sáng nay đến, họ vẫn đóng cửa ra vào và dán biển thông báo chỉ đăng kiểm cho những xe đã được phát phiếu hẹn từ ngày hôm qua. Chúng tôi không biết, vẫn cố đứng đây để đợi thì vừa rồi họ đuổi về và bảo thứ 3 đến lấy phiếu. Xe tôi bây giờ hết đăng kiểm rồi, ít nhất phải phát phiếu cho người ta. Hẹn ngày nào cũng được nhưng phải có phiếu để tôi quay về luôn. Chứ mai đến họ lại khất thì chúng tôi không biết làm thế nào. Mà bây giờ đi chỗ nào cũng rất đông, có chỗ xếp hàng cả cây số, tôi nghĩ thế này chắc đến tối cũng chẳng đến lượt mình. Cũng mong rằng nhà nước, tất cả bà con ủng hộ, có khi lúc đang cao điểm này thì làm cả chủ nhật đi, để vãn bớt xe ít nào hay ít đấy", anh Nguyễn Văn Dũng, một tài xế ở H.Ứng Hòa, TP.Hà Nội, chia sẻ.
Theo người dân, việc các trung tâm đăng kiểm liên tục đóng cửa thời gian qua khiến cho hoạt động đăng kiểm gần như bị tê liệt, không chỉ ở Hà Nội mà cả ở các địa phương lân cận. Số lượng trung tâm đăng kiểm còn hoạt động quá ít so với tổng số xe cần được đăng kiểm mỗi ngày. Tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03S, chỉ còn một dây chuyền hoạt động với 4 nhân viên đăng kiểm. Tối đa mỗi ngày cũng chỉ được 50 xe, trong khi hàng dài các phương tiện vẫn đang xếp hàng từ cổng trung tâm kéo dài trên mặt đường Lê Quang Đạo.
Công an tiếp nhận bằng chứng tố cáo YouTuber Long Ngô
Ngày 11.3, Công an H.Trảng Bom đã có buổi làm việc, tiếp nhận bằng chứng của bà Trương Thị Việt Hà (ngụ Q.3, TP.HCM) liên quan đến việc người này tố cáo ông Ngô Thanh Long (YouTuber Long Ngô, 37 tuổi, ngụ H.Trảng Bom, Đồng Nai). Bà Hà tố cáo YouTuber Long Ngô thường xuyên bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm đối với bà.
Công an tiếp nhận bằng chứng tố cáo YouTuber Long Ngô
Tại buổi làm việc với trung tá Nguyễn Văn Quyết (Đội điều tra tổng hợp - Công an H.Trảng Bom), bà Hà cung cấp 1 USB chứa rất nhiều clip mà YouTuber Long Ngô thường xuyên bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm đối với bà trong một thời gian dài.
Sau khi tiếp nhận bằng chứng từ bà Hà, Công an H.Trảng Bom đã lập biên bản giao nhận tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử.
Liên quan đến vụ việc này, tháng 12.2022, Công an tỉnh Đồng Nai có công văn trả lời liên quan đến các nội dung tố cáo của bà Trương Thị Việt Hà đối với YouTuber Long Ngô.
Theo đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã nhận được 2 phiếu chuyển từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) liên quan đến đơn thư của bà Hà tố cáo YouTuber Long Ngô vào tháng 3, 6.2022.
Sau đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển cho Công an H.Trảng Bom điều tra xử lý theo thẩm quyền. Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an H.Trảng Bom tiếp tục điều tra xử lý liên quan đến nội dung tố cáo của bà Hà đối với YouTuber Long Ngô.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công an H.Trảng Bom giải trình, báo cáo kết quả giải quyết vụ việc cho Công an tỉnh Đồng Nai và Bộ Công an được biết.
Theo bà Hà, bà không quen biết, không có bất cứ mối quan hệ nào với YouTuber Long Ngô. Thế nhưng, YouTuber Long Ngô đã rất nhiều lần, trong lúc livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng (đã bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam) đã bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, vu khống bà Hà và gia đình.
Dân vùng rốn lũ không mặn mà với khu tái định cư hơn 41 tỉ đồng
Nằm ở vùng thấp trũng, nơi có con sông Ngàn Sâu chảy vắt qua nên hễ vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về cộng với nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ là nhiều thôn của xã Điền Mỹ lại ngập sâu, bị cô lập hoàn toàn. Có năm, nước ngập đến mái nhà khiến người dân phải nháo nhào di dời đến các cơ sở kiên cố hoặc nhà cao tầng trong xã trú ẩn. Để sống chung với lũ, người dân nơi đây khi làm nhà cũng thường thiết kế thêm gác chạn tạm bợ ở phía sát mái nhà, đề phòng khi lũ lớn lên đây ẩn náu.
Thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của bà con, năm 2017 từ đề xuất của chính quyền địa phương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư (TĐC) phục vụ phòng, chống ngập lũ cho 165 hộ dân ở thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ. Dự án do UBND H.Hương Khê làm chủ đầu tư, được triển khai trên diện tích 21 ha tại khu đồi thoải Cồn Hội, cách thôn Trung Tiến khoảng hơn 1 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 41 tỉ đồng, gồm các hạng mục như: san nền, đường điện, làm đường, nhà văn hóa…, dự kiến đến năm 2019 hoàn thành, bàn giao để di dời dân đến ở.
Dân vùng rốn lũ không mặn mà với khu tái định cư hơn 41 tỉ đồng
Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đến tháng 11.2020, dự án khu TĐC mới bắt đầu được triển khai và tháng 1.2023 mới hoàn thành. Điều nghịch lý là khi xã mời các hộ dân nằm trong diện di dời lên làm hồ sơ để cấp đất thực địa thì chỉ có 8/165 hộ dân tham gia.
Ông Nguyễn Đình Nghị (71 tuổi, ngụ thôn Trung Tiến) cho biết do việc thi công khu TĐC quá lâu so với tiến độ đề ra, trong khi việc phòng chống lụt bão là rất cấp thiết nên các hộ dân không thể chờ đợi và hầu hết đã cố gắng kiến thiết lại nhà thành nhà ở vượt lũ. "Bây giờ vào khu TĐC muốn được cấp sổ đỏ thì chúng tôi buộc phải xây dựng nhà ở kiên cố đảm bảo 3 cứng: mái cứng, khung cứng và nền cứng. Chúng tôi chỉ được cấp đất chứ không được hỗ trợ tiền xây nhà nên xã yêu cầu như vậy là làm khó cho dân. Trong khi hiện tại khu TĐC chưa có nước sạch. Chính vì lý do này mà người dân không đồng tình và chọn ở lại chốn cũ", ông Nghị nói.
Liệt sĩ Gạc Ma và những người ở lại: ‘35 năm vẫn không bỏ chiếc áo, tấm khăn’
Suốt 35 năm qua, bà Phan Thị Quý, vợ liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, vẫn giữ nguyên tấm áo hải quân và nhiều kỉ vật mà chồng bà để lại, sau khi hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa (14.3.1988).
Liệt sĩ Gạc Ma và những người ở lại: ‘35 năm vẫn không bỏ chiếc áo, tấm khăn’
Chị Nguyễn Tú Huế, 38 tuổi, con gái út của liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, hiện đang sống cùng gia đình riêng tại Hà Nội, cứ đều đặn cuối tuần lại thăm mẹ. Mặc dù sớm mất bố từ khi còn nhỏ tuổi, hình ảnh của ông vẫn chưa từng phai nhòa trong ký ức của chị.
Trong khi đó, chị gái Nguyễn Thị Minh Hà, 41 tuổi, theo nghiệp mẹ, hiện đang làm giáo viên tại tỉnh Thái Bình. Cặp nhẫn có khắc tên của bố là kỉ vật mà 2 chị em đã mang bên mình suốt 35 năm qua.
Trong căn nhà ngập tràn kỷ vật, chị Huế luôn ao ước một lần được ra Trường Sa, thăm lại chiến trường cũ của cha.
"Xem nhanh 20h" của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai 12.3 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)