Xem nhanh 20h ngày 19.11: Vai trò tỉ phú Chu Lập Cơ; Chiêu lập công ty ‘ma’ trong vụ Vạn Thịnh Phát

Xem nhanh 20h ngày 19.11: Vai trò tỉ phú Chu Lập Cơ; Chiêu lập công ty ‘ma’ trong vụ Vạn Thịnh Phát

19/11/2023 20:00 GMT+7

‘Xem nhanh 20h’ ngày 19.11 có nhiều tin tức đáng chú ý về: Kết luận điều tra vụ án tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; Chính quyền nói gì về thực trạng ‘Băm nát’ không gian thoát lũ sông Hồng;Bờ sông Trà Bồng sạt lở uy hiếp người dân; Nga bỏ cấm xuất khẩu xăng;...

Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 19.11 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Tỉ phú Chu Lập Cơ nghe vợ chỉ đạo, gây thiệt hại 39.000 tỉ đồng của SCB

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ, đề nghị viện KSND cùng cấp truy tố 86 bị can ở 7 nhóm tội danh.

Trong vụ án, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ với cáo buộc tham ô hơn 304.000 tỉ đồng của SCB; lập khống các hồ sơ, rút tiền của ngân hàng ra chi tiêu gây thiệt hại 498.000 tỉ đồng. Nữ doanh nhân này còn hối lộ 5,2 triệu USD cho một cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước để được bao che vi phạm.

Xem nhanh 20h: Vai trò tỉ phú Chu Lập Cơ; Chiêu lập công ty ‘ma’ trong vụ Vạn Thịnh Phát

Chồng bà Lan là ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, quốc tịch Hồng Kông), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ông Chu Lập Cơ sinh năm 1956, quê gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc), thường trú tại Hồng Kông và được chính quyền đặc khu cấp hộ chiếu. Vị này được cho là tỉ phú, sở hữu nhiều bất động sản, từ Việt Nam đến Hồng Kông.

‘Băm nát’ không gian thoát lũ sông Hồng: Phép nước có thua lệ làng?

Khi PV Thanh Niên liên hệ để làm rõ những vi phạm không gian thoát lũ sông Hồng thì một số địa phương đã thẳng thắn thừa nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo địa phương khác lại viện cớ bận công việc, trì hoãn thời gian trả lời hoặc cố tình "né".

Ông Mai Văn Ngần, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân (H.Thường Tín, Hà Nội), cho biết hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 40 - 50 công trình vi phạm không gian thoát lũ, trong số đó có những công trình kiên cố và gần 20 nhà xưởng, kho xưởng với diện tích từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông. Nói về những vi phạm này, ông Ngần ngao ngán cho rằng rất "nan giải", "không phải ngày một ngày hai" và chỉ ra hàng loạt lý do từ chủ quan đến khách quan.

Chính quyền than vi phạm là “muôn thuở” - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu vực thảo nguyên hoa Long Biên vi phạm về không gian thoát lũ sông Hồng

ĐÌNH HUY

Đầu tiên, phải kể đến yếu tố "phép vua thua lệ làng". Ông Ngần thông tin, trước đây người dân được cấp đất ngoài đê từ năm 1993, nhưng mãi sau này mới có luật Đê điều nên công trình tồn tại từ trước khi có luật. Thời điểm khi đã có luật Đê điều rồi thì nhà người khác thấy những nhà trước đó làm được công trình, họ vin vào lý "nhà họ làm được, nhà tôi cũng làm được" để xây dựng.

"Chúng tôi cũng là người địa phương, mà ở nông thôn, nhiều nhà thích xây gì thì họ xây, trong đó có những người anh em, họ hàng, chẳng nhẽ bây giờ họ bảo xây cổng, xây tường chúng tôi lại cấm?", ông Ngần phân trần.

Cũng chính vì những lý do trên nên khi có quy định từ cấp trên đưa xuống, ông Ngần phải đi động viên người dân nộp phạt, thậm chí phải nói "đứt lưỡi" để người dân ký vào biên bản.

Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.