Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 2.8 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Nữ võ sĩ bị nghi là người chuyển giới ở Olympic khiến đối thủ khóc nức nở
Olympic Paris đến thời điểm này đã vướng khá nhiều lùm xùm cả trong các màn thi đấu lẫn các câu chuyện bên lề. Mới nhất là nghi vấn một võ sĩ quyền anh bị nghi là người chuyển giới nhưng vẫn được Ủy ban Olympic quốc tế cho phép tham gia thi đấu. Tối 1,8, võ sĩ người Algireia Imane Khelif - người vướng lùm xùm là người chuyển giới, đã dễ dàng hạ đối thủ chỉ sau 46 giây thượng đài. Đối thủ của Imane Khelif đã quỳ gối, khóc nức nở ở góc khán đài sau khi xin bỏ cuộc. Trở về làng VĐV, Angela Carini đã đăng tải bức ảnh bản thân bị bầm mặt lên mạng xã hội X. Trước đó, cô cũng đã từ chối bắt tay Imane Khelif và cho biết uy lực từ những cú đấm của Khelif khiến mình không thể tiếp tục.
Năm 2023, Imane Khelif bị Hiệp hội Quyền anh quốc tế (IBA) cấm tham dự các giải quốc tế do không đáp ứng được tiêu chuẩn về sinh học. Cô không vượt qua được buổi kiểm tra và bị phát hiện có nhiễm sắc thể XY (chỉ có ở nam giới) tăng cao một cách đột ngột.
Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc tế mới đây đã đình chỉ tư cách tổ chức quyền anh của Hiệp hội Quyền anh quốc tế vì những cáo buộc tham nhũng và dàn xếp huy chương tại Olympic 2012 và Olympic 2016. Vì thế, các phán quyết của Hiệp hội Quyền anh quốc tế cũng không được công nhận và võ sĩ Imane Khelif vẫn tiếp tục được thi đấu ở Olympic Paris 2024.
Trước cáo buộc của VĐV và các đoàn thể thao khác về giới tính của võ sĩ Khelif, Ủy ban Olympic quốc tế cam kết bảo vệ quyền con người của tất cả các VĐV và khẳng định cáo buộc về giới tính của VĐV Imane Khelif là sai lệch.
IOC tuyên bố: “Hành động công kích giới tính VĐV quyền anh đã qua hoàn toàn đến từ những quyết định tùy tiện của IBA. Chúng được đưa ra mà không có bất kỳ quy trình phù hợp nào, đặc biệt khi xét đến việc các VĐV đã thi đấu ở các giải cấp cao nhất trong nhiều năm. Mọi người đều có quyền chơi thể thao mà không bị phân biệt đối xử.
Imane Khelif hiện vẫn chưa lên tiếng về những tranh cãi về giới tính của mình tại Olympic Paris 2024. Ban huấn luyện của đội tuyển boxing Algeria cũng từ chối tất cả lời mời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông.
Làn riêng cho xe đạp ở Việt Nam: Vì sao khó nhân rộng?
Khuyến khích người dân sử dụng xe đạp đang là xu hướng chung trên toàn thế giới trong nỗ lực chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu phát thải nhà kính. Nhưng ở Việt Nam. những nỗ lực này mới dừng ở mức sơ khai và thí điểm nhỏ lẻ.
Theo anh Peter Nguyễn - thành viên ban chấp hành Liên đoàn Triathlon Việt Nam; Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao TP.HCM; một phần nguyên nhân đến từ khí hậu nắng nóng ở Việt Nam và phần lớn nữa đến từ cơ sở hạ tầng không thân thiện với loại hình giao thông này.
Làn riêng cho xe đạp ở Việt Nam: Vì sao khó nhân rộng?
Để khuyến khích văn hóa đạp xe, điều đầu tiên là phải tạo ra môi trường phù hợp cho người đi xe đạp. Xe đạp không có lợi thế về tốc độ, về độ tiện lợi so với xe máy, ô tô hay xe buýt. Xe đạp chỉ có ưu điểm là rèn luyện được sức khỏe và thân thiện với môi trường. Từ thập niên 1990 đến nay, số lượng người đi xe đạp của Việt Nam giảm dần đều. Tỷ lệ người đi xe đạp ở nước ta chưa đến 3% và chủ yếu là nhóm tuổi học sinh trong khi tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp và xe thô sơ là khoảng 5%. .
Trong tranh cãi liệu có nên mở làn đường riêng cho xe đạp, cũng có nhiều ý kiến cho rằng số lượng người đi xe đạp ở các đô thị hiện nay là quá ít, liệu việc mở làn riêng trên quy mô lớn có thực sự cần thiết?
Theo anh Peter Nguyễn , đây cũng lại là một vấn đề muôn thuở “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Khi có cơ sở hạ tầng thân thiện rồi thì mới hy vọng người dân dịch chuyển nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường.
Để xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với xe đạp không phải là điều dễ. Không chỉ là việc mở rộng đường hay chia làn, kẻ vạch, sơn màu,... cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc cho thuê xe đạp, bãi trông giữ xe và phương tiện kết nối người đi xe đạp với các phương tiện công cộng khác,... thì mới có thể hy vọng hình thành được văn hóa đạp xe phổ biến ở đô thị lớn tại Việt Nam.
Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)