Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 5.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Người đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ 'chuyến bay giải cứu' là ai?
Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu". 54 người bị đề nghị truy tố ở 5 nhóm tội "đưa hối lộ", "môi giới hối lộ", "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
A09 đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp. Số tiền các bị can đưa, nhận hối lộ lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Bản kết luận điều tra mà A09 ban hành ngày 3.4 vừa qua thể hiện 21 bị can bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ" đã nhận tổng số tiền hơn 170 tỉ đồng. Trong đó, người được xác định nhận nhiều nhất là Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lên tới gần 43 tỉ đồng.
Trong vụ án, để được tổ chức các chuyến bay đón công dân về nước, các doanh nghiệp phải chi tiền "bôi trơn", nếu không sẽ bị gây khó khăn, nhũng nhiễu. A09 xác định và đề nghị truy tố 24 bị can tội "đưa hối lộ". Số tiền 24 người này đưa hối lộ lên tới hơn 260 tỉ đồng.
Vụ án có tính chất phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng, số tiền nhận hối lộ còn nhiều "điểm mờ', do vậy đã tách vụ án để điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án. Ngoài ra, A09 cũng tách hành vi, tài liệu và chuyển hồ sơ sang Bộ Quốc phòng điều tra hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ tại bộ này.
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Công an thu nhiều kg vàng, hàng cọc USD
Ở nhóm tội "đưa hối lộ", A09 xác định người đưa ít nhất là 437 triệu đồng, người đưa nhiều nhất lên tới hơn 100 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra, để xin cấp phép thực hiện 109 chuyến bay combo, Lê Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, đã bàn bạc, thống nhất cùng Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bluesky, đưa hối lộ 38,5 tỉ đồng cho các bị can có thẩm quyền.
Ngoài ra, khi cơ quan điều tra vào cuộc, Sơn và Hằng đã bàn bạc để "chạy tội". Hằng là người đại diện liên hệ, gặp và đưa cho bị can Nguyễn Anh Tuấn (hàm thiếu tướng), cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, 2.800.000 USD để "lo" cho cả 2 không bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, A09 cho rằng chỉ đủ cơ sở kết luận ông Tuấn đã nhận 2.650.000 USD, tương đương 61,6 tỉ đồng từ Hằng. Sau đó, ông Tuấn khai đã đưa cho Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Điều tra (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) 2.250.000 USD để "lo" cho Hằng và Sơn; 400.000 USD còn lại dùng việc cá nhân.
Người đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ 'chuyến bay giải cứu' là ai?
Việc "chạy án" bất thành, ngày 8.12.2022, A09 khởi tố, bắt tạm giam Hưng. Hằng sau đó cũng bị khởi tố, bắt tạm giam cùng về hành vi đưa hối lộ, với cáo buộc đồng phạm với Sơn đưa tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng để xin cấp phép chuyến bay và "chạy án".
Theo kết luận điều tra, thực hiện các chuyến bay, nếu không chi "bôi trơn" sẽ bị gây khó khăn, nhũng nhiễu; do vậy, bị can Hằng buộc phải tìm cách liên hệ, móc nối, đưa tiền cho cán bộ có thẩm quyền để được cấp phép.
Sau khi không "lo" được, Hằng đã có đơn tự thú, tự nguyện trình bày hành vi phạm tội của bản thân và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án. Ngoài ra, bà Hằng đã nộp lại gần 2,7 tỉ đồng mà các bị can nhận hối lộ trả lại.
A09 cho rằng, để động viên những người đưa hối lộ tố giác tội phạm, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan nhà nước, cơ quan này đề nghị áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ khi định khung hình phạt đối với bị can Hằng.
Xem nhanh 20h ngày 5.4: Phí bôi trơn khủng vụ ‘chuyến bay giải cứu’ | Việt Nam có 6 tỉ phú USD
Việt Nam có 6 tỉ phú USD trong danh sách người giàu nhất hành tinh 2023
Năm nay, Việt Nam có 6 tỉ phú USD vẫn nằm trong danh sách người giàu nhất thế giới của Forbes, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco Group) Trần Bá Dương.
Sau 1 năm, số lượng tỉ phú Việt Nam đã giảm đi một người. Đó là ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Nova Group. Năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn cũng là tỉ phú thứ 7 mới nhất gia nhập danh sách những người siêu giàu do Forbes bình chọn.
Việt Nam có 6 tỉ phú USD trong danh sách người giàu nhất hành tinh 2023
Trong số những tỉ phú USD Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vị trí dẫn đầu khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỉ USD, đồng thời cũng là người giàu thứ 586 trên thế giới. Dù vậy, tài sản của ông Vượng đã giảm mạnh so với ước tính của Forbes vào đầu năm 2022 với 6,2 tỉ USD.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air trở lại vị trí thứ 2 với tài sản trị giá 2,3 tỉ USD - xếp hạng 1.318 trên toàn cầu. So với 1 năm trước, tài sản bà Thảo cũng bị giảm 800 triệu USD.
Trong khi đó, "vua thép" Trần Đình Long từ vị trí thứ 2 của năm trước nay lùi xuống thứ 3 với tài sản đạt 1,8 tỉ USD. Giá cổ phiếu Hòa Phát giảm mạnh trong thời gian qua có thể là nguyên nhân khiến tài sản của ông Long giảm sâu, sụt mất 1,4 tỉ USD sau 1 năm.
Người có thứ hạng gia tăng trên danh sách tỉ phú USD Việt Nam là ông Trần Bá Dương của Tập đoàn Ô tô Trường Hải. Năm nay ông Trần Bá Dương được ước tính có tài sản trị giá 1,5 tỉ USD, đứng ở vị trí thứ 4. Tài sản tỉ phú Trần Bá Dương chỉ giảm 200 triệu USD so với đầu năm 2022.
Tiếp theo là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - hiện sở hữu tài sản trị giá 1,5 tỉ USD, giảm 800 triệu USD và cuối cùng là tỉ phú Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản 1,2 tỉ USD, thấp hơn 700 triệu so với 1 năm trước.
Vì sao không đưa cây lớn đến trồng ở đường Lê Lợi ngay lập tức?
Gần 1 năm sau khi thông xe cầu Thủ Thiêm 2, nay là cầu Ba Son nối liền TP. Thủ Đức và quận 1 (TP.HCM), hàng cây mới trên vỉa hè hai bên đường Tôn Đức Thắng hướng ra Lê Duẩn vẫn còn rất nhỏ, chưa thể tạo ra bóng mát. Trước đó, tuyến đường này từng có hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát rất đẹp.
Ghi nhận tại một số khu đô thị mới tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), nhà đầu tư trồng liền các cây xanh trưởng thành, thân khá to, kích thước tán lá lớn, phát huy được hiệu quả tạo bóng mát chỉ sau 1-2 năm trồng.
Vì sao không đưa cây lớn đến trồng ở đường Lê Lợi ngay lập tức?
Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, sau khi metro số 1 trả mặt bằng, trên tuyến đường Lê Lợi (ở quận 1) không thể trồng cây xanh kịp lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Dưới góc độ chuyên môn, kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San, nhà quy hoạch cảnh quan, đã có lý giải vì sao khu đô thị tư nhân thì trồng được cây lớn, còn đường Lê Lợi thì không.
"Những nhà phát triển bất động sản cũng như các nhà đầu tư trồng cây lớn phải chịu rủi ro nhiều. Nhưng họ có mục đích của họ, tức là phải tạo ra mảng xanh lập tức để đẩy mạnh thương hiệu, đây cũng là một khoản đầu tư để kinh doanh.
Tuy nhiên, cây lớn đó có những rủi ro như rễ già, mất rễ cọc không bám đất. Ở các tiểu đô thị như vậy, họ quản trị được thì không sao, gió bão ngã đổ cây thì chống chéo được, kiểm soát được vì có đội ngũ bảo trì, có kinh phí bảo trì thay thế", ông San phân tích.
Theo ông San, các tuyến đường trung tâm thành phố mới được sửa sang như tuyến đường Lê Lợi (Q.1) không thể lập tức trồng cây lớn như các khu đô thị tư nhân. Ông khẳng định việc trồng các cây thiếu niên, cây nhỏ là cách trồng đúng ở các đô thị công cộng.
"Chúng ta phải trồng cây thiếu niên để còn phát triển rễ cọc ra, bám cho bền vững, để cây không muỗng rục, không hư hỏng. Những cây đó đều được đánh số, đánh chữ, nó là tài sản nhà nước. Những cây đó phải có thời gian mọc rễ trưởng thành, ít nhất phải 5-10 năm mới tạo ra bóng mát", ông San nói thêm.
Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)