Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 3.1 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Tổng giám đốc Việt Á khai đã hối lộ các quan chức như thế nào?
Chiều 3.1, sau khi đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng, hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số đơn vị liên quan.
Người đầu tiên được xét hỏi là Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á. Trước khi Việt trả lời, tòa yêu cầu cách ly các bị cáo Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của ông Long; Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật (Bộ KH-CN).
Xem nhanh 20h ngày 3.1: Việt Á dùng tiền mua chuộc quan chức thế nào?
Một nội dung quan trọng được hội đồng xét xử dành thời gian xét hỏi đối với Phan Quốc Việt, đó là bị cáo quen biết với các cựu quan chức trong vụ án này như thế nào?
Trả lời tòa, Việt nhớ và khai khá chi tiết về hoàn cảnh gặp gỡ, làm quen với các cán bộ, lãnh đạo tại Bộ Y tế và Bộ KH-CN.
Với ông Trịnh Thanh Hùng, Việt cho hay quen từ khoảng năm 2013, khi Công ty Việt Á từng tham gia một đề tài nghiên cứu với Học viện Quân y. Sau đó, hai bên rất ít liên lạc, mãi đến năm 2020 thì ông Hùng liên hệ lại, bởi khi này dịch Covid-19 bùng phát.
Theo lời Việt, ông Hùng "rất trách nhiệm", có tác động đến Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và một số cơ quan thuộc Bộ Y tế để giúp đỡ Công ty Việt Á trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, tác động cụ thể ra sao thì bị cáo không rõ.
Với các ông Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh và Nguyễn Văn Trịnh, Việt khai quen cả 3 người này vào khoảng năm 2016 - 2017, khi tham gia ủng hộ dự án về trạm y tế xã, phường ở TP.HCM.
Hai trường hợp khác là ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN, và Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN, Việt cho biết quen lần lượt vào khoảng tháng 3.2020 và tại một lần cà phê buổi sáng với các thành viên nhóm nghiên cứu kit test Covid-19.
Công nhân hối hả tăng ca, đem con lên xưởng trông để 'chạy đua' với tết
Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 1 tháng, những nữ công nhân ở xưởng may này hối hả tăng ca để kịp xong đơn hàng xuất khẩu.
Mỹ Giang, 23 tuổi (quê Quảng Nam), đã 3 năm không về quê ăn tết. Tạm gác nỗi nhớ nhà, chị dồn tâm sức cho công việc. Cô con gái nhỏ 5 tuổi mỗi chiều được mẹ đón đến xưởng may suốt vài tháng, quấn quýt bên mẹ và dần thân quen với các cô chú khác.
Công nhân hối hả tăng ca, đem con lên xưởng trông ‘chạy đua’ với tết
"2-3 năm nay em không về ăn tết, phần lớn là do điều kiện. Tết tốn chi phí nhiều, thay vì em về quê chơi tốn nhiều tiền thì em gửi tiền đó về cho ông bà. Vé may bay tầm 5 triệu hơn, chưa tính vé khứ hồi, cả nhà tầm 11 triệu", Giang nói.
Không được gần con như Giang, hai vợ chồng Huyền Trân cùng làm công nhân ở xưởng may này phải gửi con về quê ở cùng ông bà nội từ lúc bé mới hơn 1 tuổi. Những ngày cận tết, nữ công nhân nôn nao nhớ nhà, dù công việc bận rộn nhưng ngày nào Trân cũng phải gọi điện về nghe con bi bô gọi tên mình…
Không có thưởng tết, phải chịu ‘cày’: Bán hàng, tài xế kiếm tiền thế nào?
Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)