Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 342, Ukraine tìm đột phá, HIMARS bớt hiệu quả nhưng Mỹ sẽ cấp bom 'khủng'

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 342, Ukraine tìm đột phá, HIMARS bớt hiệu quả nhưng Mỹ sẽ cấp bom 'khủng'

01/02/2023 23:31 GMT+7

Quân đội Ukraine đang thay đổi chiến thuật, chuyển sang dùng nhóm nhỏ để tấn công lực lượng Nga tại các thị trấn Svatove và Kreminna.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tass của Nga hôm 1.1, Đại tá Vitaly Kiselev thuộc lực lượng quân sự của vùng ly khai Luhansk nhận định lực lượng Kyiv đang thay đổi chiến thuật trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và chuyển sang dùng nhóm nhỏ để tấn công các thị trấn Svatove và Kreminna.

Ông Kiselev nói mỗi ngày có 5-6 cuộc tấn công theo nhóm nhỏ như vậy, nhưng lực lượng thân Nga vẫn đang giữ được vị trí.

Thời gian gần đây, quân đội Ukraine với sự yểm trợ từ vũ khí hạng nặng do phương Tây viện trợ đang nỗ lực tấn công nhằm giành quyền kiểm soát các thị trấn chiến lược Kreminna và Svatove ở vùng Luhansk.

Đại tá Kiselev cũng cho biết lực lượng Nga đang tìm cách khép chặt gọng kìm quanh thị trấn chiến lược Bakhmut ở Donetsk. Ông nói mục tiêu là chặn quân tiếp viện Ukraine từ các thị trấn gần đó cũng như cắt đứt đường tiếp tế cho Bakhmut.

Ông Kiselev nói các chỉ huy chiến trường và lãnh đạo quân đội Ukraine đang cố thuyết phục Tổng thống Volodymyr Zelensky ra lệnh rút lực lượng khỏi Bakhmut.

Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin trên, nhưng hãng tin TASS trước đó dẫn lời ông Vladimir Nazarenko, phó tư lệnh tiểu đoàn Svoboda thuộc Lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine, thừa nhận giao tranh tại Bakhmut là cực kỳ khốc liệt, khiến thị trấn này không khác gì một "địa ngục".

Dù cuộc xung đột đã kéo dài gần đến mốc 1 năm, Nga chưa thể hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy muốn sớm chấm dứt chiến sự. Nỗi lo của nhiều nước phương Tây lúc này là thời gian có thể đang đứng về phía Nga, và Moscow có thể giành lại lợi thế trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Chính vì vậy mà Mỹ và châu Âu trong những tuần gần đây đã đẩy mạnh việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí tiên tiến hơn, nhằm giúp nước này áp đảo hỏa lực Nga và thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Trong ngày 31.1, có thông tin Mỹ dự kiến công bố trong tuần này gói viện trợ quân sự trị giá 2,2 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có một loại bom lượn dẫn đường bằng GPS.

Thêm một thông tin có thể gây quan ngại cho Moscow là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hôm 31.1 nói với đài CNN là ông đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có hệ thống phòng không Vòm sắt nổi tiếng.

Ông Netanyahu cũng xác nhận với CNN rằng Mỹ đã chuyển một kho đạn pháo dự trữ ở Israel sang Ukraine.

Thủ tướng Netanyahu cho biết mình chắc chắn sẽ cân nhắc làm trung gian hòa giải nếu được các bên và Mỹ yêu cầu.

Bình luận của Thủ tướng Netanyahu được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới thăm Israel và thúc giục nước này tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho biết ông sẽ đến Kyiv để mở lại đại sứ quán, đánh dấu chuyến đi đầu tiên của quan chức Israel tới Ukraine từ khi chiến sự bùng phát.

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wojciech Skurkiewicz hôm 31.1 tuyên bố nước này và Ukraine hiện "không có cuộc thảo luận chính thức nào về chuyển giao tiêm kích F-16 vào thời điểm này". Phát ngôn này đi ngược lại với thông tin từ chánh văn phòng Tổng thống Ukraine một ngày trước đó rằng có "những tín hiệu tích cực từ Ba Lan" về việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16.

Tuy nhiên, vẫn có những thông tin khả quan khác cho Kyiv. Pháp mới đây cam kết cung cấp thêm lựu pháo tự hành Ceasar, và sẽ xem xét khả năng huấn luyện phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu của Pháp.

Theo một thông cáo từ Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 31.1, Thủ tướng nước này, ông Rishi Sunak cho rằng bế tắc kéo dài trong cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có lợi cho Nga. Vì vậy, Anh cần "tăng cường hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để cung cấp cho Ukraine cơ hội thành công tốt nhất và tận dụng mọi yếu tố có lợi khi lực lượng Nga đang ở thế yếu".

Thủ tướng Sunak tuyên bố Anh tiếp tục vai trò dẫn đầu trong viện trợ quân sự cho Ukraine, gần đây nhất là cung cấp 14 xe tăng Challenger 2 và các đồng minh sau đó cũng áp dụng các tiếp cận tương tự.

Cũng trong thông cáo ngày 31.1 của Văn phòng Thủ tướng Anh, một quan chức an ninh quốc gia của nước này nhận định lực lượng Nga "đang thiếu thiết bị và đạn dược", và "tiêu hao đáng kể một số lực lượng chiến đấu và sĩ quan có năng lực nhất, đồng thời xảy ra tình trạng chia rẽ giữa các chỉ huy".

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace dẫn báo cáo từ Mỹ để cho rằng "188.000 quân nhân Nga thiệt mạng hoặc bị thương" và Nga đã mất ít nhất 2/3 số xe tăng.

Trong một thông tin khác, châu Âu có vẻ như đang vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này, cho dù đã không còn nguồn cung từ Nga.

Có nhiều yếu tố thuận lợi giúp lục địa già hạn chế thiệt hại kinh tế từ hậu quả của xung đột Nga - Ukraine, như là thời tiết ấm áp hơn, chính sách trợ giá mạnh mẽ của chính phủ, các kho chứa khí đốt hoạt động hết công suất, cũng như mở rộng nguồn nhập khẩu năng lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.