Thị trấn ở tỉnh Donetsk này hiện là trọng tâm chiến sự, nơi xảy ra những trận giao tranh khốc liệt nhất.
Các bản đồ do Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (ISW) công bố theo dõi các chuyển động trên bộ của lực lượng Nga tính đến hôm 7.3 cho thấy Moscow đã kiểm soát được 40% Bakhmut sau một chiến dịch đã kéo dài từ mùa hè năm ngoái đến nay.
Còn hãng tin TASS dẫn lời một vị cố vấn cho các nhà lãnh đạo do Nga bổ nhiệm ở khu vực Donetsk cho biết Moscow đã kiểm soát khoảng một nửa Bakhmut.
Báo Bild của Đức hôm 6.3 dẫn nguồn giấu tên trong chính quyền Ukraine tiết lộ Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng tư lệnh quân đội Valeriy Zaluzhnyi đang xảy ra bất đồng vì "quan điểm khác biệt hoàn toàn" về tình hình tại Bakhmut.
Theo bài báo này, Tướng Zaluzhnyi đã đề xuất rút lực lượng Ukraine khỏi Bakhmut từ vài tuần trước, cho rằng thành phố có ít giá trị chiến lược và không tác động nhiều đến cục diện chiến trường.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cùng các quan chức trong chính phủ cho rằng cần cố thủ ở Bakhmut, nhằm cầm chân và gây thiệt hại tối đa cho quân đội Nga, đồng thời ngăn những trận đánh tương tự tái diễn ở nơi khác.
Báo Bild dẫn các nguồn tin trong quân đội Ukraine nói rằng tướng Zaluzhnyi đang hướng đến mục tiêu đánh bại lực lượng Nga về lâu dài và tìm cách bảo tồn lực lượng hết mức có thể, dẫn đến tranh cãi với Tổng thống Zelensky về tình hình Bakhmut.
Không ít binh sĩ Ukraine cho rằng lệnh rút quân đáng lẽ phải được đưa ra từ lâu.
Tuy nhiên, ngay sau khi xuất hiện thông tin bất lợi này thì vào tối qua 6.3, trong bài phát biểu thường kỳ, Tổng thống Zelensky cho biết các lãnh đạo quân đội vẫn nhất trí tăng cường lực lượng phòng thủ cho Bakhmut. Ông Zelensky cũng ám chỉ những thông tin về việc Ukraine rút quân khỏi Bakhmut là "thông tin sai lệch" từ những người không được tham dự các cuộc họp quyết định.
Động thái mới nhất liên quan Bakhmut của Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể mâu thuẫn với tình hình thực địa, theo báo The Guardian.
Ông Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu tại tổ chức tư vấn CAN của Mỹ, hôm 5.3 nhận định rằng việc tiếp tục bảo vệ Bakhmut không mang lại lợi thế cho Ukraine, mà còn gây tiêu hao cho chính lực lượng của Kyiv trước kế hoạch phản công trong những tháng tới.
Trong khi đó, ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo công ty quân sự tư nhân Wagner cho biết Ukraine đã thành lập và huy động ít nhất ba lữ đoàn để tăng cường lực lượng phòng thủ Bakhmut.
Ông Prigozhin hôm 6.3 tuyên bố: “Các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng”, và các tay súng Wagner cũng sẽ “phải hoàn thành nhiệm vụ của mình cho đến cùng".
Ông Prigozhin kêu gọi các đơn vị quân đội Nga hiệp đồng chặt chẽ, ngăn chặn lực lượng tăng viện Ukraine đánh thọc sườn các mũi tấn công của Wagner. Lãnh đạo Wagner trước đó tuyên bố Bakhmut gần như đã bị bao vây và ước tính quân đội Ukraine còn khoảng 10.000 binh sĩ cố thủ tại đây.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về phát biểu của ông Prigozhin.
Ông Yan Gagin, cố vấn của lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng, hôm nay tuyên bố lực lượng Nga đang kiểm soát nhiều khu vực tại Bakhmut, biến nơi này thành "nồi hầm" với nhiều đơn vị quân đội Ukraine.
Ông Gagin nói nhiều đơn vị quân đội Ukraine đang phải chia nhỏ để tìm đường thoát khỏi Bakhmut bằng tuyến đường duy nhất còn lại ở phía tây thành phố.
Tờ Wall Street Journal mới đây nhận định, mục tiêu của công ty quân sự tư nhân Nga Wagner ở Bakhmut dường như không chỉ là giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược này mà còn để bào mòn lực lượng Ukraine.
Tờ báo Mỹ bình luận rằng kế hoạch trên dường như đã có hiệu quả nhất định, vì sau nhiều tháng giao tranh giằng co, Ukraine đã thiệt hại một phần lực lượng mà họ có thể sử dụng trong chiến dịch phản công mùa xuân.
Ngược lại, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 6.3 giải thích rằng Ukraine có hai mục tiêu chính khi bám trụ ở Bakhmut. Đó là kìm chân quân Nga nhằm có thêm thời gian bổ sung lực lượng, và gây tổn thất nhiều nhất có thể cho phía Nga. Ông khẳng định cả hai mục tiêu này đề đã đạt được.
Trong một thông tin khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là bộ trưởng ngoại giao, cho biết quan hệ Mỹ-Trung đang hướng tới xung đột không thể tránh khỏi nếu Washington không thay đổi cách tiếp cận.
Ông Tần đã quy trách nhiệm cho Washington về mối quan hệ song phương đang ngày càng xấu đi. Ông nhắc đến sự cố với các quả khinh khí cầu và vấn đề Đài Loan, cũng như xung đột Ukraine. Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine dường như được thúc đẩy và kéo dài bởi “một bàn tay vô hình".
Theo The Guardian, trong cuộc họp báo Ngoại trưởng Tần Cương cho biết Bắc Kinh phải tăng cường mối quan hệ với Moscow trước sự thù địch của Washington.
Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) hôm 6.3 cho biết đã phá âm mưu đánh bom xe nhằm ám sát tỉ phú Konstantin Malofeev, chủ tập đoàn truyền thông Tsargrad. FSB cáo buộc thủ phạm đã hành động dưới sự kiểm soát của Cơ quan An ninh Ukraine.
Trong hội thảo tại Mỹ hôm 6.3, Tư lệnh không quân Mỹ tại châu Âu, tướng James Hecker, cho biết Ukraine đã nhận lượng nhỏ bom dẫn đường tầm xa JDAM-ER, giúp nước này có thêm phương án tấn công tầm xa bên cạnh pháo phản lực HIMARS.
Tướng Hecker cho hay bom JDAM-ER có tầm bay tối đa 72 km khi thả từ độ cao và tốc độ lớn, trong khi những quả JDAM thông thường có tầm bay chỉ 24 km.
Ở chiều ngược lại, Nga dường như cũng đã tung loại bom lượn tầm xa của mình vào cuộc xung đột ở Ukraine. Theo trang tin Defense Express của Ukraine, đã ghi nhận bom UPAB-1500B được dùng để tấn công cách đây vài tuần. Loại bom đặc biệt này được thiết kế để tấn công các mục tiêu kiên cố trên mặt đất ở khoảng cách lên đến 40 km.
Theo hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cấp cao của chính phủ Ukraine hôm 7.3 cho biết Kyiv đã bắt đầu đàm phán trực tuyến với các đối tác về việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển đen nhằm đảm bảo Kyiv có thể tiếp tục vận chuyển ngũ cốc ra thị trường toàn cầu.
Nguồn tin cho biết Ukraine đã không tổ chức các cuộc thảo luận với Nga, quốc gia đã phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine sau cuộc xung đột vào năm ngoái, nhưng Kyiv hiểu rằng các đối tác của họ đang đàm phán với Moscow.
Theo nguồn tin giấu tên, "tình hình đàm phán khá phức tạp và phụ thuộc phần lớn vào các đối tác".
Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái và đã được gia hạn vào tháng 11, nhưng thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 18.3 trừ khi có sự đồng ý gia hạn.
Bình luận (0)