Bộ Quốc phòng Nga cũng bác bỏ thông tin Ukraine đã chọc thủng phòng tuyến tại phía bắc Bakhmut, và nhấn mạnh rằng cáo buộc "lính Nga tháo chạy khỏi làng Berkhovka" là không đúng sự thật. Bộ này nói làng Berkhovka vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Nga, và công bố một video các đơn vị Nga di chuyển trong làng.
Làng Berkhovka nằm cách Bakhmut khoảng 3 km về phía tây bắc, được coi là một trong những cửa ngõ ra vào thành phố. Lực lượng Nga kiểm soát vị trí này từ hồi tháng 2, trong quá trình thiết lập gọng kìm bao vây Bakhmut. Tuy nhiên, vài ngày trước ông Yevgheni Prigozhin, lãnh đạo nhóm quân sự tư nhân Wagner, nói quân Nga đã rút khỏi làng.
Trong 3 ngày qua, Nga đã liên tiếp tuyên bố chặn đứng những đợt tấn công lớn của Ukraine ở miền nam, tuy nhiên Kyiv đã bác bỏ thông tin này.
Hôm 6.6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay lực lượng nước này đã ngăn chặn 3 ngày đầu tiên trong đợt phản công của Ukraine và khiến đối phương tổn thất nặng. Công bố của ông Shoigu chi tiết một cách bất thường khi đề cập tổn thất của cả 2 bên trong những cuộc giao tranh này.
Ukraine bác bỏ các thông cáo của phía Nga, khi cho rằng đó là "lời nói dối", nhưng không nêu chi tiết về các vụ tấn công hay kết quả.
Thưa quý vị, như bản tin trước có đề cập thì Nga tuyên bố đã phá hủy 11 chiếc xe tăng do NATO cung cấp cho Ukraine. Vào ngày 6.6, Moscow cũng đã công bố video một chiếc Leopard do Đức sản xuất bị bắn trúng. Tuy nhiên, nhưng hình ảnh này sau khi xuất hiện đã gây ra tranh cãi.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev hôm 6.6 phát biểu rằng Nga cần nhanh chóng chặn đứng chiến dịch phản công của Ukraine và bắt đầu chuyển sang tiến công.
Ông nói việc Ukraine có dấu hiệu đã mở màn phản công là điều không bất ngờ sau khi Kyiv đã nhận được nhiều viện trợ và vũ khí từ phương Tây. Vị quan chức này nhấn mạnh quân đội Nga không được phép coi thường đối thủ, cần "tập trung hết mức và phản ứng phù hợp".
Bên cạnh đó, ông Medvedev tuyên bố: "quân đội Nga có ưu thế lớn về không quân, lực lượng tăng-thiết giáp và vũ khí dẫn đường, và cần chặn đứng đối phương và mở chiến dịch phản công ngược".
Quân đội Ukraine chưa bình luận về phát biểu của ông Medvedev.
Trong khi đó, một tờ báo Mỹ dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng Kyiv có thể mất vài ngày để thăm dò hệ thống phòng thủ của Moscow trước khi bắt đầu tung ra cuộc tấn công tổng lực.
Trang tin Defence Blog hôm 6.6 đưa tin, Đức đã từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine trong thời điểm này. Theo đó, thông tin này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius xác nhận với giới truyền thông.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức tiết lộ Berlin "sẽ cân nhắc thay đổi quan điểm" về việc chuyển giao các tiêm kích hiện đại cho Ukraine. Tuyên bố này từ ông Pistorius có thể xem là một tin vui với Kiev, khi nó mở ra cánh cửa cho phép không quân Ukraine tiếp cận các dòng máy bay chiến đấu hiện đại từ phương Tây.
Trở lại với cuộc phản công của Ukraine, vị tướng hàng đầu Mỹ, đại tướng Mark Milley nhận định rằng Kyiv đã sẵn sàng để giành lại các lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Theo giới chức Ukraine, khoảng 42.000 người có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt ở cả hai bên sông Dnipro sau khi đập Nova Kakhovka bị vỡ và nước lũ dự kiến đạt đỉnh vào hôm 7.6.
Dự đoán được đưa ra sau khi người đứng đầu viện trợ của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths nói với hội đồng an ninh vào tối 6.6 rằng vụ vỡ đập sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với hàng nghìn người ở cả hai bên chiến tuyến do mất nhà cửa, lương thực, nước sạch và sinh kế.
Ông nói: “Mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ chỉ được biết rõ trong những ngày tới".
Sự cố vỡ đập Nova Kakhovka cũng làm dấy lên lo ngại về một thảm họa sinh thái, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả tình hình là “một quả bom hủy diệt môi trường hàng loạt".
Vụ vỡ đập Kakhovka gây trận lũ với mức đỉnh 12 m tại thành phố Nova Kakhovka gần đó, nhưng giới chức tại đây hôm nay cho biết nước bắt đầu rút dần.
Theo chính quyền địa phương, "nước lũ đã giảm 35 mm so với mức đỉnh 12 m trước đó tại một số khu vực nội thành của Nova Kakhovka".
14 làng do Nga kiểm soát ở hạ lưu sông Dnipro đã bị ngập sau khi đập bị vỡ, trong khi khoảng 80 làng nằm trong diện có nguy cơ. Tuy nhiên, các quan chức địa phương nói rằng chưa cần mở chiến dịch sơ tán cư dân trên diện rộng.
Ông Vladimir Saldo, lãnh đạo do bổ nhiệm ở Kherson, nói rằng một số bãi mìn do quân đội Nga triển khai dọc bờ đông sông Dnipro cũng chìm dưới nước lũ. Ông Saldo nó binh sĩ Nga nắm rõ vị trí của những bãi mìn này, tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo những quả mìn có thể bị nước lũ cuốn trôi khỏi vị trí ban đầu, đe dọa tính mạng dân thường.
Còn tỉnh trưởng Kherson thuộc chính quyền Ukraine, ông Oleksandr Prokudin, nói rằng gần 1.600 ngôi nhà ở bờ tây sông Dnipro đã bị nước lũ nhấn chìm và khoảng 42.000 người dân ở hai bờ sông đối mặt với nguy hiểm do mực nước dâng cao.
Kyiv và Moscow đã quy trách nhiệm lẫn nhau về việc phá hủy con đập, nhưng cả hai bên đều không có bằng chứng cụ thể. Vẫn chưa rõ liệu con đập bị tấn công có chủ ý hay do sự cố cấu trúc.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên đã nhóm họp hôm 6.6 theo yêu cầu của cả Nga và Ukraine, sau khi dòng nước tràn qua đập Nova Kakhovka trên sông Dnipro, chiến tuyến tạm thời ngăn cách hai phe xung đột ở tỉnh Kherson, miền nam Ukraine.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trước đó cho biết cơ quan này không có bất kỳ thông tin độc lập nào về việc con đập bị vỡ như thế nào, nhưng mô tả đây là "một hậu quả tàn khốc khác" trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia quy trách nhiệm cho Ukraine, cáo buộc Kyiv cố gắng tạo "cơ hội thuận lợi" để tập hợp lại các đơn vị quân đội nhằm tiếp tục phản công.
Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya cáo buộc Nga có "hành động khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine". Ông nói "về mặt vật lý, không thể làm nổ tung con đập từ bên ngoài bằng cách nã pháo, mà Nga đã đặt mìn và cho nó nổ tung".
Cả hai bên đều không đưa ra được bằng chứng cho luận điểm của mình
Giới quan sát đánh giá việc vỡ đập Kakhovka sẽ khiến cho Ukraine khó triển khai vượt sông tấn công vùng Kherson ở tả ngạn hiện do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, việc vỡ đập cũng gây hậu quả xấu đối với quân Nga phòng thủ ở tả ngạn. Ngày 6.6, đài CNN dẫn lời đại úy Ukraine Andrei Pidlisnyi nói rằng khu vực lực lượng Nga đóng quân ở bờ đông sông Dnipro là vùng đất trũng và chịu tác động nghiêm trọng sau vụ vỡ đập. Vị sĩ quan này cho biết do "bờ đông thấp hơn bờ tây, nên bị ngập nhiều hơn. Cứ điểm của đối phương cũng bị ngập, trong đó có các chiến hào và những ngôi nhà dân mà họ trú đóng".
Tỉnh trưởng do Nga bổ nhiệm ở Kherson hôm 7.6, ông Vladimir Saldo cho biết các lực lượng Ukraine vẫn đang pháo kích vào vùng này bất chấp lũ lụt lan rộng. Chưa có phản ứng từ Ukraine về cáo buộc này.
Ông Saldo cho rằng Nga nên đáp trả bằng cách phá hủy tối đa các thiết bị quân sự của Ukraine được triển khai ở phía tây sông Dnipro, nơi Ukraine kiểm soát.
Chuyển sang một thông tin khác, Kyiv cho rằng bất chấp các biện pháp cấm vận, Nga vẫn có đủ UAV tự sát và tên lửa để tiếp tục tập kích đường không vào Ukraine.
Tổng thống Zelensky hôm 6.6 cho biết ông đã nhận một lời đề nghị nghiêm túc từ các nhà lãnh đạo các quốc gia sẵn sàng cung cấp F-16 cho Kyiv, theo tờ The Guardian. Ông đang chờ đợi những thỏa thuận cuối cùng với các đồng minh chủ chốt.
Ông tuyên bố trên trang web của mình: “Tôi đã nhận được thông tin về con số từ một số đối tác châu Âu của chúng tôi… Đó là một lời đề nghị nghiêm túc và mạnh mẽ.”
Hiện vẫn chưa rõ đồng minh nào của Kyiv sẵn sàng gửi máy bay chiến đấu đến nước này.
Bình luận (0)