Xem nhanh: Chiến dịch ngày 243, Nga, phương Tây tiếp tục đổ vũ khí vào Ukraine quyết chiến trước mùa đông
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 24.10 tuyên bố Ukraine đang từng bước giành lại kiểm soát lãnh thổ và bẻ gãy "quân đội lớn thứ hai thế giới " sau 8 tháng chiến sự với Nga.
Tự động phát
Theo ông Zelensky, quân đội Ukraine đã "lắng nghe tiếng gọi" của các vùng Donbass, Kharkiv, Kherson và sẽ tiến tới Zaporizhzhia cũng như bán đảo Crimea "vào một lúc nào đó”.
Tổng thống Ukraine cho rằng tiềm lực của Nga đang bị lãng phí vào cuộc chiến, không còn duy trì được ảnh hưởng về khí đốt, quân sự và chính trị. Tuy nhiên, ông thừa nhận các mối đe dọa vẫn còn, với mùa đông sắp tới sẽ là "khắc nghiệt nhất lịch sử".
Nga chưa bình luận về phát biểu của Tổng thống Ukraine.
Trong khi đó, lo lắng tiếp tục dâng cao khi Nga lặp lại cáo buộc Ukraine chuẩn bị sử dụng "bom bẩn" và đổ trách nhiệm cho Nga. "Bom bẩn" là loại bom sử dụng chất nổ thông thường trộn với vật liệu hạt nhân. Loại vũ khí này không gây ra vụ nổ lớn như bom hạt nhân, nhưng có thể phát tán chất phóng xạ trên khu vực rộng lớn.
Trung tướng Igor Kirillov, tư lệnh Lực lượng Phòng vệ hạt nhân, sinh học và hóa học của quân đội Nga, hôm 24.10, tuyên bố binh sĩ Nga đã chuẩn bị đối phó với môi trường ô nhiễm phóng xạ, sau khi cáo buộc Ukraine sắp dùng "bom bẩn".
Tướng Kirillov cho rằng quân đội Ukraine có thể sử dụng uranium oxide, được trích xuất từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ các nhà máy điện hạt nhân, để chế tạo "bom bẩn" và có kế hoạch kích nổ một thiết bị như vậy để "đổ tội cho Nga".
Ông nói: "Sự xuất hiện của đồng vị phóng xạ trong không khí sẽ được các trạm quan trắc trên khắp châu Âu ghi nhận, tạo thành cái cớ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine”.
Cũng theo cáo buộc của tướng Kirillov, phương Tây từng sử dụng kịch bản này để quy cho quân đội chính phủ Syria triển khai vũ khí hóa học.
Các đồng minh hàng đầu của Kyiv đã lên tiếng cho rằng đây chỉ là cái cớ để Moscow leo thang xung đột.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 24.10 cho biết ông đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace về "cáo buộc không đúng sự thật của Nga rằng Ukraine đang chuẩn bị sử dụng 'bom bẩn' trên lãnh thổ nước này".
Ông Stoltenberg viết trên Twitter rằng "Các đồng minh NATO bác bỏ cáo buộc đó. Nga không được dùng nó làm cớ để leo thang căng thẳng. Chúng tôi vẫn kiên định trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine".
Khối phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, dường như vẫn kiên định lập trường hỗ trợ Ukraine tới cùng trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, mới đây đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy có sự phân hóa trong nội bộ đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên quan triển vọng của cuộc xung đột ở Ukraine.
Cụ thể, 30 nghị sĩ đảng Dân chủ đã viết một bức thư gửi đến Tổng thống Joe Biden, trong đó kêu gọi tìm ra giải pháp để có thể chấm dứt cuộc xung đột.
Về tình hình chiến sự, quân đội Ukraine cho rằng Nga đang chuẩn bị các vị trí phòng thủ dọc sông Dnieper và cũng để sẵn những con đường nhỏ cho trường hợp rút lui khỏi Kherson.
Phía Nga chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Trong khi đó, giới chức thân Nga tại các vùng ly khai ở Ukraine nói quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đang bị Moscow kiểm soát.
Trợ lý Bộ trưởng Nội vụ “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” (LPR) tự xưng Vitaly Kiselyov hôm 23.10 cho hay quân đội Ukraine đang điều động lực lượng và chuẩn bị thực hiện một cuộc phản công quy mô lớn tại nhiều địa điểm thuộc miền đông và nam Ukraine.
Cùng ngày 23.10, ông Vladimir Rogov, một quan chức thân Nga tại vùng ly khai Zaporizhia ở miền nam Ukraine xác nhận quân đội Ukraine đang tiến hành các bước chuẩn bị tổ chức một cuộc phản công tại khu vực này.
Trong một thông tin khác, Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine mới đây cho biết dựa vào các thông tin sơ bộ mà đơn vị này thu thập được, Iran có thể đã có kế hoạch chuyển các UAV Arash-2 tới cho lực lượng Nga.
Hiện chưa có nhiều thông tin về Arash-2 nhưng các chuyên gia cho biết, UAV Arash-2 được xem là uy lực hơn hẳn loại UV Geran-2 mà Nga đang sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng Ukraine. Arash-2 với tầm tấn công tới 2.000km và đầu đạn lớn hơn, và cũng có thể bay quanh mục tiêu nhiều lần trước khi lao xuống.
Ukraine đã tăng cường kêu gọi phương Tây chuyển giao các loại vũ khí phòng không hiện đại hơn để bảo vệ vùng trời trước các cuộc tập kích dồn dập bằng tên lửa và UAV của Nga.
Để đáp ứng yêu cầu này, mới đây, hai quan chức Mỹ mới đây cho biết Washington hiện đang cân nhắc gửi các tên lửa phòng không HAWK thời chiến tranh Việt Nam đã được nâng cấp cho Kyiv để đối phó với UAV và tên lửa Nga.
Trong bản tin cập nhật tình hình chiến sự tại Ukraine ngày 25.10, Bộ Quốc phòng Anh nói ít nhất 23 máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của Nga đã bị bắn hạ ở Ukraine.
Theo các báo cáo trước đó, quân đội Nga hiện có khoảng 90 trực thăng Ka-52 trong biên chế. Nếu đúng vậy thì số trực thăng bị bắn rơi ở Ukraine đã chiếm đến hơn 25% phi đội Ka-52 mà Nga đang sở hữu. Bộ Quốc phòng Anh cho rằng các tên lửa phòng không vác vai mà phương Tây viện trợ ồ ạt cho Ukraine trong thời gian đầu xung đột đã phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, việc máy bay chiến đấu của Nga không cung cấp đầy đủ bảo vệ tầm cao cần thiết cho các trực thăng hoạt động tại độ cao thấp hơn cũng dẫn đến thiệt hại cho quân đội Nga.
Trong khi đó, Moscow mới đây tuyên bố họ đang nỗ lực củng cố kho vũ khí. Đặc biệt, số lượng xe tăng, thiết bị bay không người lái, tên lửa dẫn đường chính xác và pháo sẽ tăng gấp nhiều lần.
Ở một diễn biến khác, vào tháng 11, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Trong khi sự kiện này làm nhen nhóm chút hy vọng hai nhà lãnh đạo có thể gặp mặt để bàn về một lối ra cho cuộc xung đột ở Ukraine thì trên thực tế, có lẽ ông Biden và ông Putin thậm chí còn sẽ không xuất hiện chung một khung hình, và giới chức Washington đang nỗ lực để đảm bảo như vậy.
Bình luận (0)