Xem nhanh: Ngày 250 chiến dịch Nga, Mỹ siết giám sát vũ khí viện trợ cho Ukraine
Tờ The Guardian ngày 31.10 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay lực lượng của nước này đã tấn công các mục tiêu hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine với độ chính xác cao.
Tự động phát
Theo thông cáo, "lực lượng vũ trang Nga tiếp tục oanh kích với các vũ khí chính xác cao tầm xa trên không và trên biển nhằm vào sở chỉ huy quân đội Ukraine và hệ thống năng lượng. Các mục tiêu tấn công đã hoàn thành”.
Ukraine cũng xác nhận một đợt tấn công mới bằng các tên lửa của Nga nhằm vào các thành phố lớn trên cả nước, khiến nguồn cung cấp điện và nước của người dân bị cắt.
Trang Kyiv Independent dẫn thông tin từ quân đội Ukraine cho hay không quân nước này bắn hạ 44 trong số 50 tên lửa của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu khắp Ukraine vào sáng 31.10. Theo đó, Nga dùng các tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555 phóng từ vùng Rostov và ở biển Caspian.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin xác nhận rằng đợt tập kích mới nhất cũng như việc Nga rút khỏi thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc qua biển Đen là động thái đáp trả kyiv vì đã tấn công Hạm đội biển Đen của Nga.
Trong ngày hôm nay 1.11, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko tiếp tục kêu gọi nhóm G20 khai trừ Nga. Ông Nikolenko tuyên bố: "Ông Putin công khai thừa nhận ra lệnh tập kích tên lửa vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Ông không nên được cho phép ngồi cùng bàn với các nhà lãnh đạo thế giới khác. Lời mời ông Putin tham gia hội nghị ở Bali (Indonesia) cần phải bị rút lại và Nga cần bị khai trừ khỏi G20".
Theo CNN, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko sáng nay 1.11 cho biết thủ đô đã khôi phục hoàn toàn nguồn điện và nước. Theo ông Klitschko, thành phố đã nỗ lực trong gần 24 giờ để khôi phục nguồn cung nước và điện cho người dân. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng việc cắt điện vẫn cần thiết do tác động đáng kể của các cuộc tấn công mới đây của Nga nhắm vào ca sở hạ tầng quan trọng.
Hãng tin Reuters đưa tin Nga đã phóng 4 tên lửa vào thành phố cảng Mykolaiv, miền nam Ukraine trong đêm 1.11, làm 1 người thiệt mạng và nửa tòa nhà chung cư hư hại.
Trong khi đó tại Kherson, các quan chức do Nga bổ nhiệm tại đây cho biết họ đang mở rộng khu vực sơ tán khỏi sông Dnipro thêm 15 km, đồng thời lặp lại cảnh báo rằng Kyiv có thể đang chuẩn bị tấn công đập Kakhovka và gây lũ lụt trong khu vực.
Trong bối cảnh diễn biến chiến sự căng thẳng, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, dẫn đầu là siêu mẫu hạm USS Gerald Ford, sẽ đến châu Âu vào giữa tháng này, theo tờ UK Defence Journal.
Na Uy hôm 31.10 cũng đặt quân đội vào tình trạng báo động cao độ do "những điều không chắc chắn" liên quan đến chiến sự Ukraine và vụ phá hoại đường ống Nord Stream.
Đại tướng Eirik Kristoffersen, tư lệnh Lực lượng Vũ trang Na Uy, khẳng định không có mối đe dọa nào nhằm vào Na Uy, song "những điều không chắc chắn" khiến giới chức nước này quyết định đặt quân đội vào tình trạng báo động cao độ. Tướng Kristoffersen nói tình trạng này có thể kéo dài một năm.
Còn tại Ukraine, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Tass hôm 1.11, ông Vladimir Rogov, quan chức của chính quyền do Nga bổ nhiệm tại tỉnh Zaporizhia, cáo buộc quân đội Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công đổ bộ nhằm giành lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.
Theo lời ông Rogov, 200 đặc nhiệm Ukraine đang tổ chức diễn tập ngày đêm tại một nhà máy bỏ hoang ở gần thành phố Zaporizhia.
Trước đó, hôm 30.10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đẩy lùi một cuộc tấn công của nhóm thám báo Ukraine ở khu vực gần thành phố Energodar, giáp nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.
Chuyển qua một thông tin khác, ngoài việc mất vũ khí vào tay đối phương, còn có thông tin chưa được xác nhận về việc một số vũ khí của cả Ukraine và Nga đều bị lọt ra bên ngoài. Tuy nhiên, cả hai bên đều chưa lên tiếng về thông tin này.
Cũng liên quan đến tình trạng thất thoát vũ khí, các nước phương Tây hồi tháng 7 cũng có đề cập đến việc tìm cách thiết lập một cơ chế theo dõi đặc biệt để ngăn chặn những vũ khí họ viện trợ cho Ukraine bị tuồn đến thị trường chợ đen châu Âu. Theo một quan chức phương Tây, vì quy trình vận chuyển vũ khí đến Ukraine khá phức tạp nên EU và NATO muốn Kyiv giữ một danh sách kiểm kê chi tiết cho tất cả các vũ khí phương Tây mà họ nhận được.
Trong khoảng thời gian này, Nhà Trắng cũng đã triển khai một chương trình giám sát triển khai tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine, những vũ khí vác vai, sát thương và công nghệ cao như tên lửa Stinger và Javelin là trọng tâm.
NBC News ngày 1.11 dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao và quan chức cấp cao của quân đội Mỹ cho biết các quân nhân nước này đã đến Ukraine để giúp theo dõi số vũ khí và thiết bị trị giá hàng tỉ USD mà Mỹ đã gửi cho Ukraine.
Các cuộc thanh tra do chuẩn tướng Garrick Harmon, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Ukraine dẫn đầu. Hoạt động cũng có sự hỗ trợ của nhân viên Văn phòng Hợp tác Quốc phòng đã quay lại Ukraine. Những cuộc kiểm tra này từng được thực hiện trước đó, nhưng đã bị chiến dịch quân sự của Nga làm gián đoạn.
Đây dường như là những quân nhân Mỹ đầu tiên, ngoại trừ lực lượng được bố trí tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kyiv, đến Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Lầu Năm Góc đã ra lệnh cho các binh sĩ rời Ukraine vào ngày 14.2, 10 ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự.
Bình luận (0)