Tự động phát
Tuyên bố chung xác nhận "có những quan điểm và đánh giá khác biệt về tình hình Ukraine cũng như biện pháp trừng phạt". Tuyên bố cũng nhấn mạnh "việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, các hoạt động trong cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 đã bị phủ mờ bởi một sự kiện có khả năng mang đến những thay đổi lớn trong cục diện cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Đó là việc tên lửa đã bay vào lãnh thổ Ba Lan, gây ra một vụ nổ làm 2 người thiệt mạng. Chúng ta đều biết rằng Ba Lan là một thành viên NATO, và khối liên minh quân sự này cho đến nay đã giữ lập trường không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
Sau vụ nổ, nhiều quan chức Kyiv đã nhanh chóng cáo buộc Nga là thủ phạm. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu đó là sự thật thì NATO chắc chắn sẽ có những động thái mạnh mẽ chống lại Nga để bảo vệ thành viên, có thể gồm việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, và chắc chắn đó là việc Ukraine mong muốn. Giới chức Ukraine cũng phủ nhận cáo buộc tên lửa nước này rơi xuống Ba Lan.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan là của lực lượng Nga. Ông gửi lời chia buồn đến người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda và mô tả các cuộc tấn công là "sự leo thang rất đáng kể".
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter cáo buộc “Nga đang lan truyền thuyết âm mưu rằng một tên lửa trong hệ thống phòng không của Ukraine đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan”. Ông Kuleba kêu gọi “không ai nên tin vào sự tuyên truyền của Nga".
Các nhà lãnh đạo thế giới, tại một cuộc họp khẩn cấp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia hôm 16.11, đã đề nghị hỗ trợ cuộc điều tra và cam kết sẽ thực hiện "các bước phù hợp tiếp theo" khi có kết luận cuối cùng.
Phương Tây và khối NATO tỏ ra khá e dè trong việc quy kết thủ phạm đã phóng tên lửa. Và những thông tin ban đầu có vẻ không ủng hộ cho phía Ukraine. Không ai khác mà chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra nhận định rằng căn cứ theo đường bay thì các tên lửa gây ra vụ nổ ở Ukraine không được bắn ra từ Nga.
Rõ ràng hơn nữa, hãng tin AP dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết theo các đánh giá ban đầu, tên lửa rơi xuống Ba Lan là do phòng không Ukraine sử dụng để đánh chặn một tên lửa Nga đang lao tới.
Ngày 15.11, Nga đã tiến hành một đợt tập kích tên lửa dữ dội trên khắp Ukraine, gây cúp điện ở nhiều nơi, bao gồm thủ đô Kyiv. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đêm 15.11 cho biết “Khoảng 10 triệu người Ukraine mất điện” nhưng sau đó "nguồn cung cho 8 triệu người đã được phục hồi".
AFP dẫn lời người phát ngôn không quân Ukraine Yuri Ignat cho biết: “Khoảng 100 tên lửa đã được phóng, nhiều hơn đợt tập kích vào ngày 10.10, khi phía Nga phóng 84 tên lửa”. Đây được xem là đợt tập kích tên lửa dày đặc nhất của Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phía Ukraine tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã đánh trả hiệu quả, bắn hạ hầu hết số tên lửa Nga phóng đến. Tuy nhiên, chính trong quá trình bắn chặn này mà có thể các tên lửa phòng không của Ukraine đã bị trục trặc và bay sang đất Ba Lan.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin NATO cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với các đối tác G7 và NATO rằng vụ nổ tại Ba Lan là do một tên lửa phòng không của Ukraine gây ra. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo ở Moscow hôm nay rằng Nga không liên quan gì đến vụ rơi tên lửa ở Ba Lan và một số quốc gia đã đưa ra "tuyên bố vô căn cứ".
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã không bắn vào mục tiêu nào trong khoảng cách 35km tính từ biên giới Ukraine-Ba Lan. Bộ này cũng cho rằng mảnh vỡ tại vụ nổ cho thấy đó là một tên lửa phòng không S-300 của Ukraine.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông tôn trọng tuyên bố của Nga rằng họ không liên quan gì đến cuộc tấn công. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh kêu gọi các bên nên "giữ bình tĩnh và kiềm chế trong tình hình hiện tại".
Một số quan chức Nga có những phát biểu khá cứng rắn lên án Ukraine và phương Tây về việc này. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 16.11 đăng trên Twitter cáo buộc phương Tây đang “tiến hành chiến tranh hỗn hợp" chống Nga, dẫn đến nguy cơ gây ra thế chiến.
Trước đó cùng ngày, phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cáo buộc vụ tên lửa rơi ở Ba Lan là "âm mưu nhằm kích động đụng độ quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga". Ông Polyansky cho biết vụ nổ tên lửa ở Ba Lan sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào cuối ngày 16.11.
Ba Lan là một thành viên của NATO, và liên minh quân sự này nổi tiếng với điều 5 về phòng thủ tập thể, theo đó tấn công vào một nước thành viên sẽ được xem như tân công vào toàn bộ khối.
Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Indonesia hôm nay, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh là Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Rishi Sunak đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine. Họ cũng lên án đợt tập kích tên lửa lớn của Nga vào Ukraine hôm 15.11.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Liên minh châu Âu dành cho Ukraine.
Theo lời quan chức phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell thì tổng viện trợ quân sự mà EU cùng các thành viên đã cung cấp cho Ukraine là 8 tỉ euro, tương đương khoảng 45% lượng viện trợ Kyiv đã nhận được từ Mỹ.
Vào ngày 15.11, có tin Tổng thống Biden đang có kế hoạch bổ sung cho Ukraine một gói viện trợ khẩn cấp trị giá hơn 37 tỉ USD.
Mỹ cho đến nay đã viện trợ Ukraine hàng chục nghìn tên lửa, rocket, hơn 84 triệu viên đạn cùng nhiều máy bay không người lái, xe quân sự, radar, giáp chống đạn cùng nhiều loại vũ khí, khí tài và thiết bị quân sự khác. Kyiv nhiều lần đề nghị Washington cung cấp các vũ khí tiên tiến hơn có tầm tấn công xa hơn, nhưng chưa được đáp ứng vì chính quyền Biden lo ngại những vũ khí này có thể được dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trợ lý tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko trong một bài đăng trên Telegram cảnh báo rằng có thể ngắt điện khẩn cấp hôm nay để ổn định nguồn cung, sau hàng loạt cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng hôm 15.11.
Theo ông Tymoshenko, các vùng Volyn, Zhytomyr, Lviv, Sumy, Ternopil, Kharkiv và Khmelnytskyi là những khu vực mà các tiện ích vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn cho toàn bộ dân cư.
Hôm 15.11, Giám đốc CIA William J. Burns đã đến Kyiv gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv để tái cam kết về ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết cuộc chiến ở Ukraine là nội dung gây tranh cãi nhiều nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20, đồng thời kêu gọi các bên không leo thang căng thẳng hơn nữa.
Ông Joko Widodo cũng nói rằng vụ nổ ở Ba Lan là chuyện đáng tiếc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy “sự thống nhất về yêu cầu Nga xuống thang và quay lại bàn đàm phán". Ông Macron cũng cho rằng “Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian quan trọng trong những tháng tới”.
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis hôm 16.11 đã lên án làn sóng tấn công tên lửa mới nhất vào Ukraine và kêu gọi ngừng bắn để ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột.
Bình luận (0)