Báo cáo này cũng cho biết Ukraine hôm 21.3 đã đẩy lùi các nỗ lực của Nga nhằm tiến vào trung tâm thành phố Bakhmut.
Trong khi đó, giới chức Ukraine hôm 22.3 cho biết có 3 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga ở khu vực Kyiv trong đêm.
Theo hãng tin Reuters, Kyiv cho biết đã bắn hạ 16/21 UAV Nga.
Cũng trong tối 21.3, Ukraine nói Nga đã tiến hành một vụ tập kích tên lửa vào Odessa, thành phố cảng quan trọng nhất của Ukraine. Theo đó, ít nhất 4 tên lửa hành trình đã đánh trúng các mục tiêu tại thành phố này. Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ ít nhất 2 tên lửa Kh-59 được phóng đi từ các tiêm kích Su-35 của Nga trên biển Đen.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước kéo dài hai ngày tại Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung QUốc Tập Cận Bình vào tối 21.3 (giờ Moscow) đã dự hội đàm chính thức. Sau đó, trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bắt buộc phải tôn trọng những quan ngại chính đáng về an ninh của tất cả các quốc gia, cũng như phải ngăn chặn sự hình thành cục diện đối đầu giữa các phe phái hay đổ thêm dầu vào lửa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 21.3 cho biết đã gửi lời mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đàm phán và đang đợi Bắc Kinh phản hồi.
Ông Zelensky nói: "Chúng tôi đã đề nghị Trung Quốc trở thành đối tác trong việc thực hiện công thức hòa bình. Chúng tôi đã gửi công thức đó qua các kênh. Chúng tôi mời phía Trung Quốc đối thoại và đang chờ câu trả lời".
Từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2.2022, ông Tập Cận Bình và ông Zelensky chưa có cuộc thảo luận nào. Báo Wall Street Journal tuần trước dẫn các nguồn giấu tên cho biết lãnh đạo Trung Quốc - Ukraine có thể tổ chức cuộc thảo luận trực tuyến sau khi ông Tập kết thúc chuyến thăm Nga.
Còn người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 21.3 khẳng định Mỹ không tin Trung Quốc có khả năng trở thành một nhà hòa giải vô tư giữa Nga và Ukraine.
Ngược lại, Bộ Ngoại giao Nga hôm 21.3 tuyên bố Mỹ, Anh, Pháp, Đức không thể là trung gian đàm phán hòa bình vì 4 nước này đã can dự cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, 4 nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức “không quan tâm đến giải quyết khủng hoảng và đang làm mọi việc để gia tăng tối đa tình trạng đối đầu".
Trong những ngày gần đây các đồng minh phương Tây của Ukraine dường như đang nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí đạn dược cho Ukraine, đặc biệt khi Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn vào mùa xuân, khi mặt đất hết tình trạng lầy lội. Ngày hôm qua 21.3, Ukraine nhận thêm một tin vui khi Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển giao xe tăng M1 Abrams để Ukraine có thể sở hữu loại xe này ngay vào mùa thu năm nay, chứ không phải đến năm sau như những lo ngại trước đây.
Ngoài xe tăng M1 Abrams của Mỹ, như quý vị cũng đã biết thì Ukraine đang và sẽ nhận được các loại xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, và Challenger 2 của Anh. Quân đội Ukraine tin rằng xe tăng phương Tây sẽ đóng vai trò quan trọng giúp xoay chuyển cục diện trên chiến trường.
Anh đã cam kết sẽ gửi cho Ukraine xe tăng Challenger 2. Và không chỉ có vậy, mà Bộ trưởng QUốc phòng Anh vừa thông báo là sẽ gửi kèm với số xe tăng này một loại đạn đặc biệt, là đạn uranium nghèo. Ngay sau khi xuất hiện thông tin này thì tại Nga, cả Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đều đưa ra lời lên án.
Sau phản ứng từ Tổng thống Vladimir Putin, Bộ Quốc phòng Anh nói phía Nga đã cố ý tung thông tin sai sự thật. Theo London thì “Quân đội Anh đã dùng chất liệu uranium nghèo trong đạn xuyên giáp suốt nhiều thập niên qua. Nó là một thành phần tiêu chuẩn và không có gì liên quan đến vũ khí hay năng lực hạt nhân”.
Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, dù là người nhà binh nhưng đã không ít lần nhận định rằng cuộc xung đột ở Ukraine phải kết thúc bằng giải pháp ngoại giao.
Hôm 21.3, tướng Milley nhắc lại nhận định này. Ông nói: "Tôi hoan nghênh ý chí, lòng dũng cảm và sự kiên cường của người Ukraine. Nhưng rất khó để Ukraine đẩy lùi quân Nga bằng biện pháp quân sự, và sẽ phải trả cái giá rất đắt về người và của".
Ông Milley tin rằng sẽ đến lúc để các bên nhận ra rằng “cái giá để tiếp tục đạt mục tiêu bằng biện pháp quân sự là rất lớn", và khi đó các nhà ngoại giao từ nhiều quốc gia sẽ là những người tìm ra cách để hai nước Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, những ý kiến như của vị Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ có vẻ như ít được chú trọng khi cả hai bên đang dồn lực chuẩn bị cho việc leo thang xung đột vào mùa xuân. Báo Đức Bild mới đây đã dẫn nguồn tin quan chức NATO tiết lộ thêm thông tin về kế hoạch phản công của Ukraine.
Chính quyền thân Nga ở Sevastopol hôm 22.3 cho biết họ đã đình chỉ các tuyến phà quanh thành phố cảng, ngay sau khi thống đốc thành phố cho biết một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine đã bị lực lượng phòng không đẩy lùi, theo Reuters.
Viết trên Telegram, thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhaev nói rằng 3 "vật thể" đã bị phá hủy và không có thương vong hay thiệt hại nào đối với Hạm đội Biển Đen của Nga, có trụ sở tại Sevastopol.
Reuters không thể xác minh độc lập các tuyên bố của ông Razvozhaev ngay lập tức.
Trước đó vào hôm 21.3, một vụ nổ được báo cáo ở Dzhankoi, phía bắc Crimea. Giới chức địa phương cho rằng vụ nổ này là do UAV Ukraine gây ra.
Cũng liên quan đến UAV thì sau vụ một UAV trinh sát MQ-9 của Mỹ rơi ở biển Đen vào tuần trước, các quan chức Mỹ nói với đài CNN rằng UAV Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động trong không phận quốc tế, nhưng giữ khoảng cách xa hơn vùng trời quanh bán đảo Crimea và phía đông biển Đen.
Một quan chức Mỹ nói với CNN tuyến đường bay mới của UAV là "một phần trong nỗ lực tránh khiêu khích quá mức", do chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tìm cách tránh sự cố có thể leo thang thành xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
Cả Moscow và Kyiv đang sử dụng nhiều loại UAV trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, điều trớ trêu là chính nhờ công nghệ phương Tây mà một loại máy bay không người lái của Nga đã có thể hoạt động hiệu quả trong cuộc xung đột.
Cũng trong thông tin liên quan đến vũ khí, Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Nad hôm 22.3 cho biết Mỹ đã đề nghị bán cho Slovakia 12 trực thăng AH-1Z Viper mới với mức giá giảm chỉ còn ⅓, sau khi Bratislava gửi các máy bay chiến đấu MiG-29 đã loại biên tới Ukraine.
Ông Nad cho biết thỏa thuận này cần được chính phủ Slovakia phê duyệt, theo đó họ sẽ trả 340 triệu USD cho một gói trị giá hơn 1 tỉ USD. Ngoài 12 trực thăng AH-1Z Viper, thỏa thuận này bao gồm các bộ phận trực thăng, hoạt động huấn luyện và hơn 500 tên lửa AGM-114 Hellfire II.
Bình luận (0)