Xem nhanh: Ngày 395 chiến dịch, ông Putin nói vũ khí hạt nhân sẽ đến Belarus; Nga tiến thêm ở Bakhmut

Xem nhanh: Ngày 395 chiến dịch, ông Putin nói vũ khí hạt nhân sẽ đến Belarus; Nga tiến thêm ở Bakhmut

26/03/2023 23:51 GMT+7

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố cho dù phương Tây có kế hoạch chuyển lượng lớn vũ khí cho Ukraine, thì trong cùng giai đoạn đó Moscow cũng sẽ tăng cường sản xuất lên cao gấp nhiều lần.

Vì vậy, ông Putin dự đoán các nước NATO sẽ không thể chuyển đủ vũ khí để giúp Ukraine chiếm ưu thế vượt trội so với lượng vũ khí của Nga.

Ông Putin nói: "Chúng ta đã nghe về kế hoạch viện trợ của phương Tây, về một triệu viên đạn pháo, về việc chuyển xe tăng cho Ukraine. Đó là những con số lớn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quân sự của Nga cũng đang phát triển với tốc độ rất nhanh chóng... Và trong cùng một khoảng thời gian, ngành công nghiệp vũ khí của Nga có thể sản xuất ra gấp 3 số lượng đạn dược như vậy".

Ông Putin cũng cho rằng vũ khí phương Tây đưa tới Ukraine là mối đe dọa tới an ninh quốc gia của Nga.

Còn tại điểm nóng giao tranh Bakhmut, hãng tin Nga RIA Novosti hôm 25.3 cho hay lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã kiểm soát toàn bộ nhà máy chế biến kim loại màu Artemivsk ở Bakhmut.

Thường được biết đến với tên gọi AZOM, đây là một trong những nhà máy kim loại màu lớn nhất thời Liên Xô, được xây dựng kiên cố để chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Hồi đầu tháng 3, tình báo phương Tây cho hay quân đội Ukraine nỗ lực củng cố vị trí phòng thủ tại AZOM, trong đó có những khu vực nằm sâu dưới lòng đất 350 m.

Trong nhiều tuần, Ukraine và Nga đã giao tranh quyết liệt xung quanh khu vực nhà máy AZOM. Chuyên trang quân sự Avia Pro hôm 25.3 dẫn thông tin từ thành viên Wagner cho biết không còn bất cứ binh sĩ Ukraine nào ở dưới khu vực dưới lòng đất AZOM - nơi được dùng làm hầm tránh bom.

Cũng theo nguồn tin của Avia Pro, Wagner dường như hiện còn cách trung tâm của Bakhmut khoảng 500m. Trước đó, Wagner đã vượt qua sông Bakhmutka để lấn vào khu vực do Ukraine kiểm soát. Theo chuyên trang quân sự này, hầu hết các tuyến đường dẫn tới Bakhmut đang nằm trong tầm hỏa lực của Nga, gây khó khăn cho Ukraine trong việc tiếp viện, vì vậy các nhóm quân Kyiv bắt đầu rút về phía tây Bakhmut.

Ukraine chưa có bình luận về thông tin vừa rồi. Tuy nhiên trong những tuần gần đây Kyiv luôn thể hiện quyết tâm không rút quân khỏi Bakhmut và đẩy mạnh tiếp viện cho lực lượng trên tiền tuyến. Ukraine kỳ vọng giao tranh ở Bakhmut sẽ giúp tiêu hao sinh lực của những đơn vị tốt nhất của Nga.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Yuriy Fedorenko, một sĩ quan quân đội Ukraine, hôm 25.3 nói binh sĩ Ukraine đã "đẩy lùi" lực lượng Nga khỏi "con đường huyết mạch" tại Bakhmut ở "khoảng cách đáng kể", khiến Nga không thể kiểm soát được con đường này.

Sĩ quan Fedorenko cho biết "cuộc chiến vẫn rất khó khăn" nhưng Ukraine đang "giữ vững phòng tuyến ở những khu vực khó khăn nhất" và đã đạt được một số thành công về mặt chiến thuật. Dù vậy, ông nói các lực lượng của Nga "liên tục tiến công theo hướng Bakhmut và không ngừng tìm cách tiến lên".

Tình báo Bộ Quốc phòng Anh nhận định cuộc tiến công của Nga vào Bakhmut phần lớn chững lại, có thể do lực lượng Nga đã chịu tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết Ukraine cũng chịu thương vong nặng nề khi phòng thủ tại Bakhmut".

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây thông báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, động thái có khả năng gây leo thang căng thẳng với NATO. Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên từ thập niên 1990 vũ khí này được triển khai ngoài lãnh thổ Nga.

Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. Thông cáo từ Lầu Năm Góc nói phía Mỹ "không thấy có lý do gì để điều chỉnh lập trường hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân".

Các láng giềng Bắc Âu của Nga, gồm Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch cho biết các tư lệnh không quân của 4 nước đã ký ý định thư về việc thành lập một lực lượng phòng không chung để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga.

Văn bản được ký kết để 4 nước có thể hoạt động dựa trên các phương thức của NATO, liên minh mà Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập.

Ý định thư đã được ký kết ngày 16.3 tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức dưới sự chứng kiến của Tư lệnh Không quân NATO, tướng James Hecker. Reuters dẫn lời Tư lệnh Không quân Đan Mạch Jan Dam cho biết việc hợp tác giữa lực lượng 4 nước đã được thúc đẩy sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Hiện Na Uy có 57 chiến đấu cơ F-16 và 37 chiến đấu cơ F-35, đồng thời nước này cũng đã đặt thêm 15 chiếc F-35. Phần Lan sở hữu 62 máy bay phản lực F/A-18 Hornet và đã đặt hàng 64 chiếc F-35. Đan Mạch có 58 chiếc F-16 và đã đặt thêm 27 chiếc F-35. Trong khi đó, Thụy Điển có hơn 90 máy bay phản lực Gripens. Không rõ có bao nhiêu máy bay trong số trên vẫn đang hoạt động.

Trong khi đó, tư lệnh không quân Ukraine mới đây tiếp tục kêu gọi phương Tây nhanh chóng chuyển tiêm kích hiện đại đến cho Ukraine. Tướng Serhii Holubtsov nói rằng các máy bay của phương Tây gửi đến càng sớm thì Ukraine càng có thể sớm giành chiến thắng và cứu thêm nhiều mạng người. Ông cũng phàn nàn rằng số phi công giỏi nhất của Ukraine đang hao hụt dần trong khi chờ chiến đấu cơ F-16. 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 25.3 nói Nga hiện chưa sẵn sàng chấp nhận điều kiện để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

Ông Scholz nói phương Tây cần "phải sẵn sàng đảm bảo hỗ trợ (Ukraine) trong thời gian dài".

Thủ tướng Đức nhấn mạnh: "Cơ sở duy nhất cho mọi vấn đề là Nga phải nhận ra rằng họ không thể sáp nhập một phần lớn lãnh thổ Ukraine", và chỉ khi Nga nhận thức được điều trên thì mới có thể giải quyết được cuộc xung đột hiện nay.

Nhà lãnh đạo Đức khẳng định cuộc chiến ở Ukraine phải kết thúc với sự rút quân của Nga.

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, điều quan trọng là giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán trong thời gian sớm nhất.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói trong cuộc điện đàm, "Tổng thống Erdogan cho biết ông rất coi trọng nỗ lực hướng tới chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán càng sớm càng tốt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.