Xem nhanh: Ngày 467 chiến dịch, Nga diệt xe tăng phương Tây; ai phá đập nước chiến lược?

Xem nhanh: Ngày 467 chiến dịch, Nga diệt xe tăng phương Tây; ai phá đập nước chiến lược?

06/06/2023 23:20 GMT+7

Theo hãng tin Reuters, một lượng nước lớn tràn qua phần bị phá hủy trên một con đập trên sông Dnipro ngăn cách lực lượng Nga và Ukraine ở miền nam Ukraine hôm 6.6, làm ngập một khu vực chiến sự và buộc người dân phải sơ tán.

Theo chính quyền do Nga bổ nhiệm ở bờ đông, mực nước sông đã dâng cao thêm 10 m, gây ngập lụt một phần các khu dân cư ven sông.

Đập Nova Kakhovka cung cấp nước cho bán đảo Crimea và nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Ukraine cáo buộc Nga cho nổ tung con đập từ bên trong. Các quan chức do Nga bổ nhiệm đã đưa ra những lời giải thích trái ngược nhau, một số đổ lỗi cho Ukraine pháo kích, những người khác nói con đập đã tự vỡ.

Nga đã kiểm soát con đập từ đầu xung đột, mặc dù các lực lượng Ukraine đã chiếm bờ tây của con sông vào năm ngoái. Cả hai bên từ lâu đã cáo buộc đối phương có kế hoạch phá hủy đập.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết lệnh sơ tán đã được ban hành ngay lập tức sau khi con đập bị vỡ.

Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine cáo buộc Nga cho nổ tung đập Kakhovka để ngăn lực lượng Ukraine vượt sông Dnipro, trước thềm chiến dịch phản công.

Phát ngôn viên bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine Natalia Humeniuk nói Nga biết Ukraine sẽ tiến quân “nên cố ngăn cản bằng cách phá hủy đập, để chiến dịch vượt sông Dnipro mà họ lo sợ sẽ không xảy ra",

Trợ lý Tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak cũng cho rằng lực lượng Nga phá hủy đập để "gây trở ngại cho cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine". Chỉ huy lực lượng liên hợp Ukraine, Serhiy Naev, tuyên bố vụ vỡ đập sẽ không thể ngăn đà tiến của quân đội nước này.

Bộ Quốc phòng Nga và Điện Kremlin chưa lên tiếng về cáo buộc này.

Một quan chức do Nga bổ nhiệm ở Kherson, ông Vladimir Saldo, cho biết sẽ không cần thiết sơ tán dân cư quy mô lớn, theo CNN.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ cảm giác bàng hoàng trước vụ tấn công vào đập Kakhovka và tuyên bố tổ chức này sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm.

Ông Michel cho biết sẽ đề xuất "hỗ trợ nhiều hơn cho các khu vực bị lũ lụt" tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels trong tháng này.

Sự cố này diễn tra trong bối cảnh giao tranh đang leo thang trở lại ở miền đông và miền nam, với nhiều nhận định cho rằng Ukraine đã bắt đầu phát động cuộc phản công lớn đã được mong đợi từ lâu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 5.6 ca ngợi các binh sĩ Ukraine sau khi các chỉ huy quân đội nước này thông báo họ đạt một số thành công gần Bakhmut.

Ông Zelensky không nêu chi tiết về kết quả giao tranh giữa Ukraine và quân đội Nga gần Bakhmut, nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar trước đó cho hay quân đội nước này "ghi nhận một số thành công trên chiến trường".

Ngược lại, Bộ Quốc phòng Nga đầu ngày hôm nay thông báo lực lượng nước này hôm 5.6 đã chặn đứng thêm một đợt phản công lớn của Ukraine trên mặt trận Nam Donetsk, tiêu diệt hơn 1.500 binh sĩ, 28 xe tăng, trong đó có những chiếc Leopard và AMX-10RC phương Tây viện trợ, cùng 109 xe thiết giáp.

Lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng do Nga bổ nhiệm Denis Pushilin nhận định tình hình hai bên sườn thành phố Bakhmut "đã được kiểm soát", song rất khó khăn.

Còn ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, nói Ukraine hôm 5.6 đã kiểm soát một ngôi làng gần Bakhmut và ông cảnh báo chiến thuật của quân đội Nga nguy cơ dẫn đến nhiều thất bại hơn.

Ông Prigozhin cũng bác bỏ tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về số lượng lớn binh sĩ và trang thiết bị của Ukraine bị tiêu diệt hôm 5.6. Ông cho rằng đó là thông tin "hoang đường, vô lý" vì theo ông, "để tiêu diệt được nhiều binh sĩ như vậy thì cần phải tiến thêm 150 km mỗi ngày”.

Trong bản tin cập nhật ngày 5.6, tình báo Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga có thể đã gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào Ukraine nhằm làm cạn kiệt kho tên lửa phòng không của Ukraine.

Trong tháng 5, Nga đã phóng hơn 300 UAV vào Ukraine, trong đó một số lượng đáng kể nhắm vào thủ đô Kyiv. Số liệu này cho thấy lần sử dụng UAV mạnh mẽ nhất của Nga cho đến nay, nhưng Ukraine đã có thể đánh chặn "ít nhất" 90% trong số UAV đó" bằng cách sử dụng "vũ khí phòng không cũ hơn và rẻ hơn", theo Bộ Quốc phòng Anh nhận định.

Một phần mục đích của Nga khi tăng cường không kích vào Ukraine trong tháng 5 được cho là để phá hủy kho bãi chứa vũ khí và nhiên liệu mà lực lượng Kyiv đang chuẩn bị cho cuộc phản công sắp tới. Tuy nhiên, Ukraine trong hai tuần gần đây đã tỏ ra khá tự tin về sự sẵn sàng để bắt đầu phản công.

Thị trưởng thủ đô Kyiv hôm nay xác nhận thành phố này lại tiếp tục bị không kích vào đêm 5/6, rạng sáng 6.6.

Trước đó, Thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov thông báo trên Telegram về đợt tấn công tên lửa vào khu vực Kharkiv vào khoảng nửa đêm 5/6.

Kể từ đầu tháng 5, Nga tăng cường tập kích vào thủ đô Kyiv của Ukraine với chiến thuật mới, sử dụng cùng lúc nhiều loại vũ khí như tên lửa và máy bay không người lái (UAV), tấn công từ nhiều hướng khác nhau và chủ yếu ban đêm.

Theo các chuyên gia, chiến thuật mới này của Moscow nhằm gây nhiễu cho hệ thống phòng không của Kyiv, kéo theo tâm lý hoang mang. Ngoài ra, các vụ tập kích do Nga tiến hành được cho là nhằm phân tán lực lượng, qua đó ngăn chặn đà phản công của quân đội Ukraine.

Cuộc xung đột ở Ukraine đánh giá bước tiến mạnh mẽ trong tác chiến với thiết bị bay không người lái UAV. Nổi bật ở phía Nga là các loại UAV Geran đã tham gia vào chiến dịch không kích cơ sở hạ tầng suốt nhiều tháng qua, và UAV Lancet được dùng để tấn công các phương tiện thiết giáp trên tiền tuyến. Mới đây, Nga công bố vừa hoàn tất thử nghiệm một loại UAV mới ở Ukraine và đã sẵn sàng để đưa vào triển khai trong cuộc xung đột tại đây.

Ủy ban Châu Âu hôm 5.6 cho biết thỏa thuận hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine của 5 nước Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia sẽ được gia hạn tới ngày 15.9 và các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine sẽ dần được loại bỏ vào ngày này.

Hồi tháng 5, Liên minh châu Âu cho phép 5 nước thành viên gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia cấm bán lúa mì, ngô, dầu hạt cải và hạt hướng dương Ukraine trong nước, song cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh để xuất khẩu đi các nơi khác, kể cả các nước EU.

5 quốc gia EU trước đó đã tìm cách gia hạn thỏa thuận hạn chế ngũ cốc Ukraine do loại ngũ cốc giá rẻ hơn này gây khó khăn cho sản phẩm nội địa. Ukraine trong khi đó vận động để các nước EU dỡ lệnh cấm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.