Cuộc tấn công xảy ra chỉ vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO mở màn ở Lithuania mà trọng tâm chính là cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân sự của thủ đô Kyiv, nói các hệ thống phòng không của Ukraine đã bắn hạ tất cả các máy bay không người lái tự sát của Nga trước khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Theo không quân Ukraine, cảnh báo không kích đã vang lên khắp Kyiv trong một giờ và lâu hơn ở các khu vực khác ở miền đông Ukraine.
Về tình hình giao tranh, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho hay lực lượng nước này đã "tiến lên rõ rệt" tại khu vực phía nam thành phố Bakhmut ở vùng Donetsk.
Bà Maliar viết trên Telegram cho biết không có sự thay đổi về vị trí của hai bên ở phía bắc Bakhmut. Trong những ngày gần đây, hai bên đã tập trung giành giật ngôi làng Klishchiivka nằm khu đồi phía nam Bakhmut.
Trước đó, tướng Oleksander Syrskyi, tư lệnh lục quân Ukraine, nói lực lượng Nga đã bị “mắc bẫy” vì thành phố này đang nằm dưới sự kiểm soát hỏa lực của Ukraine”.
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết ông không cảm thấy phải chịu áp lực để nhanh chóng đạt được tiến bộ trong cuộc phản công.
Nga chưa bình luận về những thông tin trên, nhưng luôn nhấn mạnh rằng lực lượng Ukraine chưa đạt được thành tích nào đáng kể sau hơn 1 tháng phản công.
Trong khi đó, ở tiền tuyến miền đông, những người lính Ukraine đang tham gia chiến đấu tuyên bố Ukraine đã chứng tỏ được thực lực, và xứng đáng trở thành một thành viên của liên minh quân sự NATO.
Cuộc nổi loạn chấn động nhưng bất thành do lực lượng quân sự tư nhân Wagner gây ra hôm 24.6 tại Nga. Một số thông tin quan trọng liên quan đến biến cố này đã được truyền thông đăng tải trong vài ngày qua. Chẳng hạn hãng tin Reuters hôm 10.7 cho biết trong cuộc nổi loạn hôm 24.6, lực lượng Wagner trên thực tế đã chia làm 2 hướng đi khác nhau. Một nhóm tiến về phía bắc, hướng đến Moscow như tuyên bố trước đó. Một nhóm khác rẽ sang hướng đông đường cao tốc, theo hướng Voronezh-45, tiến về phía căn cứ chứa các vũ khí hạt nhân của Nga.
Reuters có được thông tin này khi phân tích các video chia sẻ trên mạng xã hội và thông tin từ các cuộc phỏng vấn người dân địa phương. Hãng tin này không thể xác thực thông tin chuyện gì xảy ra sau đó.
Người lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov nói lính Wagner khi tiếp cận căn cứ hạt nhân Nga có ý định chiếm các vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, họ đã không thể vượt qua cánh cổng của cơ sở này. Ông Budanov không đưa ra bằng chứng nào cho thông tin của mình.
Nga và Wagner hiện chưa bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, giới chức Mỹ tỏ ra hoài nghi. người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge nói với Reuters rằng Mỹ "không phát hiện dấu hiệu ở bất cứ thời điểm nào rằng vũ khí và vật liệu hạt nhân của Nga bị đe dọa".
Một thông tin bất ngờ khác được báo Pháp Liberation đưa ra, và sau đó được chính Điện Kremlin xác nhận, là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp người đứng đầu Wagner, cũng là người đứng đầu cuộc nổi loạn, là ông Yevgheni Prigozhin chỉ vài ngày sau biến cố này.
Quay trở lại với hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sáng nay cho biết Ukraine đã xích lại gần NATO hơn rất nhiều và điều đó nên được phản ánh trong mọi quyết định của NATO.
Nhà lãnh đạo NATO cho biết thông cáo cuối cùng từ hội nghị đang được soạn thảo và ông tin rằng nó sẽ gửi một thông điệp tích cực trên con đường gia nhập khối của Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 10.7 viết trên mạng Twitter cho biết: “Các đồng minh NATO đã đồng thuận về việc dỡ bỏ yêu cầu Kyiv phải tuân thủ Kế hoạch hành động thành viên (MAP) trong lộ trình gia nhập liên minh".
Ngoại trưởng Kuleba cũng cho rằng hiện nay là “thời điểm tốt nhất để làm rõ về lời mời Ukraine trở thành thành viên".
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, ông chắc chắn rằng vào cuối tuần, liên minh sẽ có "sự thống nhất và thông điệp mạnh mẽ" về tư cách thành viên trong tương lai của Ukraine.
NATO lâu nay khẳng định luôn rộng cửa kết nạp Kyiv , nhưng từ chối đưa ra một lộ trình cụ thể. Phần lớn thành viên của liên minh vẫn còn lo ngại việc kết nạp Ukraine có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10.7 cảnh báo: "Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ kéo theo hệ quả vô cùng tiêu cực đối với kiến trúc an ninh châu Âu".
Ông Peskov nhấn mạnh Nga xem việc Ukraine tìm cách vào NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và buộc Moscow phải có "phản ứng mạnh mẽ, kiên quyết".
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Ukraine trở thành thành viên của liên minh NATO?
Dù các thành viên NATO đã nhất trí rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập liên minh khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra, họ lại bất đồng về lộ trình và các điều kiện để kết nạp Kyiv sau khi xung đột chấm dứt, theo Reuters. Hội nghị tại Vilnius sẽ là cơ hội để NATO có thể đạt được đồng thuận về vấn đề này.
Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong một bình luận cho biết một gói viện trợ mới của NATO cho Ukraine sẽ được thông qua. Một quan chức chính phủ Đức hôm 10.7 nói với báo The Guardian rằng Berlin sẽ công bố một gói viện trợ vũ khí lớn trong hội nghị này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10.7 cho biết nước này sẽ viện trợ tên lửa hành trình tầm xa SCALP cho Ukraine. Loại tên lửa này chính là một phiên bản khác của tên lửa Storm Shadow mà Anh đã viện trợ cho Ukraine, và lực lượng Kyiv đã sử dụng nhiều lần trong hai tháng qua.
Tại Lithuania, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến cũng sẽ thông qua kế hoạch toàn diện đầu tiên của NATO sau Chiến tranh Lạnh trong việc ứng phó nếu bị Nga tấn công.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Nga cho rằng Mỹ đang đẩy NATO đến thế đối đầu "bất lợi nhất" với Moscow bằng các quyết định dự kiến sẽ được thông qua tại Lithuania.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết Washington đang chuẩn bị để đưa ra các quyết định "chống Nga" tại hội nghị thượng đỉnh của NATO.
Hãng thông tấn RIA của Nga thì dẫn lời Đại sứ Nga tại Bỉ Alexander Tokovinin cho biết chính sách của NATO đối với Nga làm tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa các thành viên khối và Moscow.
Ông Tokovinin nói các kế hoạch phòng thủ khu vực mà NATO dự định thông qua tại hội nghị thượng đỉnh sẽ khiến cuộc đối đầu của khối với Nga thêm căng thẳng và kéo dài.
Cũng trong một thông tin liên quan NATO, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10.7 đã đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO sau một thời gian dài phản đối.
Những động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây nên phản ứng mạnh từ một số quan chức Nga.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, nói Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tuần gần đây đã “dần chuyển từ một nước trung lập sang một quốc gia không thân thiện" và thậm chí có những hành động “không khác một cú đâm sau lưng”.
Quan chức này nêu ra một loạt động thái của Thổ Nhĩ Kỳ như ủng hộ Ukraine, Thụy Điển gia nhập NATO, trả tự do cho các chỉ huy tiểu đoàn Azovstal của Ukraine dù đã thỏa thuận rằng những người này phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột kết thúc.
Ông Bondarev cho rằng các động thái này của Ankara là do sức ép từ NATO.
Ông Jens Stoltenberg đã được tín nhiệm để tiếp tục lèo lái liên minh quân sự NATO trong thời điểm nhiều thách thức này. Trước đó, đã có nhiều gương mặt sáng giá để thay thế ông Stoltenberg trong nhiệm kỳ mới, mà một trong số đó là Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Ông Wallace cuối cùng đã không có được chức vụ này, mà nguyên nhân, theo một tờ báo Anh, là do Tổng thống Mỹ Joe biden không ủng hộ.
Một cuộc điều tra chung của hai nhóm báo chí điều tra Nga Meduza và Mediazona ước tính khoảng 47.000 binh sĩ Nga và lính hợp đồng đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Số liệu này được tính dựa trên dữ liệu từ khi xung đột nổ ra hôm 24.2.2022 đến ngày 27.5.2023. Nga chưa công bố số liệu chính thức về binh sĩ tử trận. Lần cuối cùng Moscow công bố số liệu này là vào tháng 9.2022, với con số 5.937 binh sĩ tử trận. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt đến 230.000 binh sĩ đối phương.
Còn Bộ Quốc phòng Nga ngày 10.7 cho biết hơn 11.000 lính đánh thuê nước ngoài đã đến Ukraine kể từ đầu chiến dịch, trong đó lực lượng này tổn thất gần 5.000 người và hiện vẫn còn hơn 2.000 người tham chiến cùng phía Ukraine.
Theo nguồn tin này, kể từ đầu chiến sự, đã có 11.675 lính đánh thuê từ 84 nước chiến đấu cho Ukraine. Phần lớn trong số họ đến từ Ba Lan (hơn 2.600 người), Mỹ và Canada (hơn 900 người), Georgia (hơn 800 người), Anh và Romania (hơn 700 người từ mỗi nước), Croatia (hơn 300 người), và một số nước khác.
Bình luận (0)