Lãnh đạo thành phố này là ông Vitaliy Barabash nói Avdeevka đã bị đe dọa trong suốt một năm qua nhưng “tình hình hiện nay tồi tệ hơn rất nhiều”. Còn cố vấn tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết Avdeevka đang bị không quân và pháo binh Nga tấn công dữ dội.
Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo Nga đang triển khai nhiều xe tăng và xe bọc thép nhằm đẩy mạnh hoạt động tiến công Avdeevka nhưng lực lượng phòng thủ vẫn đứng vững. Trong khi đó, giới chức Nga chưa có thông tin gì.
Avdeevka là đô thị quan trọng ở phía bắc tỉnh Donetsk. Lực lượng Nga đang áp sát ba mặt bắc, nam và đông thành phố, và Ukraine hiện chỉ còn tiếp cận thành phố từ phía tây.
Để trấn an Kyiv, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 11.10 cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, ngay cả trong bối cảnh hỗn loạn chính trị đang diễn ra tại Quốc hội và bạo lực leo thang ở Trung Đông.
Tại một cuộc họp giữa các đồng minh của Ukraine tại Brussels, ông Austin nói: "Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết” và sẽ “đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine - đặc biệt là về phòng không và đạn dược”, ông Austin nói.
Những cam kết của đồng minh Kyiv được đưa ra trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông. Hiện nay, Dải Gaza, nơi sinh sống của 2,3 triệu người, đã bị Israel bao vây hoàn toàn, với những dấu hiệu về một cuộc tấn công trên bộ có thể sớm diễn ra.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra bình luận về cuộc xung đột Hamas-Israel.
Cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel rõ ràng đang thu hút quan tâm chú ý ra khỏi cuộc chiến ở Ukraine. Ngoại trưởng Hungary, trong một bài đăng mới đây trên Facebook, viết: “Sau một thời gian dài thì hiện nay, chủ đề chính của hoạt động tham vấn quốc tế sẽ không còn là cuộc chiến ở Ukraine”. Ông cho rằng cuộc tấn công của Hamas vào Israel như “tia sét giáng xuống từ trời cao” đã làm chấn động chính trị quốc tế.
Trở lại với tình hình cuộc xung đột ở Ukraine thì theo hãng tin AFP, hôm 11.10, Anh và các đồng minh Bắc Âu đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 100 triệu bảng Anh nhằm giúp Ukraine rà phá các bãi mìn, bảo trì phương tiện và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.
Gói viện trợ cũng sẽ bao gồm các phương tiện hạng nặng để phá hủy các vật liệu nổ của Nga và giúp Ukraine phòng thủ để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.
Thông báo mới được đưa ra khi các đồng minh phương Tây của Kyiv đang nỗ lực cung cấp vũ khí trước mùa đông sau cuộc phản công không mang lại bước đột phá như mong đợi của Ukraine.
Phát biểu tại một cuộc họp lớn tập trung vào vấn đề Ukraine tại trụ sở NATO ở thủ đô Bỉ Brussels hôm 11.10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối sẽ cung cấp thêm cho Ukraine viện trợ về phòng không, pháo binh và đạn dược. Ông cũng cho biết NATO đã tăng cường sản xuất vũ khí.
Theo truyền thông Bỉ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đang ở nước này. Vào đầu tuần, Tổng thống Zelensky đã tới Romania, nơi ông cho biết đã nhận được tin vui về nguồn cung cấp pháo binh và phòng không.
Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cho biết nước này sẽ gửi chiến đấu cơ F-16 tới Ukraine từ năm 2025.
Tuy nhiên, bà Dedonder không cho biết cụ thể sẽ chuyển giao bao nhiêu máy bay cho Ukraine.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 10.10 nói rằng Moscow đã thấy những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị tại một địa điểm ở bang Nevada để tiếp tục thử hạt nhân.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Ryabkov khẳng định Moscow sẽ không khởi động lại chương trình thử nghiệm của riêng mình nếu Washington không làm như thế.
Ông Ryabkov đưa ra phát biểu trên khi Duma Quốc gia (hạ viện Nga) đang khẩn trương nghiên cứu cách tốt nhất rút lại phê chuẩn của Moscow về một hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân.
Hôm 9.10, các nhà lập pháp Nga được cho 10 ngày để nghiên cứu cách tốt nhất rút lại phê chuẩn của Moscow đối với Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa ra khả năng tiếp tục thử hạt nhân, theo Reuters. Mỹ đã ký kết hiệp định này nhưng đã không phê chuẩn trong hơn 3 thập niên qua.
Trong một thông tin khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 10.10 tiết lộ Kyiv và Bucharest đã đã nhất trí tổ chức đào tạo cho phi công Ukraine lái F-16 ở Romania.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước Ukraine và Romania đã thảo luận phương án gia tăng hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine thông qua Romania. Ước tính gần 60% sản lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine hiện trung chuyển qua ngõ Romania.
Cũng trong ngày 10.10, Đức công bố gói viện trợ mới trị giá khoảng 1 tỉ euro cho Ukraine.
Gói viện trợ bao gồm 1 hệ thống phòng không Patriot, 2 hệ thống tên lửa phòng không Iris-T.
Trong khi Ukraine vẫn đang được các đồng minh phương Tây hỗ trợ vũ khí, Nga có thể cũng sẽ phải tìm nguồn cung cấp vũ khí từ các đối tác thân thiện. Những hoạt động hợp tác gần đây giữa Nga và Iran đã làm rộ lên đồn đoán Moscow có thể tính chuyện nhập khẩu vũ khí từ quốc gia Hồi giáo này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 11.10 cho biết mức trần giá dầu của Nga do G7 đặt ra đã làm giảm mạnh doanh thu của Moscow trong 10 tháng qua và điều quan trọng là phải tiếp tục bắt Nga phải trả giá ngày càng đắt cho cuộc chiến ở Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, bà Yellen nói giá năng lượng toàn cầu hầu như không thay đổi trong khi Nga phải bán dầu với giá chiết khấu đáng kể hoặc chi số tiền lớn cho hệ sinh thái thay thế của mình.
Bà nói: “Chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine bị gián đoạn”.
"Chính quyền Tổng thống Biden, với sự ủng hộ của đa số lưỡng đảng trong Quốc hội và người dân Mỹ, sẽ nỗ lực để Ukraine nhận được sự hỗ trợ cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc xung đột này", bà Yellen nhấn mạnh.
Bình luận (0)