Cuối cùng, sau nhiều năm vẽ và triển lãm chung, nữ họa sĩ Tống Ngọc đã có triển lãm cá nhân Thiên điểu xanh của riêng mình. Triển lãm tranh lụa này mở từ nay đến 16.11 tại Art Space, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
“Tên triển lãm lấy ý tưởng từ loài hoa thiên điểu. Xanh vì tôi rất thích hòa sắc xanh của chim thiên đường. Nó cũng còn có ý nghĩa là sự tự do, kiên cường. Trên thực tế không có bông hoa thiên điểu xanh, chỉ có màu cam với màu vàng thôi. Tôi muốn làm một thứ phi thực tế, ngoài đời không có”, nữ họa sĩ tâm sự.
Thế giới Thiên điểu xanh là thế giới của 30 tác phẩm mà Tống Ngọc vẽ trong suốt 3 năm, từ 2019 tới giờ. Dù mê hòa sắc của chim thiên đường, thế giới trong tranh của cô lại được đặt trên một nền xanh xám nhẹ hoặc ghi nhạt. Bù lại trên nền tranh đó, những chi tiết nhỏ lại rất ấm, thậm chí đột nhiên rực lên một màu sắc có nhiệt độ thật cao, cao bất ngờ.
Mùa yêu 7 của Tống Ngọc |
Ảnh NSCC |
Vì thế, có thể thấy trong bức Mùa yêu 7, Tống Ngọc đặt khẽ những trái chín đỏ ấm trên nền trắng nối nhau của những băng, những tuyết, bộ lông chú khỉ và sắc trắng của bộ trang phục phụ nữ đang vươn tay lên cành. Còn trong Mùa yêu 5, bím tóc dài nhuộm cả cam lẫn đỏ của nhân vật nữ bay bổng lên, cuốn lấy cành cây.
Trong Thiên điểu xanh, có thể thấy 2 giai đoạn đời sống. Một giai đoạn của tuổi thơ - ở đó công chúng được ngắm nghía những cô bé ngây thơ; một giai đoạn của tuổi đã trưởng thành, nhưng từ chối ồn ào và đắm mình trong thế giới nội tâm, trong một khung cảnh tưởng tượng. Nhưng dù ở giai đoạn nào, những chi tiết vi tế của thiên nhiên cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nhân vật. Những chú ong, bầy chim xanh, em mèo béo, dàn lá cây, đám quả đỏ, thật nhiều hoa sen… đều gần gũi nhân vật một cách tự nhiên. Nó cho thấy nội tâm tĩnh và mối quan hệ quen thuộc với thiên nhiên.
Tác phẩm Nụ tầm xuân của Tống Ngọc |
NSCC |
Trong bức tranh Nụ tầm xuân, cô bé má hồng ôm lấy 1 tổ ong và những chú ong được phóng to hẳn lên đậu trên bàn tay cô bé. Ở bức Mùa yêu 4, 2 nhân vật cùng tập yoga mà cả thân và tay người đều đang nhúng trên mặt hồ đầy hoa súng nở. Bướm tiệp màu với hoa và đậu trên mũi bàn chân, trên tấm lưng trần của họ. Nếu không là bạn bè, làm sao có thể có mối giao đãi thân tình như vậy giữa nhân vật và thiên nhiên. Đúng hơn, đó là mối thân tình giữa nhân vật, giữa tác giả với những không gian thiên nhiên phi thực tế.
Tác phẩm Mùa yêu 4 |
Ảnh nscc |
Với Thiên điểu xanh, cùng lúc Tống Ngọc cho thấy sự lãng mạn và mong muốn đời sống gần gũi hoa cỏ, con trẻ. Các tác phẩm cũng cho thấy sự tưởng tượng hồn nhiên. Cùng lúc cũng thấy kỹ thuật lụa trong những bức vẽ. Ở đó, cô làm chủ được những nét mảnh bằng sự chắc chắn, bằng việc tạo ra những lớp màu có chiều sâu và trong veo.
Tống Ngọc hiện cũng là một trong số không nhiều những người theo đuổi tranh lụa. Khi thực hiện Thiên điểu xanh, cô chia sẻ: “Lụa đòi hỏi sự tinh tế và cả dũng cảm. Đặt bút thì bút sa gà chết, không thể sửa chữa được. Sai là không sửa. Đã vẽ là phải đúng, cần độ lỳ của quá trình làm việc kiên nhẫn. Kiên nhẫn cũng là thử thách của chất liệu”.
Bình luận (0)