Xem tranh khắc gỗ của các danh họa

12/12/2020 09:58 GMT+7

Từ ngày 12 – 13.12, tại Đường Sách TP.HCM diễn ra trưng bày hấp dẫn có chủ đề Tranh khắc gỗ Việt Nam trong các tác phẩm văn chương vô cùng độc đáo của các nhà sưu tập danh tiếng hiện nay của VN.

Độc giả và những người yêu mỹ thuật sẽ có dịp gặp lại những phụ bản tranh khắc gỗ của các họa sĩ từng “vang bóng một thời”, như: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị..., chương trình do Quán Sách Mùa Thu thực hiện cùng sự đồng hành của các nhà sưu tầm hy vọng sẽ thu hút khán giả đến Đường Sách TP.HCM .

"Dập dìu lá gió cành chim/Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh" - tranh khắc gỗ của họa sĩ Phạm Hầu

 

Tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Ảnh: QSMT

Bức tranh của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung minh họa tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân

Ảnh: QSMT

Trong nhiều thể loại nghệ thuật thì tranh khắc gỗ Việt Nam đã có những đóng góp không hề nhỏ để tạo nên được một diện mạo đầy ấn tượng và nổi bật với những đặc trưng riêng của cái “hồn” dân tộc. Tranh khắc gỗ vừa là một loại hình nghệ thuật nhưng cũng vừa là phương tiện để truyền tải cảm xúc và mỹ cảm đương đại. Chính vì thế mà dòng tranh này mang một giá trị vô cùng lớn lao, đó chính là một chiếc cầu nối liền từ quá khứ cho đến hiện tại. Theo đại diện Quán Sách Mùa Thu: “Đây là một trong những dòng tranh được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự mỹ cảm lớn”.
Cũng chính vì vậy mà trong các tác phẩm văn chương Việt Nam giai đoạn năm 1945 trở về trước nhiều tác phẩm văn chương thường được các họa sĩ dùng tranh khắc gỗ để làm phụ bản minh họa như: Lều chõng (tranh của họa sĩ Nguyễn Huyến), Vang bóng một thời, (tranh của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung), Bức tranh quê (tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân)... và Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du với 11 bức tranh khắc gỗ của các họa sĩ nổi tiếng đương thời.

"Cất mình qua ngọn tường hoa/Lần đường theo bóng trăng tà về tây/Mịt mù dặm cát đồi cây/Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương" - tranh khắc gỗ của họa sĩ Lương Xuân Nhị

Ảnh: QSMT

Tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào minh họa cho câu Kiều: "Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ/ Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm"

Ảnh: QSMT

Một tác phẩm tranh khắc gỗ của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Ảnh: QSMT

Đến với Đường Sách TP.HCM xem trưng bày, độc giả còn được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm tưởng chừng bị mai một theo thời gian vẫn được các nhà sưu tập gìn giữ cẩn thận: Tóc chị Hoài - tác giả: Nguyễn Tuân, xuất bản năm 1943 (phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí), Chùa đàn - Nguyễn Tuân, xuất bản năm 1946 (phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung), Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, xuất bản năm 1942, 11 phụ bản tranh của 11 họa sĩ gồm: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung….), Lều chõng - Ngô Tất Tố, xuất bản năm 1939, (phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Huyến), Bức tranh quê - Anh Thơ, xuất bản  năm 1939, (phụ bản tranh của Tô Ngọc Vân), Xuân Thu nhã tập - Nhóm Xuân Thu nhã tập, xuất bản năm 1942, (phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung), Vang bóng một thời - Nguyễn Tuân, NXB Thời Đại, xuất bản năm 1943, (phụ bản của Nguyễn Đỗ Cung)…
Thư giãn với tranh các danh họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… vào hai ngày cuối tuần để hiểu thêm về mối lương duyên thú vị của loại hình nghệ thuật tranh khắc gỗ với văn chương Việt Nam một thời .
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.