Xem xét chuyển gần 7.200 viên chức thành công chức

19/08/2024 15:38 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xét chuyển số viên chức trong tổng số 7.191 biên chế viên chức đang làm việc tại các vị trí việc làm công chức của các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước thành công chức theo đúng quy định.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 5578/VPCP-TCCV gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương về công tác quản lý biên chế và xây dựng vị trí việc làm, trong đó có thông tin về biên chế công chức.

Xem xét chuyển gần 7.200 viên chức thành công chức- Ảnh 1.

Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xét chuyển số viên chức trong tổng số 7.191 biên chế viên chức thành công chức

ẢNH: T.N

Theo Văn phòng Chính phủ, ngày 23.7, Ban Cán sự Đảng Chính phủ nhận được Kết luận số 01-KL/BCĐ của Ban Chỉ đạo T.Ư về quản lý biên chế về Kết luận hội nghị lần thứ 3 kết quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại kết luận trên, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương căn cứ số chỉ tiêu biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao rà soát, xét chuyển số viên chức trong tổng số 7.191 biên chế viên chức (gồm 5.066 biên chế ở địa phương, 2.125 biên chế ở bộ, ngành T.Ư) đang làm việc tại các vị trí việc làm công chức của các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thành công chức theo đúng quy định.

Sau đó, xác định cụ thể số chỉ tiêu biên chế viên chức còn lại cần điều chuyển thành công chức (gồm số viên chức đáp ứng và số viên chức chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xét chuyển thành công chức theo quy định) để tổng hợp, tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

Để giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan rà soát, kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ công tác giao, quản lý biên chế, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập ở các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước đang hoạt động theo cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù (trước và sau khi thực hiện cơ chế).

Sau đó, đề xuất giao số biên chế công chức và cơ chế tài chính phù hợp cho các cơ quan, tổ chức này.

Theo Văn phòng Chính phủ, việc này cần bảo đảm đúng nguyên tắc, chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát, đánh giá tình hình biên chế sự nghiệp giáo dục giai đoạn 2022 - 2026; đồng thời, đề xuất phương án giải quyết tình trạng thừa giáo viên giai đoạn 2024 - 2026 tại các địa phương, để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo T.Ư về quản lý biên chế, chưa giải quyết đề nghị bổ sung biên chế giai đoạn 2022 - 2026 cho Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, và đề nghị không thực hiện giảm 10% số lượng người làm việc tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, cần thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý cần khẩn trương phê duyệt, ban hành danh mục vị trí việc làm công chức, viên chức (đối với các chức danh chưa có trong danh mục vị trí việc làm thì xác định theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở).

Tiếp tục triển khai, hoàn thiện xây dựng bản mô tả, khung năng lực vị trí việc làm công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý, bảo đảm đúng yêu cầu của Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành T.Ư về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.