Xem xét tạm dừng việc khai báo y tế nội địa

03/05/2022 04:21 GMT+7

Ngày 2.5, Bộ Y tế cho biết đang rà soát văn bản, đánh giá tình hình, trước mắt xem xét tạm dừng thực hiện khai báo y tế nội địa để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Theo đó, trong trường hợp có biến chủng mới nguy hiểm hoặc có diễn biến dịch Covid-19 bất thường, Bộ Y tế sẽ áp dụng trở lại việc khai báo y tế nội địa và có thông báo cụ thể tới các tỉnh, TP. Bộ Y tế cũng đã ban hành Công văn số 2119/BYT-DP về việc rà soát và đề xuất phương án điều chỉnh các quy định, quy chế về phòng, chống dịch.

Khai báo y tế tại một quán cà phê ở TP.HCM

Ngọc Dương

Chia sẻ về việc đã đến lúc cần chuyển phương pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, một số chuyên gia cho hay một số yếu tố cho thấy trong nước đã có đủ điều kiện để xem xét thực hiện chuyển đổi này.

Cụ thể, theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm chia thành 3 nhóm A, B, C. Trong đó, nhóm A là nhóm nguy hiểm nhất có các đặc điểm: “là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đánh giá theo tiêu chí bệnh truyền nhiễm nhóm A đối với Covid-19 cho thấy, với tiêu chí 1 “đặc biệt nguy hiểm”, thì tỷ lệ tử vong của Covid-19 khoảng 3,8% (thời điểm tháng 3.2021, theo Tổ chức Y tế thế giới) và gần đây có nhiều bằng chứng khoa học thấy các biến chủng sau này dường như gây bệnh nhẹ hơn mặc dù lây lan nhanh hơn. So với cúm A/H7N9, tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn (năm 2013, tỷ lệ tử vong do cúm A/H7N9 là 27%). Tại VN, tỷ lệ tử vong do Covid-19 so với tổng ca nhiễm giảm còn 0,4% (theo số liệu của Bộ Y tế thông báo ngày 1.5). Trước đó, thời điểm tháng 7.2021, tỷ lệ này cao hơn, ở mức khoảng 0,5 - 0,6%. Do đó, yếu tố đặc biệt nguy hiểm của Covid-19 hiện có xu hướng giảm cấp độ.

Về tiêu chí 2 “lây truyền nhanh, phát tán rộng”, hiện Covid-19 vẫn đủ điều kiện. Về tiêu chí 3 “chưa rõ tác nhân gây bệnh”, với Covid-19 hiện nay, tác nhân gây bệnh đã rõ, thế giới và VN đã có khả năng phân lập, giải trình tự gien và quan trọng hơn đã có vắc xin và thuốc; tỷ lệ tiêm chủng và có miễn dịch tại VN đã bao phủ rộng.

Như vậy, theo chuyên gia này, 2/3 tiêu chí chính với bệnh truyền nhiễm nhóm A, hiện Covid-19 chỉ còn 1 tiêu chí.

Theo phân tích của chuyên gia từ Bộ Y tế, quy định cách ly điều trị Covid-19 cũng đã được điều chỉnh. Cụ thể, luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A phải được cách ly. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, các F1 (tiếp xúc với người mắc Covid-19) đã không phải cách ly. Ngoài ra, một số điều kiện về phòng chống dịch từng bắt buộc áp dụng như giữ khoảng cách; giãn cách, không tập trung đông người, đã không áp dụng bắt buộc trong nhiều tình huống; việc khai báo y tế khi nhập cảnh đã tạm dừng.

“Với diễn biến dịch hiện tại, trong nước đã có thể xem xét thay đổi phương pháp phòng bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B”, một chuyên gia của Bộ Y tế nhận định.

Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đang đánh giá, rà soát để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Trước mắt, xem xét tạm dừng việc khai báo y tế nội địa. Nếu có biến chủng mới nguy hiểm hoặc có diễn biến dịch Covid-19 bất thường, sẽ áp dụng trở lại việc khai báo y tế nội địa và có thông báo cụ thể.

Không chủ quan

Đánh giá dịch Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý theo Tổ chức Y tế thế giới, thế giới vẫn đang trong đại dịch, cảnh báo vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới. Dù trong nước dịch đã được kiểm soát, có độ bao phủ vắc xin lớn nhưng nước ta cũng đang mở cửa, vì vậy người dân không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.