Xem xét thấu đáo khi kỷ luật cán bộ

27/10/2023 06:49 GMT+7

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng khi kỷ luật cán bộ, cần xem xét thấu đáo giữa cố ý làm trái, động cơ vụ lợi, với sáng tạo trong thi hành công vụ.

Ngày 26.10, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học về một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ trì.

LÀM RÕ BẢN CHẤT "SỢ TRÁCH NHIỆM"

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng cơ quan thường trực Ban Dân vận T.Ư tại TP.HCM, cho rằng chính tâm lý co cụm, cầu an và thận trọng quá mức của cán bộ và tình trạng lấy ý kiến lòng vòng của nhiều đơn vị khiến hồ sơ bị ách tắc, chậm trễ.

Xem xét thấu đáo khi kỷ luật cán bộ - Ảnh 1.

Giải quyết hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa UBND Q.Gò Vấp, TP.HCM

Sỹ Đông

Về giải pháp cho thực trạng này, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phải đi tận gốc của vấn đề, gặp gỡ cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ để nghe họ trình bày vướng những quy định nào và đề xuất tháo gỡ ra sao. Thông qua việc gặp gỡ trực tiếp sẽ xác định được cán bộ nào ngại khó, không làm và cán bộ muốn làm nhưng không thể làm vì vướng quy định.

Từ thực tiễn khối lượng công việc gấp 2 lần bình quân cả nước, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM Nguyễn Đức Thái cho biết với số lượng nhân sự ít nên cần thiết phải có sự năng động, sáng tạo để công việc nhanh hơn. Thế nhưng năng động, sáng tạo không phải là làm những việc ngoài quy định mà là thay đổi phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện. Sự thay đổi này dẫn đến nguy cơ xảy ra sai sót rất cao, đặc biệt là nguy cơ oan sai hay cán bộ có tiêu cực trong giải quyết công việc.

Do vậy, ông Thái cho rằng phải nâng chất lượng đội ngũ cán bộ thông qua đánh giá đúng, bố trí sử dụng đúng, nhất là người đứng đầu. Ông Thái cũng cho hay người đứng đầu các đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm nếu công việc chậm trễ, ách tắc do nguyên nhân chủ quan hoặc cấp dưới làm việc không hiệu quả, không hoàn thành hoặc chậm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là tiêu chí quan trọng khi đánh giá và xét thi đua cuối năm.

TẠO PHÁP LÝ AN TOÀN CHO HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ

Phát biểu kết luận hội thảo, chia sẻ về cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận đây thực sự là "kim chỉ nam" trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và là tài liệu có giá trị cao về lý luận và thực tiễn. Vận dụng vào thực tiễn TP.HCM, ông Nên lưu ý đến phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; vai trò nêu gương của người đứng đầu. Về thể chế, cần phải tạo hành lang pháp lý an toàn trong thực thi công vụ và chủ động phòng ngừa, khắc phục nguyên nhân, điều kiện có thể xảy ra tham nhũng.

Cũng theo ông Nên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần gắn với chủ trương, quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, coi đây là nhiệm vụ song trùng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải hết sức công tâm, minh bạch, không máy móc trong xem xét giữa đổi mới, sáng tạo với cố ý làm trái quy định.

"Khi đụng vấn đề liên quan đến cán bộ, chúng tôi đặt lên bàn xem bản chất là gì, là động cơ vụ lợi, cố ý làm trái hay là năng động, đổi mới sáng tạo để đưa ra đường lối xét xử thỏa đáng. Khi xét xử đúng người, đúng tội, đúng bản chất vấn đề thì sẽ tạo tác động lan tỏa rất mạnh mẽ", Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.