Xem xét xin vượt chỉ tiêu GDP

29/12/2015 09:33 GMT+7

Ngày 28.12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội năm 2015 và 2016.

Ngày 28.12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội năm 2015 và 2016.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2016 được đề xuất điều chỉnh lên 7% - Ảnh: Ngọc ThắngMục tiêu tăng trưởng kinh tế 2016 được đề xuất điều chỉnh lên 7% - Ảnh: Ngọc Thắng
Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành KT-XH và dự toán ngân sách năm 2016 có đưa ra một số chỉ tiêu chính Quốc hội giao như GDP năm 2016 tăng 6,7%, lạm phát tăng không quá 5%.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều địa phương cho rằng với mức tăng GDP của năm 2015 là 6,68%, nên xem xét lại mục tiêu Quốc hội giao. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị, qua tính toán, Hà Nội đề xuất Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 lên 7%.
Phát biểu tại phiên họp, đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết gần đây tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung, chống lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường có xu hướng gia tăng, tính chất mức độ rất nghiêm trọng. Bộ Công an kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật, tăng mức xử phạt, xử lý nghiêm các đối tượng chống đối người thi hành công vụ. Đồng thời tăng cường các biện pháp để bảo vệ người thi hành công vụ theo đúng quy định pháp luật.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng cho biết tình hình tội phạm trên mạng diễn biến phức tạp và gia tăng. Thời gian qua, nhiều thông tin liên quan đến bí mật của nhà nước bị lộ trên mạng. Do đó, cần phải nâng cao ý thức và năng lực của cán bộ về công nghệ thông tin để bảo vệ bí mật nhà nước thông tin trên mạng; khắc phục lỗ hổng bảo mật.
Phấn đấu cao hơn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2015 Quốc hội giao GDP tăng 6,5% tuy nhiên qua nỗ lực, Chính phủ điều hành vượt chỉ tiêu tăng 6,68%. “Phải xuất phát từ tình hình thực tế dự báo tăng trưởng GDP cho sát hơn. Năm nay phấn đấu cao hơn, không cần phải tính toán thêm”, Thủ tướng nói.
Để đạt mức tăng trưởng cao, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cần tập trung nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Phó thủ tướng cho biết, hiện tại năng suất lao động ở lĩnh vực nông nghiệp đạt 27 triệu đồng/người/năm, dịch vụ đạt 93 triệu đồng/người/năm, công nghiệp đạt 120 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu hiện tại của nền kinh tế có 46% lao động nằm ở nông nghiệp, còn các nước chỉ 5 - 10%. Vì vậy, trước mắt cần chuyển dịch 36% lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp. Làm được điều này, năng suất sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, phải tập trung thay đổi công nghệ và tạo ra được nguồn nhân lực cao cấp.
“Chúng ta nói nhiều đến chuyện thừa thầy thiếu thợ, thừa kỹ sư, nhưng chúng ta không nên lo đào tạo nhiều mà chỉ lo chất lượng kém. Phải có kỹ sư giỏi, doanh nghiệp nước ngoài mới vào đầu tư. Tập đoàn Intel vào kiểm tra, chỉ có 8% kỹ sư đạt yêu cầu nên rất khó khăn để thu hút”, Phó thủ tướng nói.
“Trọng tâm số một” là an toàn thực phẩm
Trước thực trạng nhức nhối về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2016 ngành sẽ lấy việc đảm bảo VSATTP trong nông nghiệp làm nhiệm vụ trọng tâm số một. “Năm 2016 sẽ kiên quyết loại trừ chất cấm trái phép như vừa qua. Đồng thời triển khai chiến dịch chống lạm dụng kháng sinh, lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc thú y để tăng mức độ đảm bảo VSATTP”, Bộ trưởng Phát cam kết.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, càng gần Tết Nguyên đán, vấn đề VSATTP càng trở nên bức thiết, vì nhu cầu của người dân tăng cao. Hiện tại, lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng vừa được thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. “Các tỉnh trong khi chờ lực lượng thanh tra chuyên ngành, tôi đề nghị tập huấn cho công an xã, phường phối hợp với MTTQ tham gia kiểm tra, giám sát. Đặc biệt các cơ sở sản xuất thực phẩm, thức ăn; hàng nông lâm thủy sản... nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Tiến đề xuất.
Liên quan đến tình hình vắc xin dịch vụ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nguyên nhân căng thẳng là do công tác truyền thông cho người dân chưa tốt. Thời gian tới, Bộ Y tế cần giải thích rõ với người dân rằng tiêm vắc xin Quinvaxem (trong chương trình tiêm chủng mở rộng) rất tốt. Còn tử vong sau tiêm Quinvaxem chủ yếu diễn ra ở các tỉnh miền núi do công tác vận chuyển bảo quản chưa tốt, cũng như việc sàng lọc và xử lý sau khi tiêm. Hiện nay vận chuyển đã được khắc phục, hai vấn đề còn lại phải khắc phục để tránh hậu quả đáng tiếc. Về lâu dài, Phó thủ tướng cho rằng VN phải đi theo xu thế chung của các nước trên thế giới là, chỉ có một hệ thống vắc xin chứ không để song song hai loại gồm vắc xin bắt buộc và vắc xin dịch vụ. Thống nhất thành một hệ thống sẽ không đẩy người dân sang xu thế dùng một loại vắc xin dịch vụ như hiện nay. Hiện Bộ Y tế đã soạn thảo nghị định về vấn đề này; Chính phủ triển khai dự án sản xuất vắc xin để chủ động nguồn cung cấp, tránh nay chạy theo sự cố này, mai chạy theo sự cố khác.
Quân đội nhường đất để giảm ùn tắc sân bay
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nhìn nhận, hoạt động của máy bay quân sự ở sân bay Tân Sơn Nhất gây cản trở đến hoạt động bay dân dụng, đặc biệt trong quá trình sửa chữa, bay thử nghiệm. Chính vì thế, qua trao đổi, dù Bộ GTVT chỉ đề nghị nhường 9 ha nhưng Bộ Quốc phòng đã chủ động bàn giao 20 ha trong giai đoạn 1. Lực lượng không quân đóng ở Tân Sơn Nhất di chuyển ra khỏi TP.HCM, đóng ở các địa phương lân cận. Tiếp đó, trong giai đoạn 2, Bộ có thể giao thêm 20 ha. TP.HCM vì thế có thể mở đường Cộng Hòa vào sân bay để giảm ùn tắc. Theo ông Thanh, việc bàn giao đất quân sự cho giao thông sử dụng sẽ được tiến hành theo hướng lưỡng dụng, khi có nhu cầu, Bộ Quốc phòng sẽ tái sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.