Xếp đá thành di sản

14/01/2020 08:15 GMT+7

Ngót 250 năm gầy dựng kể từ thời Tây Sơn, ngôi làng trung du Quảng Nam chính thức ghi danh di tích quốc gia . Những viên đá xếp thành ngõ, thành vách... giờ đây có thể được gọi tên “di sản”.

Rêu, đá hào hoa

Lộc Yên đón tôi bằng những ngõ đá khác lạ. Biết bao mùa rêu xanh đã trôi qua kể từ ngày cụ Nguyễn Công Tuyết đưa gia đình cùng một số dân đinh từ Tam Kỳ lên đây khai hoang, thời Tây Sơn. Đá nơi đây xếp thành vách, dựng nên ngõ, lát bậc thang dẫn lên khoảnh sân hẹp, làm bờ ngăn giữ đất không bị thau rửa xói mòn…

Bà Nguyễn Thị Sanh lần xuống bậc đá ở nhà cổ Nguyễn Đình Mẫn

Chờ vãn bớt khách dịp làng mở hội đón bằng công nhận di tích quốc gia hồi đầu tháng 9.2019, tôi mới lên Lộc Yên. Kỳ lễ hội chỉ kéo dài vài ngày đã đón 15.000 khách đến chơi, nhiều hơn lượng khách của cả năm trước gộp lại. Lộc Yên cách không xa làng Thạnh Bình quê cụ Huỳnh Thúc Kháng, cùng ở xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước (Quảng Nam). Làng có chừng 68 ha vườn nhà, vườn đồi với cụm núi Hố Hay, Hố Chò, Bàn Mây, Gò Chè, Rừng Cấm bao bọc đã quá quen thuộc trên thế giới phẳng. Gõ cụm “làng cổ Lộc Yên”, chỉ 0,48 giây công cụ tìm kiếm Google đã cho đến gần 8,5 triệu kết quả. Nhưng có lẽ bạn phải đến đó, dạo bước trên các lối đi xếp đá, nhìn những bờ đá xanh rêu… để hiểu vì sao ngôi làng cổ vừa được vinh danh di sản.
Tôi ngồi trên thềm nhà cùng cụ Đồng Viết Mão. Trưa vắng, nhìn ra phía ao sen trước nhà, tôi buột miệng khen các vách đá đẹp quá, cụ liền cười: “Không ăn thua gì so với tường đá sau nhà”. Cụ Mão, 81 tuổi, tính ra đã là thế hệ thứ 7 ở Lộc Yên. Chính tay cụ nhiều lần đào đá trong vườn để xếp thành vách. Ở đây đá vùi sẵn dưới đất vườn, mỗi năm đào một ít. Riêng bờ tường đá sau nhà, gia đình cụ phải thuê thợ làm đến mấy tháng công.
Xếp đá thành di sản

Nét tài hoa của thợ Văn Hà trong không gian nhà cổ Nguyễn Huỳnh Anh

Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng

Men theo chân núi Hố Chò, nhà cụ Mão nằm ở vị trí gần chính giữa. Mé phải có nhà cụ Nguyễn Đình Mẫn, mé trái nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh. Đây là 3 nhà cổ danh tiếng trong nhóm nhà cổ hiện hữu ở Lộc Yên. Ở vòng núi Rừng Cấm phía đối diện ngăn bởi một quãng đồng trũng thấp, rải rác một vài nhà cổ khác… Nhà cụ Mẫn như lọt thỏm dưới bóng cây, đang được chị em bà Nguyễn Thị Sanh (68 tuổi) coi ngó. Theo bà Sanh lần ra giếng trước nhà xách nước, tôi đếm cả thảy 54 bậc từ mép sân dẫn xuống đầu ngõ và sững người trước các vách đá. “Hãy nhìn rêu bám trên ấy. Vào mùa mưa, đẹp lắm!”, bà Sanh khoe.

“Làng bình dân”

Ở đó, ta có thể tìm thấy được “hồn Việt” thông qua những hình ảnh rất giản dị với nhà cổ, ngõ đá đẹp và kỹ xảo, giếng nước trong, hàng chè tàu thẳng tắp, cánh đồng bậc thang quyến rũ

Trích Hồ sơ di tích Lộc Yên

Hẳn nhiều người đã nghe kể giai thoại ông Ngô Đình Diệm từng 2 lần nhờ người anh Ngô Đình Khôi (khi đó làm Tổng đốc Quảng Nam) tìm cách hỏi mua nhà cổ Nguyễn Huỳnh Anh. Nhưng ông nội cụ Huỳnh Anh khi đó từ chối, để bây giờ ngôi nhà vẫn còn nguyên đấy, sắp chẵn 170 năm tuổi.
Nhiều người đã sớm nhìn ra báu-vật-làng từ hàng chục năm trước. Trong số đó, có họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, chủ nhân của tặng thưởng quốc tế danh giá về kiến trúc gỗ Daifumi (Nhật Bản). Họa sĩ Hỷ đang giữ “kỷ lục” đo vẽ nhà cổ Nguyễn Huỳnh Anh, 15 lần trong 11 năm. Anh tham gia làm hồ sơ không gian làng, kiến trúc nhà với nhóm kiến trúc sư Anh, và có lúc thoáng lo sợ khi biết tin vài hộ dân định gỡ đá ra để xây cổng.
Giờ đây, tấm biển chỉ dẫn phía trước nhà cổ Nguyễn Huỳnh Anh gắn tên chủ nhân mới, Nguyễn Đình Hoan, tên người con trai của cụ. Ngôi nhà 3 gian 2 chái ấy trở thành chứng nhân của ngôi làng vốn được chăm chút bởi những cư dân bình dị. Họ làm nghề rừng và buôn bán nhỏ. Chính họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đã nhắc tôi về sự khác lạ này. Dường như những viên đá xếp thành ngõ nơi đây thấm đẫm mồ hôi của chính chủ nhân... Làng cổ bình dân, xem ra không giống với những ngôi làng của những vị quan lớn như Phước Tích (Huế), Đường Lâm (Hà Nội).
Sau lần sang Nhật Bản học nghề với người thợ mộc lừng danh Fumio Tananka, trở về, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ mang theo câu hỏi đau đáu: Những ngôi nhà cổ lợp tranh ở làng Shirakawago sau hơn 400 năm vẫn “chống chọi” với thời gian và được vinh danh di sản thế giới, còn Lộc Yên? Shirakawago hút khách tính bằng đơn vị triệu lượt mỗi năm. Lộc Yên vẫn rụt rè ở con số vạn. Không bị cuốn vào cơn lốc “chỉnh trang” làng mạc và mua bán nhà cổ, cũng đã là may mắn lắm rồi…
Lộc Yên đang thọ “lộc”. Ông Phùng Văn Huy, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Phước, báo tin làng cổ này vừa lọt vào danh sách 10 làng điểm văn hóa du lịch toàn quốc do Bộ NN-PTNT lựa chọn hồi cuối năm 2019. Sau tin vui ấy là những ý tưởng táo bạo cho Lộc Yên: chờ công nhận điểm du lịch để thiết kế tour, lát đá lên mặt đường bê tông, phủ cây lá lên những cổng ngõ “lỡ” xây mới...
Từng đưa không biết bao nhiêu đoàn khách dạo thăm làng, vậy mà chị Nguyễn Kim Thiện (Phòng VH-TT H.Tiên Phước) vẫn chưa “giải mã” sức hấp dẫn của Lộc Yên đến từ đâu. Chị bảo, thoạt tiên các ngôi nhà cổ sẽ kích thích sự tò mò của khách; rồi nét đôn hậu, sự nhiệt tình của cư dân gây ấn tượng. “Nhưng rồi, không gian làng cổ mới tạo sức hút, chính những ngõ đá mới quyến rũ”, chị phỏng đoán.
Dạo quanh làng trên lối đi men theo chân ruộng, tôi nhìn ra xa thấy nhiều tường đá vừa được xếp mới. Không lâu sau, những bờ đá ấy sẽ lại xanh rêu... Sực nhớ những dòng đã đọc trong hồ sơ di tích Lộc Yên: “Ở đó, ta có thể tìm thấy được “hồn Việt” thông qua những hình ảnh rất giản dị với nhà cổ, ngõ đá đẹp và kỹ xảo, giếng nước trong, hàng chè tàu thẳng tắp, cánh đồng bậc thang quyến rũ”.
Khi non kỳ thủy tú ở một vài nơi trên nước Việt xinh tươi bị san gạt rồi chất lên đấy những khối bê tông vô cảm, vẫn có vài nơi được chính cộng đồng làng che chắn. Hồn Việt có thể ẩn mình nơi làng cổ trung du một cách bình dị và quyến rũ đến thế sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.