Xét công nhận GS, PGS 'dậy sóng': Không thể hiểu tùy tiện quyết định của Thủ tướng

25/11/2019 17:47 GMT+7

Xung quanh về cách hiểu quy định xét GS, PGS , theo các nhà khoa học thì quyết định của Thủ tướng đã được ban hành độc lập với thực thể xung quanh, ngay cả với những người ban hành văn bản, nên không thể hiểu tùy tiện.

Như Báo Thanh Niên phản ánh, việc xét công nhận giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm nay lại “dậy sóng”, dù việc xét được thực hiện theo quy định mới mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành tại Quyết định số 37 ngày 31.8.2018.
Sở dĩ “dậy sóng” là bởi trong đợt xét năm nay có 16 ứng viên “trượt”, mà nguyên do “trượt” lại xuất phát từ một quy định về hướng dẫn tiến sĩ (với ứng viên GS) và thạc sĩ (với ứng viên PGS) trong Quyết định 37.

Phải xét theo nguyên tắc “có lợi cho đương sự”

Được biết, quy định trên đã được giới khoa học tranh luận rất nhiều trước khi các hội đồng ngành chính thức làm việc. Tại hội nghị tập huấn xét công nhận chức danh tại Hà Nội, đại diện của Hội đồng GS nhà nước đưa ra thỏa thuận: “Chúng ta thống nhất rằng thiếu nghĩa là vẫn phải có". Và từ đó các khoản trên cần phải hiểu là ứng viên GS phải có ít nhất 1 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ, ứng viên PGS phải có ít nhất 1 học viên cao học được cấp bằng thạc sĩ.
Nhưng cách hiểu trên đã vấp phải sự phản ứng của nhiều nhà khoa học. Theo PGS Nguyễn Quốc Hưng, Trường đại học Việt Đức, sau khi đọc xong Quyết định 37 thì ông vẫn hiểu là tất cả 2 nghiên cứu sinh đều có thể bù bằng công trình và ông thấy như vậy là hợp lý. “Vì bổ nhiệm GS là để đứng đầu một hướng nghiên cứu, để chủ trì các chương trình đào tạo nghiên cứu sinh”, PGS Hưng nói.
GS Phùng Hồ Hải, thành viên Hội đồng GS ngành Toán học, cho biết ông đọc đi đọc lại khoản 7 điều 5 và cố gắng hiểu một cách khách quan nhất nhưng cũng không suy ra được rằng "hướng dẫn chính thành công nghiên cứu sinh" là điều kiện bắt buộc đối với ứng viên GS khi so sánh với các khoản 1, 4, 5, 9 cũng của điều này (là các khoản nêu những yêu cầu bắt buộc đối với ứng viên GS).
GS Phùng Hồ Hải nói: “Theo tôi, suy luận "không hướng dẫn đủ" = "hướng dẫn thiếu" và từ đó suy ra “phải có hướng dẫn” là cách suy luận có hại cho ứng viên, không khách quan. Có thể những người tham mưu viết văn bản đã nghĩ như thế khi dự thảo. Nhưng bây giờ đã thành văn bản, thì phải dựa vào câu chữ của văn bản mà thực hiện, và phải thực hiện theo nguyên tắc “có lợi cho đương sự", GS Phùng Hồ Hải nói.
Sau đó, GS Phùng Hồ Hải còn tiếp tục dùng chính kiến thức toán được dạy cho học sinh ở cấp THPT để phân tích thêm: đứng về logic mệnh đề, xét trong mệnh đề "ứng viên không hướng dẫn đủ nghiên cứu sinh", thì từ "không" ở đây phủ định mệnh đề "hướng dẫn đủ", theo sách giáo khoa THPT môn toán thì sẽ bao gồm tất cả các trường hợp "bù" cho "hướng dẫn đủ".
Nếu ta coi tập hợp những người đăng ký GS/PGS là tập được xem xét, thì phần bù của tập con những người "hướng dẫn đủ nghiên cứu sinh" bao gồm cả những người "hướng dẫn, nhưng không đủ" và tập hợp những người "không hướng dẫn".
Như vậy, nếu có quy định "những người không/chưa hướng dẫn nghiên cứu sinh không được xem xét" thì mới loại họ ra khỏi tập được xét, và khi đó mới có thể hiểu "không hướng dẫn đủ nghiên cứu sinh" nghĩa là có hướng dẫn nhưng chưa đủ. Nếu muốn văn bản muốn nói rằng chỉ thiếu 1 nghiên cứu sinh mới được bù thì cần phải viết "hướng dẫn không đủ" hoặc "hướng dẫn chưa đủ" chứ không phải là "không hướng dẫn đủ".
GS Phùng Hồ Hải nói: “Tôi nghĩ, đã trở thành văn bản thì nó độc lập với thực thể xung quanh, kể cả với những người ban hành văn bản. Ở đây, văn bản do Thủ tướng Chính phủ ra (theo tôi hiểu) thì Hội đồng GS Nhà nước cũng không có quyền "hiểu theo cách của mình", mà phải hiểu đúng theo cái mà tiếng Việt gọi là "lẽ thường”.

Đừng để khoa học Việt Nam quay về thời kỳ “phi hội nhập”

Cũng trong mạch thảo luận trên, PGS Nguyễn Hồng Quang, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, cho rằng mấu chốt quan trọng trong Quyết định 37 là những điều kiện bắt buộc ứng viên phải có (điều kiện cứng tiên quyết) là về nghiên cứu khoa học và coi đây là quy định mới mang tính cải cách cho cộng đồng khoa học.
Nhưng trước diễn giải của đại diện Hội đồng GS Nhà nước, PGS Quang nhận thấy hoặc là ông đã hiểu sai về điều kiện cứng trong Quyết định 37, hoặc Thủ tướng Chính phủ cần ban hành lại một quyết định mới với những điều kiện cứng hiển nhiên rõ ràng theo cách diễn giải hiện nay của đại diện Hội đồng GS Nhà nước; hoặc đại diện Hội đồng GS Nhà nước phải đính chính lại diễn giải của mình theo đúng tinh thần của Quyết định 37 như nó hiện đang có.
PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ứng viên duy nhất được xét diện đặc cách GS năm nay, bình luận: “Đối với cộng đồng khoa học hội nhập quốc tế của Việt Nam, Quyết định 37-TTg là một sự cởi trói mở cửa tới hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các hướng dẫn cụ thể của Hội đồng GS Nhà nước lại là một bước lùi khép lại một phần cánh cửa”.
Theo PGS Chính, Hội đồng GS Nhà nước vẫn ám ảnh với những tiêu chuẩn cũ phi hội nhập và hướng tới số đông các nhà khoa học Việt Nam còn chưa hoặc hội nhập quốc tế kém hiện nay. “Đành rằng chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp, nhưng không nên vì số đông lạc hậu mà cản trở số xuất sắc nổi trội hội nhập quốc tế - những đầu tàu mà Việt Nam đang cần để đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế”, PGS Chính nhận định.
“Vấn đề là để đánh giá năng lực hội nhập, thành tích và tiềm năng chuyên môn, số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế của các ứng viên, chúng ta cần các hội đồng thực sự là những nhà khoa học trong số xuất sắc nhất, vô tư và công tâm", PGS Chính chia sẻ.
Được biết, các ý kiến trên đã được Hội đồng GS Nhà nước tiếp thu. Nhưng đến phiên họp thứ 3 (diễn ra ngày 11 và 12.11) thì diễn biến câu chuyện xét GS, PGS đảo chiều, khiến 16 ứng viên “trượt” ở vòng xét của Hội đồng GS Nhà nước, mà lý do chủ yếu là thiếu hướng dẫn đủ 2 tiến sĩ/thạc sĩ.

Cần những nhà khoa học thật sự hơn là những người có nhiều bằng cấp

“Nguyên tắc được dùng điểm công trình khoa học để thay thế cho các tiêu chí bị thiếu khác là kết quả của một cuộc tranh luận kéo dài hàng năm trời với mục đích tạo công bằng cho những người có thành tích khoa học xuất sắc. Cuối cùng thì đất nước chúng ta cần những nhà khoa học thực sự hơn là những người có nhiều bằng cấp. Để có được 3 điểm công trình khoa học không hề đơn giản.
Chẳng hạn, nếu dùng công bố khoa học để tính, thì ứng viên hoặc phải có 3 bài báo tốt đứng tên một mình, hoặc phải có 2 bài trong đó một bài rất tốt, hoặc phải có 1 bài đặc biệt xuất sắc. Tất cả các tiêu chí tốt, rất tốt, đặc biệt xuất sắc này phải được sự công nhận của toàn thể thành viên hội đồng ngành. Chắc chắn là khó hơn nhiều việc hướng dẫn chính thành công một nghiên cứu sinh, với tiêu chí của luận án tiến sĩ hiện nay.
Cuối cùng thì như anh Nguyễn Hưng Quốc (Trường đại học Việt Đức - phóng viên) đã nói, người ta bổ nhiệm GS là để hướng dẫn nghiên cứu sinh, chứ không phải ngược lại”.
GS Phùng Hồ Hải, thành viên Hội đồng GS ngành Toán
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.