NSƯT Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình, cho biết so với quy định trước đây, những thành phần được quy đổi giải thưởng sân khấu đã bị thu hẹp quá nhiều. “Trước hết, xét mặt bằng chung các bộ môn thì môn sân khấu đang có vấn đề quy đổi”, ông Thập nêu ý kiến và dẫn chứng việc không xét quy đổi giải thưởng của vở diễn thành giải thưởng cho nghệ sĩ làm âm thanh ánh sáng. “Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh đã đưa vào đào tạo đạo diễn âm thanh ánh sáng, tới nay là khóa thứ 3 rồi. Vậy đạo diễn âm thanh ánh sáng có phải nghệ thuật không? Không đưa vào thì chứng tỏ nó không phải thành phần của tác phẩm nghệ thuật”, ông Thập nói.
Ông Thập cũng phản ứng với việc bỏ quy đổi thành tích cho vị trí chỉ đạo nghệ thuật: “Bỏ chỉ đạo nghệ thuật đi thì rất sốc. Trước coi chỉ đạo nghệ thuật được xếp tương đương nhạc công chính. Theo tôi, nếu vở được huy chương vàng, thì chỉ đạo nghệ thuật tối thiểu cũng phải được tính 3/4 huy chương vàng ấy”. Việc bỏ quy đổi cho nhạc công chính trong nhà hát chuyên nghiệp cũng vậy. Điều này khiến các nghệ sĩ dù có giỏi, dù có biểu diễn hàng tiếng đồng hồ trong vở diễn cũng không có huy chương.
NSND Lê Hồng Chương lại lên tiếng cho ngành điện ảnh: “Nếu đồng đạo diễn, đồng quay phim thì tính thế nào, cái này không thấy quy định cụ thể. Nếu có đến 3 ông cùng quay phim thì ra sao. Một phim đôi khi có thể có nhiều giải: cả Bông sen, cả Cánh diều, có giải quốc tế... thì tính thế nào?”.
NSND Hoàng Dũng, Nhà hát Kịch Hà Nội, nêu bất cập với đạo diễn. Hiện tại, cả hội diễn sân khấu chỉ có 1 giải đạo diễn xuất sắc, không có HCV cho đạo diễn. Nhưng một hội diễn sẽ có khoảng vài chục huy chương cho diễn viên.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đà Nẵng, lại lưu ý những diễn viên giỏi đóng vai phản diện. “Vở được vàng nhưng vai chính phản diện chưa chắc đã được vàng. Bao nhiêu vàng dành cho đào kép xinh đẹp hết, đó là thực tiễn ở đơn vị tôi. Từ năm 1985 đến nay, chỉ một diễn viên phản diện được huy chương vàng tại hội diễn 2019”, ông Tuấn cho biết. Ông cũng đề xuất phải quy định rõ ràng hơn về trường hợp đặc biệt để đặc cách. “Ở Đà Nẵng, có một nghệ sĩ đã 3 lần làm hồ sơ đều không đạt. Làm hồ sơ nhà giáo ưu tú thì ông ấy không có bằng sư phạm. Làm nghệ nhân dân gian thì không được vì ông từng ăn lương nhà nước và từng quản lý đơn vị nghệ thuật. Làm NSƯT thì không có huy chương. Có thể ở đây nhiều người biết ông ấy, là nghệ nhân Hồ Hữu Có. Ông đào tạo được 18 NSND tuồng và khoảng 200 NSƯT tuồng... Cần có quy định cụ thể để anh em dễ xét những trường hợp như thế này”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, đề nghị xem xét chất lượng hội đồng cấp Bộ cũng được đưa ra, như trong ý kiến của NSƯT Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương.
Bình luận (0)