Xét thăng hạng nghề nghiệp giáo viên, mỗi nơi hiểu mỗi kiểu

17/11/2023 07:25 GMT+7

Mừng vì TP.Hà Nội xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thay vì dự kiến thi như trước đó, song giáo viên Hà Nội lại trĩu nặng tâm tư khi mỗi đơn vị ra một quy định khác nhau khiến nhiều nhà giáo có cống hiến lâu năm, nhiều thành tích vẫn bị loại hồ sơ.

NHIỀU HỆ LỤY KHI CHỈ XÉT THĂNG HẠNG CHO NHÀ GIÁO CÓ CHỨC VỤ

Mới đây, Sở Nội vụ Hà Nội ban hành Công văn số 3277/SNV-CCVC (gọi tắt Công văn 3277) về việc thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên (GV). Theo đó, Sở Nội vụ Hà Nội dự kiến báo cáo UBND TP tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II theo hình thức xét tuyển thông qua hồ sơ. Tuy nhiên, thay vì xét hết những GV đủ điều kiện, văn bản này lại hướng dẫn lưu ý xét "hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng và GV cốt cán" và "đủ 9 năm đại học" nên nhiều hồ sơ đã bị loại.

Xét thăng hạng nghề nghiệp giáo viên, mỗi nơi hiểu mỗi kiểu - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên tâm tư, bức xúc xung quanh việc xét thăng hạng nghề nghiệp (ảnh minh họa)

T.N.T

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đường, GV Trường THPT Phú Xuyên A (H.Phú Xuyên, Hà Nội), người đại diện cho 164 GV có nguyện vọng và đủ điều kiện thăng hạng ở Hà Nội gửi đơn kiến nghị tới Bộ GD-ĐT và Sở Nội vụ Hà Nội, cho rằng: Việc chỉ xét thăng hạng GV cho những người có chức vụ trong các cơ sở giáo dục gây hệ lụy xấu lâu dài.

Thứ nhất, gây sự bất bình đẳng trong các nhà trường, khoảng cách về lợi ích giữa những người có chức vụ với GV không có chức vụ. Thứ hai, từ những năm sau, các nhiệm vụ, công việc của GV hạng II sẽ do các tổ trưởng, tổ phó… thực hiện. Những GV giàu năng lực chuyên môn, có thành tích cao trong giảng dạy nhưng vì không được thăng hạng nên sẽ không có nhiệm vụ phải thực hiện. Điều này ảnh hưởng chất lượng giáo dục của nhà trường. Điều này còn có thể xảy ra tình trạng GV hạng III vẫn phải thực hiện nhiệm vụ, công việc của GV hạng II mà không được thăng hạng. Lý do là nhiều đơn vị trường học hiện nay đội ngũ tổ trưởng, tổ phó nhiều người chỉ năm sau về hưu, sẽ khuyết GV hạng II đảm nhiệm vị trí này.

Thứ ba, theo ông Đường, chế độ đãi ngộ nhà giáo vốn đã thấp, nay với việc thăng hạng GV chỉ dành cho người có chức vụ sẽ là "dấu chấm hết" cho những thầy cô có năng lực cống hiến, khiến họ sụp đổ niềm tin, chán nản, bất mãn.

Cô Lê Tâm, GV tiếng Anh Trường THPT Thạch Thất (H.Thạch Thất, Hà Nội), chia sẻ cô không được xét thăng hạng đợt này vì không phải là người có chức vụ. Những ngày qua, cô rất buồn vì từ năm 2017 đến nay cô đã cố gắng không mệt mỏi, đạt được nhiều thành tích: 2 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có 4 sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp sở, là GV dạy giỏi cấp cụm, 1 sáng kiến được Sở KH-CN TP.Hà Nội cấp giấy khen. Đặc biệt, năm 2022 vừa qua, cô được tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT vì thành tích giải nhì quốc gia ở cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử. Năm 2023, cô lọt vào Top 100 cá nhân xuất sắc của TP.Hà Nội ở các lĩnh vực, là một trong 4 GV được tặng bằng khen về sáng tạo thủ đô…

SỞ GD-ĐT HÀ NỘI HỎA TỐC HƯỚNG DẪN

Trước đó, Báo Thanh Niên cũng đã có bài viết phản ánh tâm tư, bức xúc của nhiều GV có tâm trạng tương tự cô Lê Tâm. Họ có nhiều thành tích, cống hiến nhưng chỉ vì không có chức vụ, không phải là "cán bộ" mà bị loại khỏi danh sách xét thăng hạng trong đợt này.

Ngày 16.11, Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT Hà Nội) đã có văn bản hỏa tốc gửi hiệu trưởng các cơ sở trực thuộc Sở để hướng dẫn việc thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông công lập.

Ông Phạm Tiến Lực, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, cho biết qua tổng hợp danh sách thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV của các đơn vị báo cáo Sở, các cơ sở giáo dục chưa có sự thống nhất trong thẩm định hồ sơ. Vì vậy, Sở GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng các cơ sở giáo dục công lập một số nội dung; trong đó yêu cầu xây dựng cơ cấu, nhu cầu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức GV của đơn vị bảo đảm tỷ lệ khoa học, làm cơ sở để xét thăng hạng, tránh tràn lan, không đúng đối tượng.

Xét thăng hạng nghề nghiệp giáo viên, mỗi nơi hiểu mỗi kiểu - Ảnh 2.

Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, giữ xét thăng hạng nhưng phải bảo đảm công bằng, không gây xáo trộn, tâm tư trong đội ngũ giáo viên

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong quá trình xác định cơ cấu, nhu cầu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức GV và thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV, cụm từ trong Công văn 3277 của Sở Nội vụ Hà Nội như sau: "Trong đó, tập trung rà soát đề xuất đội ngũ GV giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, giữ vai trò là trưởng, phó tổ chuyên môn và đội ngũ GV cốt cán được thăng hạng cho phù hợp, giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục".

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, nội dung này phải được hiểu như sau: các chức danh có quyết định ban hành (phê duyệt) như hiệu trưởng, hiệu phó, cấp ủy, chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, bí thư Đoàn thanh niên, nhóm trưởng chuyên môn, GV cốt cán... (đã và đang thực hiện trong 6 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu theo cơ cấu, nhu cầu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức GV của đơn vị xây dựng).

Văn bản hướng dẫn hỏa tốc của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nêu: "Nếu đề nghị đối với GV (không thuộc các chức danh trên) đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV thì phải đảm bảo cơ cấu, nhu cầu và GV phải giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục".

Ông Nguyễn Văn Đường cho rằng: "Văn bản mới của Sở GD-ĐT mở ra hy vọng cho rất nhiều GV đang trĩu nặng tâm tư những ngày qua. Chúng tôi hy vọng sẽ tránh được tình trạng mỗi cơ sở giáo dục lại hiểu khác nhau và thực hiện cũng rất khác nhau như hiện nay".

Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT đều yêu cầu xét thăng hạng công bằng

Trước đó, trong tháng 10 vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, trong đó nêu rõ: Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 115/2020 và Nghị định số 138/2020, trong đó sửa đổi quy định theo hướng bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (giữ quy định về xét thăng hạng).

Theo Bộ Nội vụ, việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ xét thăng hạng) được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế. Các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất quy định bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải được sửa đổi đồng bộ với quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; cần thống nhất quy định về trình tự, thủ tục xét thăng hạng bảo đảm đơn giản, không quy định trong xét có thi (sát hạch, trắc nghiệm...).

Việc xét thăng hạng phải bảo đảm công bằng, không gây xáo trộn, tâm tư trong đội ngũ; giữ thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành trong việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù để bảo đảm chất lượng đội ngũ khi thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; cắt giảm chi phí tổ chức xét thăng hạng, bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính…

Về phía Bộ GD-ĐT, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng khẳng định đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này.

Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: "Đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những GV thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật".

Bộ GD-ĐT cho rằng việc một số địa phương (trong đó có Hà Nội - PV) yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm GV đã đạt trình độ đại học là không đúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.