Từ 5 học kỳ còn 2 học kỳ
Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT thí điểm cho 10 trường khối văn hóa, nghệ thuật được tuyển sinh không phải theo kỳ thi 3 chung của Bộ. Đến năm 2014, Bộ chính thức cho phép thêm 62 trường được thực hiện đề án tuyển sinh riêng (không tính 10 trường khối văn hóa, nghệ thuật).
tin liên quan
Tuyển sinh đại học 2019: Một thí sinh Hà Nội đăng ký... 50 nguyện vọngNhưng năm 2015, hàng loạt trường áp dụng đề án tuyển sinh riêng có sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển. Trong đó nhiều trường bắt đầu chọn hình thức xét tuyển thí sinh chỉ dựa vào điểm học bạ 2 học kỳ năm lớp 12.
Trong 2 năm gần đây, việc này diễn ra ở hầu khắp các trường, kể cả trường ĐH công lập lớn như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cách thức xét tuyển càng dễ khi từ năm ngoái Bộ không đưa ra mức sàn tối thiểu với hình thức này. Kết quả, không chỉ xét điểm lớp 12 mà nhiều trường công bố mức điểm nhận hồ sơ 2 học kỳ ở mức thấp hơn so với sàn 6,0 theo quy định trước đó. Ví dụ, năm 2018 Trường ĐH Quang Trung xét điểm 3 môn theo tổ hợp lớp 12 từ 16 điểm (trung bình 5,3 điểm/môn) hoặc điểm trung bình chung lớp 12 từ 5,5 trở lên.
Không chỉ xét theo học bạ, việc Bộ không quy định điểm sàn tối thiểu với phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia cũng khiến các trường ngay lập tức hạ sàn tối đa trong năm ngoái. Cho đến khi báo chí đăng tải thông tin thì hàng loạt trường phải sửa lại điểm theo yêu cầu của Bộ.
Trường ĐH nhưng xét tuyển như... CĐ
Xu hướng tuyển sinh của các trường trong vài năm gần đây là mở rộng tối đa phương thức tuyển sinh. Trừ một số trường khối y dược, hầu hết trường đều sử dụng đa phương thức xét tuyển.
Cá biệt trong năm nay, có trường còn công bố xét thí sinh cho các ngành đào tạo ĐH chỉ với điểm... xét tốt nghiệp THPT. Tốt nghiệp THPT là điều kiện tối thiểu để thí sinh tham gia xét tuyển ĐH, CĐ. Nhưng với hầu hết trường ĐH, ngoài điều kiện tối thiểu này còn căn cứ trên các điều kiện khác: điểm trung bình lớp 12, điểm theo các tổ hợp môn xét tuyển... Điều đáng nói, tốt nghiệp THPT đang là ngưỡng nhận hồ sơ của các trường CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (trừ khối ngành sư phạm phải theo quy định của Bộ GD-ĐT).
Điều kiện xét tuyển đầu vào ĐH như có trường thông báo, như vậy ngang bằng với đầu vào CĐ?
“Đẻ” thêm nhiều cách xét mới
Một phương thức mới được nhìn thấy ở nhiều trường trong năm nay là xét tuyển kết hợp. Cũng căn cứ trên tổ hợp 3 môn nhưng các trường cho phép thí sinh linh hoạt tối đa trong cách chọn môn để đạt được tổng điểm cao nhất.
Chẳng hạn một trong 5 phương thức xét tuyển của Trường ĐH Bình Dương năm nay là cho phép thí sinh dựa vào điểm cao nhất 3 môn theo tổ hợp của kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả 3 năm THPT hay kết quả học tập lớp 12. Với cách thức này, thí sinh có thể linh hoạt lựa được điểm số cao nhất từ một trong 3 kết quả trên để cho ra tổng điểm xét tuyển cao nhất.
Tương tự, Trường ĐH Võ Trường Toản cũng sử dụng một phương thức kết hợp giữa kết quả thi và học bạ lớp 12 cho ngành y khoa và dược học. Theo đó, trong 3 môn xét tuyển cùng tổ hợp, thí sinh được quyền chọn 1 hoặc 2 môn sử dụng điểm thi và môn còn lại sử dụng điểm lớp 12. Thí sinh chọn phương án kết hợp này để xét tuyển ngành sức khỏe không cần phải đạt học lực giỏi lớp 12 với phương thức học bạ mà vẫn đảm bảo quy định của Bộ.
Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng áp dụng cách xét kết hợp giữa điểm thi và học bạ. Hồ sơ xét tuyển có 2 cột điểm học bạ và thi theo tổ hợp môn, thí sinh chọn điểm cao nhất ở 2 cột điểm làm sao đạt đủ điều kiện.
Một phương thức mới được nhiều trường sử dụng xét tuyển trong năm nay là kết quả thi đánh giá năng lực. Các trường tự đứng ra tổ chức, tự quyết định ngưỡng điểm nhận hồ sơ và điểm trúng tuyển mà không cần căn cứ vào “sàn” cứng của Bộ. Đặc biệt, nếu muốn thì đây sẽ là cách để các trường “lách” quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào với các ngành khối sức khỏe, sư phạm.
Bình luận (0)