Xét tuyển đại học: Vì sao thí sinh điểm cao vẫn rớt đợt 1?

21/08/2024 10:36 GMT+7

Các trường ĐH đã hoàn tất việc công bố kết quả xét tuyển đợt 1. Trong khi các thí sinh trúng tuyển đợt 1 đang háo hức đến trường làm thủ tục nhập học thì có những trường hợp điểm cao vẫn rớt đợt 1…

Xét tuyển đại học: Vì sao thí sinh điểm cao vẫn rớt đợt 1?- Ảnh 1.

Phụ huynh cùng con đến trường làm thủ tục nhập học năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Còn cơ hội xét tuyển bổ sung?" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 20.8.

Thí sinh điểm cao vẫn rớt nguyện vọng

Gửi câu hỏi đến chương trình, một thí sinh viết: "Do em quá tự tin vào điểm thi nên chỉ đăng ký 2 nguyện vọng, cuối cùng trượt cả 2 dù chỉ thiếu 0,15-0,25 điểm. Em rất tiếc vì đã không có các phương án dự phòng…". Chia sẻ trong chương trình, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nói: "Câu chuyện này đã được cảnh báo rất nhiều trước khi thí sinh đặt nguyện vọng xét tuyển. Các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo không nên chọn quá nhiều nguyện vọng nhưng cũng không nên chọn quá ít tránh nguy cơ 'trắng tay'".

Không chỉ trường hợp trên, thạc sĩ Tư phân tích thêm: "Có những thí sinh điểm khá cao nhưng vẫn rớt nguyện vọng mong muốn. Điều này xuất phát từ sự chủ quan, thí sinh khi đặt nguyện vọng chỉ dựa vào điểm số của mình mà không dựa trên sự phân tích tổng thể tình hình chung. Nếu điểm mình cao và điểm nhiều bạn khác cũng cao thì cần phải có chiến lược chọn nguyện vọng phù hợp cho tình huống này".

Thí sinh cần làm gì sau khi biết điểm chuẩn?

Nhưng trong giai đoạn này, thạc sĩ Quảng Tư cho rằng điều thí sinh cần làm tìm hiểu thông tin xét tuyển bổ sung của các trường. Hiện nhiều trường đang nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung đến hết ngày 31.8, ví dụ Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Với kế hoạch kết thúc xét bổ sung này, thí sinh dù trúng tuyển đợt sau vẫn kịp nhập học cùng đợt với thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng nói: "Có những thí sinh may mắn trúng tuyển vào ĐH như mong muốn, có nhưng em vẫn chưa có được may mắn này. Thí sinh chưa trúng tuyển như nguyện vọng, cần cân nhắc kỹ việc có nên từ chối nhập học để xét bổ sung vì không phải trường nào, ngành nào cũng xét bổ sung. Nếu có xét tuyển bổ sung thì chỉ tiêu cũng không nhiều và điểm chuẩn phải từ mức ở đợt 1 trở lên".

Xét tuyển đại học: Vì sao thí sinh điểm cao vẫn rớt đợt 1?- Ảnh 2.

Chuyên gia tham dự chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên chiều 20.8

THANH HẢI

Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vẫn muốn… đổi ngành

Nhiều câu hỏi đến chương trình tư vấn băn khoăn liệu các ngành 'hot' còn chỉ tiêu xét tuyển đợt bổ sung. Giải đáp băn khoăn này, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho hay đặc thù của giai đoạn xét tuyển bổ sung mỗi trường thực hiện theo kế hoạch riêng. Do đó, thí sinh cần theo dõi thông tin từng trường thông báo. Hiện nhiều trường đã ra thông báo xét bổ sung nhưng có thể trường khác sẽ có thông báo trong các ngày tới. Ví dụ Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn hiện đang nhận xét tuyển bổ sung theo 3 phương thức cho tất cả các ngành, trong đó có nhiều ngành thí sinh quan tâm.

Ông Vũ Quang Huy cũng cho biết Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến xét khoảng 1.000 chỉ tiêu đợt bổ sung. Trong đó có các ngành "hot" như công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, công nghệ kỹ thuật ô tô… Tuy nhiên, lời khuyên với thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng băn khoăn từ chối nhập học để xét bổ sung, ông Quang Huy cho rằng: "Trường hợp này, thí sinh cần suy nghĩ thật kỹ và không nên trông chờ quá nhiều vào xét tuyển bổ sung vì nhiều trường không còn bổ sung, có trường xét nhưng không nhiều chỉ tiêu. Do đó, việc có nên lựa chọn nhập học với một nguyện vọng thứ 4, 5 trong danh sách hay không thì vấn đề quan trọng là sự tương đồng với ngành nghề mình yêu thích ở mức độ nào".

Nói về trường hợp tương tự, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết sau khi công bố điểm chuẩn có những thí sinh gọi về trường hỏi còn cách nào để thay đổi nguyện vọng đã trúng tuyển trong đợt 1. Trong đó có cả những thí sinh dù đã trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 vẫn cảm thấy đó chưa phải là lựa chọn phù hợp nhất, ngành học yêu thích nhất nên muốn tìm thêm cơ hội xét tuyển bổ sung. Với các trường hợp này, thạc sĩ Tư tư vấn: "Thực ra mỗi ngành đào tạo đều luôn có giá trị nhất định. Không phải cứ học ngành đó là ra trường có việc làm và đương nhiên thành công. Sự thành công của một người đến từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là sự đam mê và sự nỗ lực của chính người học. Chỉ cần đủ khả năng, đam mê thì lựa chọn nào cũng là lựa chọn tốt. Chúng ta không có sự lựa chọn hoàn hảo nhất mà chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.