Điều này dẫn đến thực trạng nếu chất lượng đề thi các môn khác nhau thì sẽ ảnh hưởng tới sự công bằng với thí sinh (TS) khi dùng các tổ hợp khác nhau (thang đo khác nhau) để cạnh tranh với nhau.
NGUYÊN NHÂN TỪ VIỆC GỘP 2 KỲ THI TRONG MỘT?
Trước thực tế này mà năm ngoái, Bộ GD-ĐT đã đưa vào quy chế tuyển sinh quy định các trường "không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển vào một ngành". Vì thế, hầu như trường nào cũng xét ít nhất 2 tổ hợp cho cùng một ngành (trường chỉ tuyển một tổ hợp (B00) như Trường ĐH Y Hà Nội là rất hiếm).
Chẳng hạn ĐH Bách khoa Hà Nội, trong 63 mã ngành thì chỉ 2 mã ngành ngôn ngữ xét một tổ hợp, là D01. Còn lại xét từ 2 - 3 tổ hợp, trong đó có 42 ngành thuần khối A, 1 ngành có thêm khối B nhưng cũng đều có môn khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm ưu thế; 18 ngành có cả khối A và D. Hoặc các trường kỹ thuật, công nghệ ở Hà Nội như Học viện Bưu chính viễn thông, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội… đều tuyển 4 tổ hợp, trong đó có hàng loạt ngành cùng tuyển khối A và D. Còn các trường khối kinh tế, kinh doanh, quản lý… thì trường nào cũng tuyển khối A và D.
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, việc đa số trường áp dụng một mức điểm chuẩn cho tất cả tổ hợp, xuất phát chủ yếu từ nhu cầu cần sự an toàn về nguồn tuyển của các trường. Phần lớn các ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội tuy xét thêm cả các tổ hợp A01, D07, thậm chí D01, nhưng môn toán là môn chính, nhân hệ số 2. Vì thế, nhà trường cũng tạm yên tâm TS trúng tuyển vào trường có tố chất phù hợp với các ngành đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, khi mà các môn KHTN chiếm 3/4 đầu điểm, còn 1 đầu điểm là môn tiếng Anh. Nhưng một khi các trường vẫn phải dựa vào kỳ thi với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT thì vẫn phải chấp nhận sự rủi ro khi chất lượng đề thi hằng năm thay đổi. "Với năm nay, các TS khối A chịu bất công, nhưng nếu sang năm Bộ GD-ĐT ra đề tiếng Anh, đề văn khó hơn thì mọi chuyện sẽ đảo ngược. Vấn đề cơ bản là kỳ thi THPT không có đề thi chuẩn hóa đúng theo quy tắc khoa học khảo thí", PGS Điền nói.
Còn tiến sĩ Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải, cho rằng vấn đề là nguồn tuyển khối A ngày càng ít kể từ khi Bộ GD-ĐT gộp 2 kỳ thi trong một (tuyển sinh ĐH và thi tốt nghiệp THPT). Trước đây, các trường kỹ thuật, công nghệ buộc vẫn chỉ tuyển sinh khối A, A1 nhưng từ khi có kỳ thi THPT quốc gia (sau này là thi tốt nghiệp THPT), số TS thi khối A ngày càng giảm. Để mở rộng nguồn tuyển, các trường phải tuyển thêm TS D01. Điều này khiến các trường vô tình lấy đá ghè chân mình, vì sẽ khiến TS chọn tổ hợp KHTN để dự thi sẽ trở nên càng ít đi.
LẤY ĐIỂM CHUẨN THEO KHỐI THI, HIỆU QUẢ KHÁC NHAU
Hiện hầu hết các trường đều lấy điểm chuẩn chung theo ngành, chỉ có hai trường xét điểm chuẩn theo tổ hợp, là Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Luật Hà Nội. Tuy nhiên, cách xác định điểm chuẩn của hai trường này khác nhau, nên hiệu quả về tính công bằng khác nhau.
Trường ĐH Ngoại thương quy định trong đề án tuyển sinh (từ nhiều năm nay) là điểm chuẩn khối A cao hơn khối D 0,5 điểm. Với phổ điểm, khoảng điểm cao các khối thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 như Báo Thanh Niên đã phân tích trong bài trước thì năm nay chắc chắn TS khối D trúng tuyển Trường ĐH Ngoại thương chiếm tỷ lệ áp đảo.
Số TS chọn bài thi KHXH càng về sau càng cao hơn KHTN
Theo tài liệu báo cáo về kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT mà Báo Thanh Niên còn lưu trữ, sự khủng hoảng nguồn tuyển sinh khối KHTN bắt đầu từ khi Bộ GD-ĐT bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (ban đầu gọi là thi THPT quốc gia) với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
Những năm 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT tổ chức hai đợt thi xét tuyển ĐH. Đợt 1 dành cho các trường xét tuyển khối A, A1; đợt 2 các khối B, C, D. TS đăng ký dự thi của hai đợt thường tương đương nhau, số dự thi thực tế TS đợt 1 thường nhỉnh hơn đợt 2 một chút. Ví dụ năm 2014, hơn 590.000 TS dự thi đợt 1; khoảng 575.200 TS dự thi đợt 2.
Cho đến những năm đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia, khi các môn thi trong khối KHTN và khoa học xã hội (KHXH) còn là các môn thi độc lập, thì số đăng ký dự thi các môn lý, hóa ở mức rất cao so với các môn địa và sử. Ví dụ năm 2015, 471.000 TS đăng ký dự thi môn lý, hóa là 459.000, trong khi địa là 387.000 và sử là 153.700.
Nhưng từ năm 2017, Bộ GD-ĐT gộp các môn thi KHTN và KHXH thành hai bài thi KHTN và KHXH thì cục diện thay đổi, số TS chọn bài thi KHXH chiếm hơn 50%. Năm 2018, số TS thi KHXH nhảy vọt lên 59%, TS thi bài KHTN là 41%.
Năm 2019, một lần nữa một thay đổi chính sách của Bộ GD-ĐT lại tiếp tục khiến TS chọn KHXH nhiều hơn, đó là chỉ cho phép TS chọn 1 trong 2 tổ hợp để dự thi. Vì thế, TS thi bài thi KHXH là 63%, còn KHTN là 37%.
Năm 2020, số TS dự thi KHXH là 55,38%, KHTN 32,9% (số còn lại là những TS thi không đủ 3 môn trong một tổ hợp).
Năm 2021: KHXH chiếm 64,19%; KHTN là 35,13%.
Năm 2022: KHXH là 55,53%; KHTN là 31,94%.
Năm 2023: KHXH 55,3%; KHTN 31,52%.
Còn Trường ĐH Luật Hà Nội thì chia chỉ tiêu cho từng tổ hợp (theo ngành). Ví dụ, ngành luật là 40% chỉ tiêu khối C, khối A và khối D mỗi tổ hợp 30%. Cũng trong mỗi khối, chỉ tiêu tiếp tục được chia nhỏ ra (ví dụ A00 là 50%, A01 50% trong chỉ tiêu khối A). Vì vậy, điểm chuẩn ngành này khối A00 Trường ĐH Luật Hà Nội 2 năm gần đây (25,35 điểm) đều thấp hơn điểm chuẩn khối D01 (26,55 năm 2021 và 25,8 năm 2022).
Theo giải thích của PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, căn cứ để quyết định điểm chuẩn chênh giữa hai khối thi là căn cứ vào đặc trưng của môn học và phổ điểm của nhiều năm. Trước đây, môn văn thường có ít điểm cao, nên trường phải giảm điểm chuẩn khối D so với khối A để đảm bảo tuyển sinh được tỷ trọng TS khối D nhiều hơn khối A.
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, đề án phải được công bố từ sớm, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, nên việc phổ điểm năm nay như thế nào nằm ngoài khả năng kiểm soát của trường. Trước nguy cơ TS khối D năm nay chiếm tỷ trọng áp đảo, bà Hiền cho đó là bình thường do Trường ĐH Ngoại thương vẫn ưu tiên TS khối D. Tuy nhiên, trường vẫn muốn lấy một tỷ lệ nhất định TS khối A vào các ngành kinh tế, nhưng đề án tuyển sinh đã công bố, giờ không thể thay đổi.
Còn theo giải thích của PGS Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, việc xét chỉ tiêu cho từng khối thi là trường làm theo cách truyền thống. Vô tình đó lại là cách thức phù hợp, đảm bảo công bằng cho TS trong bối cảnh sự tương đồng trong phổ điểm các tổ hợp không ổn định (mà thay đổi theo từng năm). (còn tiếp)
Bình luận (0)