Xét tuyển ĐH: Vì sao 14 điểm đỗ, 29 điểm trượt?

24/08/2023 04:18 GMT+7

Hàng loạt trường ĐH trên cả nước đã công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Cho đến nay, mức điểm chuẩn thấp nhất được ghi nhận là 14, cao nhất là 29,42 ngành IT1 (khoa học máy tính) ĐH Bách khoa Hà Nội dẫn đến "sự kiện" thủ khoa khối A00 của cả nước trượt nguyện vọng 1.

Thực tế này đã khiến dư luận băn khoăn, tại sao thí sinh (TS) hơn 29 điểm vẫn trượt nguyện vọng (NV) 1, trong khi hàng loạt TS khác chỉ 14 - 15 điểm vẫn đỗ NV1?

Xét tuyển ĐH: Vì sao 14 điểm đỗ, 29 điểm trượt? - Ảnh 1.

Thí sinh hỏi thông tin làm thủ tục nhập học sau khi biết điểm trúng tuyển

NHẬT THỊNH

ĐIỂM THI KHÁC ĐIỂM XÉT TUYỂN

Cách đây 3 năm (2020), trên diễn đàn MathVN (Toán học VN), vấn đề điểm thi khác điểm xét tuyển của một TS cụ thể đã được đưa ra thảo luận, cũng chính từ sự kiện ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn.

Khi đó, điểm chuẩn ngành khoa học máy tính của trường này là 29,04. Nhưng có những TS tạm gọi là TS A, dù chỉ được 29 điểm (tổ hợp 3 môn), không có chút điểm ưu tiên nào, vẫn đỗ. Theo giải thích của một thành viên diễn đàn MathVN, ĐH Bách khoa Hà Nội xét tổ hợp 3 môn nhưng trong đó có 1 môn nhân hệ số 2 (với hầu hết là môn toán). Tổng điểm đạt được tối đa sẽ là 40 điểm (còn gọi là thang 40). Nhưng khi công bố điểm chuẩn, ĐH Bách khoa Hà Nội quy đổi thang 40 về thang 30. Vì thế, các điểm thành phần để tạo nên tổng điểm (điểm xét tuyển) của TS A khác với các điểm thành phần tạo nên điểm thi tổ hợp 3 môn.

Xét tuyển ĐH: Vì sao 14 điểm đỗ, 29 điểm trượt? - Ảnh 2.

Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu thông tin về điểm chuẩn xét tuyển ĐH

ĐÀO NGỌC THẠCH

Giả sử, TS A có điểm thi môn toán là 10, lý 9, hóa 10, điểm thi tổ hợp 3 môn toán, lý, hóa của A sẽ là 10 + 9 + 10 = 29. Nhưng điểm xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội của TS A sẽ là: (10x2+9+10)x ¾ = 29,25. Như vậy TS A đỗ ngành khoa học máy tính (điểm chuẩn 29,04).

Với quy định về điểm xét tuyển như vậy, một TS khác (tạm gọi là TS B) cùng đạt điểm thi tổ hợp 3 môn toán, lý, hóa là 29 nhưng vẫn trượt ngành khoa học máy tính, nếu như B chỉ được điểm 9 môn toán (2 môn còn lại mỗi môn 10 điểm). Vì khi đó B sẽ có điểm xét tuyển là: (9x2+10+10)x ¾ = 28,5. Như vậy TS B trượt ngành khoa học máy tính (điểm chuẩn 29,04).

Thậm chí có thể có TS với tổng điểm lớn hơn 29,04 vẫn rớt ngành này. Ví dụ, em C có điểm thi THPT là toán 9,2, lý 10, hóa 10, tổng điểm thi 3 môn là 29,2, nhưng tổng điểm xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ 28,8.

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, chính sách coi môn toán là môn chính (nhân hệ số 2) với hàng loạt ngành khi xét tuyển ĐH là chính sách được ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng từ nhiều năm nay, xuất phát từ chủ trương yêu cầu cao TS có tư duy toán học tốt. Đây không phải là chính sách mới, thậm chí còn được sử dụng phổ biến từ hàng chục năm nay với ngành ngôn ngữ của các trường ĐH khác. "Tôi tin rằng, bất kỳ TS nào có NV vào ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đều đã tìm hiểu kỹ chính sách xét tuyển của nhà trường", PGS Điền nói.

MỘT TRƯỜNG CÓ NHIỀU MỨC ĐIỂM CHUẨN

Năm nay một trường ĐH khu vực miền Trung có mức điểm chuẩn 14. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành tuyển sinh của trường này đều có điểm chuẩn 14. Trong số 51 ngành mà trường này đã công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT, có 35 ngành lấy 14 - 14,5 điểm, 11 ngành lấy từ 15 - 18 điểm, 5 ngành lấy từ 19 - 22,5 điểm.

Có 2 lý do để trường đặt ra các mức điểm chuẩn này. Thứ nhất là do nguồn tuyển của trường phần lớn là TS có điểm thấp, trong khi nguyên tắc xét tuyển là lấy từ TS có điểm cao nhất xuống đến đủ chỉ tiêu, hoặc nếu chưa đủ chỉ tiêu thì lấy đến ngưỡng mà trường cho rằng đảm bảo điều kiện chất lượng để đào tạo. Thứ hai, Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn với các ngành về sức khỏe, 19 điểm với ngành điều dưỡng, 21 điểm với ngành dược, 22,5 điểm với các ngành y khoa và răng hàm mặt. Vì thế, trường muốn hạ điểm chuẩn với các ngành này cũng không được.

Một ví dụ khác cho việc một trường có nhiều mức điểm chuẩn, có thể kể đến Trường ĐH Luật Hà Nội. Tổ hợp có mức điểm chuẩn cao nhất là luật kinh tế C00, 27,36 điểm. Cũng với ngành này còn có 2 mức điểm chuẩn khác, gồm A00 và A01 cùng 25,5 điểm; khối D 26,5 điểm. Tuy nhiên, cũng ngành luật của nhà trường nhưng đào tạo tại phân hiệu Đắk Lắk chỉ có mức điểm chuẩn 18,15 với tất cả các tổ hợp.

Xét tuyển ĐH: Vì sao 14 điểm đỗ, 29 điểm trượt? - Ảnh 3.

Từ ngày 24.8 đến trước 17 giờ ngày 8.9, thí sinh thực hiện xác nhận nhập học

NHẬT THỊNH

CHỈ TIÊU CÀNG ÍT, ĐIỂM CHUẨN CÀNG CAO

Theo tiến sĩ Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Luật Hà Nội, ngành luật kinh tế là ngành "hot" của trường, điểm xét tuyển của các tổ hợp vào ngành này thường cao nhất. Vì vậy, năm 2023 trường đã tăng 100 chỉ tiêu cho ngành này (từ 450 chỉ tiêu lên 550 chỉ tiêu), để điểm xét tuyển theo phương thức xét kết quả thi THPT 2023 của các tổ hợp vào ngành này giảm. Ngoài ra, trường cũng tăng chỉ tiêu cho phân hiệu tại Đắk Lắk (tăng 135 chỉ tiêu), nên điểm chuẩn phân hiệu này phải hạ xuống tuyển đủ chỉ tiêu.

"Điểm chuẩn của một ngành/tổ hợp là bao nhiêu phụ thuộc vào 2 yếu tố: số TS đăng ký NV vào ngành/tổ hợp đó, số chỉ tiêu nhiều hay ít của ngành/tổ hợp đó", tiến sĩ Dương giải thích.

Còn theo GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường này có ngành ít được TS để ý, là giáo dục chính trị. Điểm chuẩn ngành này là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất trường (28,13 điểm tổ hợp C19 và 27,47 tổ hợp C2) vì chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này quá ít (mỗi tổ hợp 4 chỉ tiêu).

PGS Điền cũng cho rằng sở dĩ điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ngành IT1 (và nhiều ngành IT khác) bị đẩy lên cao là vì chỉ tiêu của các ngành này dành cho phương thức tương ứng là rất ít.

VÌ SAO VẪN PHẢI DÙNG KẾT QUẢ THI tốt nghiệp THTP?

Theo những trường ĐH có các ngành cạnh tranh cao, dẫn đến việc điểm chuẩn ở mức rất cao (từ 27 điểm trở lên) dùng thang đo là kết quả kỳ thi THPT để làm căn cứ xét tuyển ĐH, là không phù hợp.

Đặc biệt kể từ khi Bộ GD-ĐT chủ trương mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp, còn mục đích phát sinh là đủ tin cậy để các trường ĐH sử dụng làm căn cứ xét tuyển ĐH. Với chủ trương này, kể cả mục đích phát sinh làm tốt thì kết quả kỳ thi không thể thỏa mãn nhu cầu phân hóa cao mà trong công tác tuyển sinh của các ngành cạnh tranh cao yêu cầu phải có. "Với một đề thi kiểu như đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay, không một nhà giáo dục nào dám khẳng định em được 10 điểm giỏi hơn em được 9 điểm. Với các mốc điểm 9,8 - 10 điểm, thì càng không thể phân biệt, mà chỉ là em này may mắn hơn em kia. Lấy các con điểm đó để quyết định đỗ trượt của một TS thì đó là một công cụ đánh giá giáo dục phi giáo dục", cán bộ phòng đào tạo một trường ĐH chia sẻ.

Xét tuyển ĐH: Vì sao 14 điểm đỗ, 29 điểm trượt? - Ảnh 3.

PGS Nguyễn Phong Điền cũng cho rằng điểm thi tốt nghiệp THPT là một công cụ không phù hợp với những ngành mà việc tuyển chọn có tính cạnh tranh cao.

Còn GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng từ lâu các trường y dược muốn tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành này. Tuy nhiên, nếu 2 năm nữa, các trường y dược vẫn không cùng nhau quyết được thì Trường ĐH Y Hà Nội cũng sẽ phải tính đến phương án tổ chức kỳ thi riêng cho trường mình.

Những yếu tố khiến điểm chuẩn năm nay không chạm trần

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, năm nay điểm chuẩn một số ngành không vọt lên còn có nguyên nhân từ việc phần mềm tự chọn tổ hợp tối ưu cho TS. Ông Sơn nêu ví dụ: "Giả sử một trường ĐH A lấy ngành X có 2 khối A và C, mỗi khối 50 chỉ tiêu. Nếu TS tự chọn tổ hợp, điểm chuẩn sẽ phụ thuộc nhiều vào số lượng các em đăng ký ở mỗi tổ hợp. Nhưng nếu để phần mềm tự chọn, thì sẽ tối ưu hóa tương tự như mỗi em đều chọn cả 2 tổ hợp, trượt tổ hợp này sẽ sang tổ hợp khác và vì thế điểm chuẩn sẽ công bằng hơn, khả năng trúng tuyển của em đó sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc sẽ khó có tổ hợp nào điểm quá cao".

Ông Sơn cho rằng xét tuyển công bằng hơn thì sẽ giảm chênh lệch bất hợp lý, đương nhiên sẽ giảm điểm chuẩn cao nhất, cùng với điều chỉnh điểm ưu tiên sẽ tạo ra tác động điểm chuẩn không chạm trần.

Cách tính điểm chuẩn đặc biệt của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sử dụng phương thức kết hợp nhiều tiêu chí để xét tuyển. Phương thức này đánh giá TS dựa trên nhiều tiêu chí bao gồm: kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM/ĐH Quốc gia Hà Nội, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT và các thành tích cá nhân khác bao gồm các giải thưởng học thuật, thành tích hoạt động xã hội, văn thể mỹ.

Trong đó, điểm thi tốt nghiệp được tính theo điểm tổ hợp 3 môn, học lực THPT tính theo điểm trung bình 3 môn của 3 năm học. Điểm xét tuyển = [Điểm thi đánh giá năng lực quy đổi] x 75% + [Điểm thi tốt nghiệp THPT quy đổi] x 20% + [Học lực THPT] x 5% (công thức này chưa tính điểm cộng thêm).

H.Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.