Khác với đợt 1, suốt 10 ngày của xét tuyển đợt 2 không khí tuyển sinh của các trường còn thiếu chỉ tiêu khá đìu hiu, kể cả các trường công lập.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào một trường ĐH ở TP.HCM ngày 7.9 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
“Không hiểu tại sao năm nay lại khó tuyển thế”
Theo quan sát của PV Thanh Niên, đến nay đơn vị “dư giả” lượt hồ sơ đăng ký xét tuyển là Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải (Hà Nội). Sau đợt 1, trường thiếu khoảng 800 chỉ tiêu, trong khi đó hồ sơ đăng ký xét tuyển mà trường nhận được là khoảng 2.500. Điều đặc biệt là số thí sinh (TS) điểm cao (từ 20 điểm trở lên) còn nhiều hơn đợt 1.
Nhưng không nhiều trường ĐH công lập được như vậy. Phần lớn chỉ ở mức độ vừa đủ. PGS-TS Nguyễn Đức Khoát, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), cho biết trường đã nhận được khoảng 2.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển, vẫn còn ngành kỹ thuật mỏ và các ngành đào tạo ở cơ sở Quảng Ninh thiếu chỉ tiêu. Trường còn có bậc CĐ với 650 chỉ tiêu nhưng hiện mới tuyển được rất ít.
PGS-TS Bùi Trần Anh Đào, Trưởng ban Đào tạo Học viện Nông nghiệp VN, cho biết trường đã nhận 2.200 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu còn thiếu là 2.000. Ông Đào lo ngại: “Con số đó là ảo nên liệu có đủ hay thiếu thì phải đến ngày gọi TS trúng tuyển nhập học mới biết. Đợt này mỗi TS đồng thời được đăng ký xét tuyển 3 trường. Chúng tôi dự báo ảo cũng phải 50 - 50. Trong trường hợp thiếu nhiều quá thì có thể trường phải tiếp tục xét tuyển”.
Một trong những trường nhận được ít hồ sơ nhất so với số lượng chỉ tiêu còn thiếu hiện nay là Trường ĐH Lâm nghiệp. Cơ sở đào tạo phía bắc của trường hiện còn thiếu 1.500 chỉ tiêu nhưng số hồ sơ mới nhận được khoảng gần 700. Ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo, băn khoăn: “Chúng tôi không hiểu tại sao năm nay lại khó tuyển thế! Mọi năm chúng tôi vẫn phải tuyển sinh đợt 2, nhưng đến cuối đợt là thừa chỉ tiêu. Năm nay, theo như phán đoán của chúng tôi thì lẽ ra mức độ nhộn nhịp không kém gì đợt 1. Nhưng thực tế lại rất ảm đạm, khác hoàn toàn so với dự đoán. Không hiểu TS đi đâu?”.
Không khí xét tuyển tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng rất ảm đạm. Ở đợt này trường thông báo tuyển 71 chỉ tiêu các ngành theo tổ hợp khối H, V và 48 chỉ tiêu khối A (cho cơ sở đào tạo tại Cần Thơ và Đà Lạt). Tuy nhiên, đến nay trường chỉ nhận được trên 100 hồ sơ xét tuyển theo tổ hợp khối A. Đáng lưu ý, tính chung cả 2 cơ sở trên thì số TS nộp hồ sơ theo 2 tổ hợp xét tuyển khối H và V mới chỉ có 4 bộ. Nói về điều này, đại diện nhà trường buồn so: “TS điểm cao ngay nguyện vọng 1 đã tìm cách nộp hồ sơ vào các trường khác hết rồi. Vậy nên dù ngày cuối cùng nhưng không có TS nào nộp hồ sơ”. Ở các ngành ít TS trúng tuyển, TS có thể vẫn nhập học đúng ngành nhưng sẽ phải đăng ký học ghép môn ở năm đầu tiên.
Nhiều ngành học không thể mở lớp
Đa số các trường ngoài công lập vẫn phải xét tuyển đợt kế tiếp.
Các ngành khối kinh tế của Trường ĐH Hoa Sen (marketing, nhân sự, kế toán, quản trị khách sạn) có số lượng TS nộp hồ sơ vào nhiều gấp đôi, gấp ba so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, lo ngại trước tình hình hồ sơ ảo đợt này nên điểm trúng tuyển các ngành có thể chỉ bằng điểm xét tuyển. Dự kiến, trường sẽ xét tuyển tiếp cho khối ngành khoa học công nghệ (công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, mạng máy tính, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường, hệ thống thông tin quản lý, toán ứng dụng) và thiết kế (đồ họa, thời trang, nội thất). Mỗi ngành khoảng 40 chỉ tiêu.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã chốt điểm chuẩn xét tuyển bổ sung đợt 1 các ngành bậc ĐH từ 16 - 18 và CĐ 12. Dù đã đủ hồ sơ so với chỉ tiêu cần tuyển bậc ĐH nhưng trường này vẫn sẽ tiếp tục xét khoảng 5 - 10 chỉ tiêu mỗi ngành để tránh hiện tượng TS trúng tuyển mà không nhập học.
Trường ĐH Lạc Hồng đã tuyển được khoảng 2/3 chỉ tiêu trong đợt vừa qua. Trường công bố điểm trúng tuyển bằng với điểm sàn và xét tuyển thêm tất cả các ngành với 300 chỉ tiêu.
Điểm trúng tuyển bậc ĐH của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: dược học (18 điểm), xét nghiệm (16 điểm). Các ngành khác lấy bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Ở phương thức xét học bạ THPT, bậc ĐH: dược học (21 điểm), xét nghiệm (19 điểm), các ngành khác lấy 18 điểm, bậc CĐ lấy 16,5 điểm. Trường nhận được hơn 1.200 hồ sơ. Số lượng này chưa đủ so với chỉ tiêu. Vì vậy, trường xét tuyển tiếp 555 chỉ tiêu bậc ĐH và 450 bậc CĐ theo 2 phương thức cho các ngành: mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc, giáo dục thể chất, kinh tế, du lịch, khoa học xã hội, kỹ thuật, xây dựng, khoa học môi trường, điện tử - viễn thông, điều dưỡng, xét nghiệm y học…
Điểm trúng tuyển bổ sung bậc ĐH Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF): 18 (marketing), 17 (tài chính - ngân hàng), 16,5 (kế toán), 16 (luật kinh tế, ngôn ngữ Anh), 15,5 (quản trị kinh doanh), 15 (công nghệ thông tin). Bậc CĐ: 12 điểm. Trường xét tuyển tiếp với 220 chỉ tiêu bậc ĐH và 130 chỉ tiêu bậc CĐ.
Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định mới nhận được khoảng trên 50% hồ sơ so với 900 chỉ tiêu. Trường thông báo xét tuyển thêm khoảng 400 chỉ tiêu với mức điểm xét bằng sàn. Riêng bậc CĐ sau 2 đợt xét tuyển trường mới nhận được trên 20 hồ sơ cho các ngành. Đại diện nhà trường lo ngại: “Với tình trạng hồ sơ quá thấp như vậy, có thể các ngành bậc CĐ không thể mở lớp giống như năm ngoái”.
Điểm chuẩn cao hơn mức xét tuyển
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nhận được trên 200 hồ sơ xét tuyển với mức điểm trên dưới 20 vào ngành bảo dưỡng công nghiệp (bậc CĐ). Với chỉ tiêu 50, điểm chuẩn sẽ cao hơn mức điểm xét tuyển.
Tương tự, một số ngành của Trường ĐH Văn Lang như: quản trị kinh doanh nhận được 350 hồ sơ (80 chỉ tiêu), kế toán 340 (100), tài chính - ngân hàng 270 (90), ngôn ngữ Anh 160 (40)... Với số lượng hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu, điểm chuẩn sẽ cao hơn từ 1 - 2 so với điểm xét tuyển. Trường sẽ không xét tuyển bổ sung đợt 2.
|
Bình luận (0)