Từ ngày 25 - 27.5, Báo Thanh Niên có loạt bài phản ánh dư luận xôn xao về việc một số trường ĐH đưa các tổ hợp có môn văn vào tuyển sinh ngành y khoa. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh - đào tạo ĐH nói chung, ngành y nói riêng, cho rằng đó là tổ hợp "lạ" đối với tuyển sinh ngành y, đồng thời lo ngại nguy cơ chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Trả lời Thanh Niên trên số báo ra ngày 27.5, đại diện Cục Khoa học Công nghệ - Đào tạo, Bộ Y tế, cho rằng các trường có quyền chọn tổ hợp để tuyển sinh khối ngành sức khỏe nhưng cần có trách nhiệm với thí sinh (TS) để tuyển sinh, đào tạo có chất lượng. Đồng thời đại diện Bộ Y tế cho rằng các trường ĐH đó có trách nhiệm giải trình căn cứ của việc lựa chọn này.
Hôm qua (28.5), bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, đã chia sẻ với báo chí quan điểm của bộ này về việc một số trường ĐH dùng tổ hợp có môn văn để tuyển sinh ngành y khoa.
BỘ GD-ĐT SẼ RÀ SOÁT PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, trong cuộc bàn luận về môn văn trong tổ hợp tuyển sinh y khoa ở một số trường ĐH tư thục, ý kiến các chuyên gia, các trường đào tạo về y khoa trong vấn đề chuyên môn này là rất quan trọng, là tín hiệu rất tích cực. Bên cạnh đó, các trường ĐH liên quan cũng tiến hành trao đổi, giải trình với xã hội, với TS, với cơ quan quản lý nhà nước… Điều này thể hiện tính tích cực, toát lên tinh thần tự chủ ĐH, đi đôi với trách nhiệm giải trình.
"Bộ GD-ĐT luôn lắng nghe, tiếp thu để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Do vậy, Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao việc cơ quan báo chí đã truyền tải tiếng nói chuyên môn của các chuyên gia, ý kiến từ các trường đào tạo y khoa… Đây là các góc nhìn rất quan trọng đối với các cơ quan hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, qua các ý kiến, tiếng nói của các cơ quan chuyên môn, của các chuyên gia, gia đình, phụ huynh và TS có thêm các thông tin đa chiều để nghiên cứu, lựa chọn", bà Thủy nêu ý kiến.
Cũng theo bà Thủy, quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD-ĐT đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với TS theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà TS cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.
"Suy cho cùng, yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm chính là chất lượng đào tạo của các trường. Các trường có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, và về lâu về dài chắc chắn TS sẽ không lựa chọn vào học. Do vậy, một lần nữa khẳng định các kênh thông tin và các hệ quả lâu dài dự báo sẽ có tác dụng tích cực, giúp các trường tự điều chỉnh, hoàn thiện", bà Thủy bình luận.
VAI TRÒ CỦA BỘ Y TẾ ĐẾN ĐÂU ?
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng liên quan tới việc các trường ĐH dùng tổ hợp có môn văn để xét tuyển ĐH ngành y khoa, vai trò của Bộ Y tế cũng đặc biệt quan trọng.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 436/QĐ-TTg (QĐ 436) ban hành kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia VN đối với các trình độ của giáo dục ĐH giai đoạn 2020 - 2025, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành sức khỏe.
Sức khỏe và giáo viên là 2 khối ngành được Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn
Lãnh đạo trường ĐH khối y dược nêu trong bài nhấn mạnh: "Theo quy chế tuyển sinh ĐH mà Bộ GD-ĐT ban hành, chỉ có 2 khối ngành được Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) là khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên. Qua đó cho thấy chính Bộ GD-ĐT cũng ý thức được tầm quan trọng của chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe. Nếu qua dư luận xã hội, các trường liên quan tự điều chỉnh thì rất quý. Còn nếu không, các bộ GD-ĐT, Y tế nên phối hợp để có giải pháp hợp lý, đừng để người học phải mất thời gian 6 năm trải nghiệm oan uổng".
Trong Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT (ban hành ngày 22.6.2021), Bộ GD-ĐT cũng đã quy định về chuẩn chương trình đào tạo. Theo đó, chuẩn chương trình đào tạo là bao gồm chuẩn đầu vào, các yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo. Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo. Khi quy định về chuẩn đầu vào, cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.
"Có thể thấy chuẩn chương trình đào tạo là rất quan trọng đối với các lĩnh vực ngành đào tạo cụ thể. Khi xây dựng chuẩn này phải có sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các bên liên quan, trong đó có đại diện các cơ sở đào tạo, giới sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn. Cần có tham khảo, đối sánh với mô hình, chuẩn hoặc tiêu chuẩn đối với các chương trình đào tạo của các nước hoặc các tổ chức quốc tế liên quan. Đồng thời bảo đảm quyền tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo", bà Thủy chia sẻ.
CHƯA CÓ CHUẨN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KHỐI NGÀNH SỨC KHỎE
Được biết, đến nay chưa có chuẩn đào tạo trình độ ĐH cho khối ngành sức khỏe, nhưng đây cũng là thực trạng chung của các khối ngành khác. Theo QĐ 436, các bộ, ngành sẽ phải xây dựng được chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành mà mình được giao phụ trách (thực hiện thông qua hội đồng tư vấn do bộ/ngành mình chủ trì thành lập), sau đó trình Bộ GD-ĐT trong quý 4/2022 để thẩm định, ban hành. Bộ GD-ĐT thành lập các hội đồng thẩm định để thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục ĐH, hoàn thành trong quý 3/2023.
Một lãnh đạo trường ĐH khối y dược cho biết cho đến nay Bộ Y tế cũng chưa triển khai xây dựng được chuẩn chương trình đào tạo cho khối ngành sức khỏe. Mặt khác, dẫu các bộ liên quan thực hiện nhiệm vụ theo đúng tiến độ mà hiện tại (quý 2/2023) chưa có chuẩn đào tạo trình độ ĐH ngành sức khỏe thì cũng phù hợp với tiến độ được quy định trong QĐ 436. Để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế, Bộ Y tế cần phải có sự chuẩn bị tích cực hơn, để sớm trình Bộ GD-ĐT chuẩn đào tạo các trình độ khối ngành sức khỏe. Nhưng trong giai đoạn bản lề này, Bộ GD-ĐT cũng cần thể hiện quan điểm mạnh mẽ trong việc yêu cầu các trường ĐH phải thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh.
Bình luận (0)