Ngày 28.11, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Đức Hiệt (74 tuổi) 16 năm tù về tội “buôn lậu”, “đưa hối lộ”, xảy ra tại Công ty TNHH Tân Trường Sanh vào năm 1997.
HĐXX nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng; bị cáo phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã nên cần xử lý nghiêm.
Bị cáo Trần Đức Hiệt là đồng phạm trong vụ án buôn lậu, môi giới hối lộ, nhận hối hộ… xảy ra tại Công ty TNHH Tân Trường Sanh (gọi tắt Công ty Tân Trường Sanh), do Trần Đàm và Trần Quang Vũ (con Trần Đàm, vẫn đang bị truy nã) chủ mưu, đã được cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử vào năm 1999.
Riêng bị cáo Trần Đức Hiệt bỏ trốn, bị truy nã đến ngày 21.2.2023, thì bị bắt.
Theo cáo trạng, từ tháng 2.1997 đến tháng 8.1997, Trần Đức Hiệt có hành vi giúp sức cho cha con Trần Đàm làm thủ tục nhập lậu 130 container hàng điện tử, điện lạnh trị giá hơn 319 tỉ đồng thông qua 6 doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, để thực hiện trót lọt hành vi buôn lậu, và dưới sự phân công của Trần Đàm, thì bị cáo Trần Đức Hiệt đã đưa hối lộ cho 18 cán bộ hải quan ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Long An, với tổng số tiền 636,5 triệu đồng.
Bỏ trốn ra sao?
Theo hồ sơ vụ án, ngày 20.9.1997, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an khởi tố vụ án Tân Trường Sanh. Sau đó Trần Đức Hiệt bỏ trốn, nên ngày 4.12.1997, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với bị can này.
Quá trình bỏ trốn, từ tháng 11.1997, Trần Đức Hiệt đi bằng đường bộ sang Campuchia, làm giả giấy tờ tùy thân và hộ chiếu Campuchia với một tên khác.
Từ tháng 1.1998 đến tháng 12.1999, Trần Đức Hiệt sang Cộng hòa Dominica học và làm nghề nail (làm móng tay, chân), và có quốc tịch Dominica.
Từ tháng 1.2000 đến tháng 10.2021, Trần Đức Hiệt sang Cộng hòa Venezuela sinh sống. Sau đó bị bệnh nên muốn trở về Việt Nam sinh sống.
Từ tháng 12.2021, Trần Đức Hiệt đi về Việt Nam sinh sống nhiều nơi. Đến tháng 11.2022, bị cáo ở tại một căn hộ chung cư Q.12, TP.HCM. Đến ngày 21.2.2023 thì bị bắt.
Bị truy nã đặc biệt nhưng được tòa tuyên bố đã chết
Năm 1999, TAND TP.HCM xét xử vụ án Trần Đàm (Giám đốc Công ty Tân Trường Sanh) và 73 bị cáo về các tội buôn lậu; đưa, nhận hối lộ; cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng... Đây là vụ buôn lậu có quy mô lớn nhất - tính đến thời điểm bị phát hiện.
Liên quan đến vụ án có 32 cán bộ điều tra, hải quan, cảnh sát bị xét xử về tội nhận hối lộ.
Trần Đàm cùng đồng phạm nhập lậu vào Việt Nam 544 container hàng kim khí điện máy và 77 ô tô với tổng trị giá gần 1.000 tỉ đồng. Với vai trò đồng phạm, Vũ đã móc nối với nhiều người đưa tiền "bồi dưỡng" cho hải quan Cần Thơ để nhập lậu 29 ô tô.
Từng bị tuyên án tử hình, đến năm 2003, ông Trần Đàm được ân giảm rồi ra tù trước thời hạn.
Đến năm 2012 ông Trần Đàm có đơn xin tuyên bố con trai đã chết. Sau đó, TAND Q.3 (TP.HCM) có quyết định tuyên bố vợ chồng Trần Quang Vũ cùng con trai đã chết.
Ngày 25.7.2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên họp tái thẩm và chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND cùng cấp, hủy quyết định của TAND Q.3 về việc cơ quan này tuyên bố vợ chồng Trần Quang Vũ (48 tuổi, ngụ Q.3) cùng con trai của Vũ đã chết, đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự.
Ủy ban thẩm phán nhận định, Vũ đang là đối tượng truy nã đặc biệt trong vụ án Trần Đàm và đồng bọn buôn lậu hàng hóa qua biên giới xảy ra tại Công ty Tân Trường Sanh. Quyết định truy nã đối với Trần Quang Vũ vẫn còn hiệu lực, không thể xem là biệt tích nên ngày 3.8.2012, TAND Q.3 cho rằng Vũ biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống... để từ đó tuyên bố Trần Quang Vũ và vợ con đã chết ngày 27.12.2003 là không đúng.
Xem nhanh 12h ngày 28.11: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)