Xét xử cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên: Thuộc cấp khai gì?

24/12/2019 22:22 GMT+7

Tại phiên tòa xét xử cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên Lê Văn Phước cùng 3 thuộc cấp tham ô tài sản, thuộc cấp khai có bàn bạc tỷ lệ ăn chia tiền tham ô với cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên.

Chiều 24.12, ở phiên xét xử sơ thẩm vụ án cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên Lê Văn Phước cùng 3 thuộc cấp tham ô tài sản, TAND tỉnh Phú Yên tiếp tục xét hỏi bị cáo Trương Công Lộc, phụ trách kế toán và Huỳnh Thị Nhã Nhàn, thủ quỹ TAND tỉnh Phú Yên.

Bản án cho nguyên chánh án TAND tỉnh Phú Yên Lê Văn Phước vì tham ô

Kế toán đưa tiền trực tiếp cho chánh án

Đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên hỏi bị cáo Lộc: “Bị cáo đưa tiền cho bị cáo Phước, việc đưa này bị cáo Nhàn có biết không?". Bị cáo Lộc khai mỗi lần đưa tiền cho bị cáo Phước đều nói với bị cáo Nhàn.

Bị cáo Huỳnh Thị Nhã Nhàn

Đức Huy

“Việc chia tiền thực hiện thế nào? Và đưa như thế nào?”, đại diện Viện KSND hỏi tiếp. Bị cáo Lộc tiếp tục khai việc chia tiền dư từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương đều có thống nhất, tỷ lệ chia là mỗi người 100 triệu đồng.
“Bị cáo là người trực tiếp đưa cho bị cáo Phước. Tiền được bọc lại rồi đưa cho bị cáo Phước. Bị cáo đưa xong tiền thì nói lại với bị cáo Nhàn ngay”, bị cáo Lộc khai. 

Xét xử vụ cựu chánh án TAND tỉnh Phú Yên cùng cấp dưới chiếm đoạt hơn 2,8 tỉ đồng

Đối với khoản tiền lương kê khống, khi ông Vũ Xuân Hải, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên, nghỉ hưu (từ ngày 1.6.2013), bị cáo Lộc biết sai nên đã báo cáo với ông Phước về khoản tiền lương này. Nếu không làm nữa thì sẽ bị Kho bạc Nhà nước phát hiện, nên bị cáo Lộc đề xuất với bị cáo Phước tiếp tục lập khống để chiếm đoạt tiền lương đến hết 2013.
“Lúc này, bị cáo Phước dặn làm cho cẩn thận”, bị cáo Lộc khai tại tòa. Chính vì thế, từ tháng 6.2013 đến 8.2017, số tiền lương khống bị chiếm đoạt hơn 1,1 tỉ đồng. Bị cáo Lộc khai đưa cho bị cáo Phước mỗi tháng từ 6 - 10 triệu đồng. Do sợ bị cáo Ngô Thị Phương Thảo phát hiện nên bị cáo Lộc đã chuyển cho bị cáo Thảo mỗi tháng 2 triệu đồng.
Đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên truy vấn bị cáo Lộc: “Vì sao khoản tiền lương khống của bị cáo Thảo chuyển qua tài khoản, còn bị cáo Phước thì đưa trực tiếp?”. Bị cáo Lộc khai đưa trực tiếp cho bị cáo Phước do sợ bị cáo Phước đóng thuế thu nhập vì lương bị cáo Phước cao. 

Bị cáo Lê Văn Phước được đưa lên xe về nhà tạm giam

Đức Huy

Chia tiền ngân sách như chia “mớ rau”!

Trả lời câu hỏi của các luật sư về việc khi đưa tiền cho bị cáo Phước có chứng từ gì không, ghi âm, ghi hình không, bị cáo Lộc nói: “Tiền tham ô, hối lộ không thể viết giấy tờ mà chỉ đưa ngầm thôi, chứ làm gì có giấy tờ. Tiền này giữa anh em làm ăn, làm gì có chứng cứ”.

Khi các luật sư hỏi bị cáo Lộc có nhớ số tiền đưa cho bị cáo Phước không, bị cáo Lộc khai: “Sau khi quyết toán hằng năm xong thì chia tiền nhau, chứ số tiền lớn quá nhớ không hết được”.

Theo lời khai của bị cáo Lộc, mức tiền chia có thảo luận giữa bị cáo với bị cáo Nhàn và bị cáo Phước. Việc chia này không ghi chép lại vì giữa bị cáo Lộc và bị cáo Phước đã làm việc nhiều năm. “Tiền là bị cáo Nhàn đưa cho bị cáo để bị cáo đưa cho bị cáo Phước, việc đưa này không có ghi âm, ghi hình gì cả”, bị cáo Lộc nói trước tòa.

Đến lượt xét hỏi, bị cáo Nhàn thừa nhận số tiền chiếm đoạt như cáo trạng truy tố. Bị cáo Nhàn khai bao giờ cũng chia cho bị cáo Phước nhiều.

Tại phiên xử, bị cáo Nhàn khai không bàn bạc trực tiếp việc chia tiền ngân sách với bị cáo Phước mà chỉ nghe bị cáo Lộc nói lại và bị cáo Phước đồng ý. “Thủ quỹ làm việc với kế toán trưởng, với chánh văn phòng chứ chưa bao giờ làm việc với chánh án. Khi bị cáo Lộc bảo chia thì chia, còn bị cáo Lộc có báo với bị cáo Phước không thì không biết”, bị cáo Nhàn khai.

Theo bị cáo Nhàn, thủ tục lập khống chứng từ thì bị cáo Lộc làm, còn bị cáo Nhàn chỉ biết chia tiền. Từ năm 2013, tiền tham ô ngân sách chia cho 3 bị cáo: Phước, Lộc và Nhàn. Từ năm 2015, tiền tham ô chia cho 4 bị cáo: Phước, Lộc, Nhàn và Thảo.

Theo bị cáo Nhàn, chuyện lập khống chứng từ để tham ô tài sản xuất phát từ bị cáo Phước ứng tiền mà không trừ ứng nên dẫn quỹ âm. Bị cáo Phước được chia mỗi năm 100 triệu đồng, bị cáo Lộc cũng 100 triệu đồng, riêng bị cáo Nhàn chỉ được chia 50 triệu đồng nên bị cáo thắc mắc và từ năm 2015 mới được thêm 50 triệu đồng nữa.

Bị cáo Lộc khai tại tòa

Đức Huy

“Bị cáo Phước 100 triệu, bị cáo Lộc 100 triệu, nhưng bị cáo chỉ có 50 triệu nên bị cáo nói các anh có khoản khác rồi. Vậy nên sau đó, từ năm 2015 mới chia 100 triệu cho bị cáo. Việc chia thêm này có bàn bạc với bị cáo Lộc”, bị cáo Nhàn khai.

Cũng theo lời khai bị cáo Nhàn, riêng năm 2016, bị cáo Phước được 135 triệu đồng, bị cáo Thảo 20 triệu đồng. Bị cáo Thảo được chia 2 năm là 40 triệu. Bị cáo Lộc là người trực tiếp đưa tiền cho bị cáo Phước và bị cáo Thảo.

Ngày mai 25.12, phiên tòa cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên và thuộc cấp tham ô tài sản tiếp tục xét xử.

Chiếm đoạt ngân sách hàng trăm triệu

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Yên, các bị can Lê Văn Phước, cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên; Trương Công Lộc, phụ trách kế toán; Ngô Thị Phương Thảo, kế toán viên và Huỳnh Thị Nhã Nhàn, thủ quỹ TAND tỉnh Phú Yên, cùng bị truy tố về tội tham ô tài sản.
Tội danh truy tố bị các bị cáo này có khung hình phạt tù từ 15 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Yên xác định: Từ năm 2010 - tháng 8.2017, bị cáo Phước cùng các bị cáo Lộc, Nhàn, và Thảo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách chiếm đoạt hơn 2,8 tỉ đồng mà những người này có trách nhiệm quản lý.
Theo đó, bị cáo Phước thống nhất trong lãnh đạo TAND tỉnh Phú Yên chủ trương xin hỗ trợ kinh phí ngân sách địa phương nên đã chỉ đạo bị cáo Lộc soạn thảo nhiều văn bản trình bị cáo Phước ký xin UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ kinh phí phục vụ chi công tác tập huấn hội thẩm nhấn dân, xét xử lưu động và một số hoạt động khác của TAND tỉnh.
Khi được UBND tỉnh duyệt cấp kinh phí, bị cáo Phước đã chỉ đạo bị cáo Lộc hạch toán cuối năm chứng từ chi công tác tập huấn hội thẩm nhân dân, xét xử lưu động cùng các hoạt động thường xuyên bằng nguồn ngân sách Trung ương giao. Còn nguồn kinh phí do ngân sách địa phương cấp, bị cáo Phước đã chỉ đạo chia nhau, rồi lập khống chứng từ tài liệu để quyết toán, chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng.
Ngoài ra, từ năm 2011 - 2016, bị cáo Phước cùng 3 bị cáo trong vụ án thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách kế toán chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng tiền tạm ứng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.