Ngày 22.8, phiên tòa xét xử các bị cáo trong đại án Bình Dương tiếp tục tranh luận.
Bị cáo khai không tư lợi
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) thừa nhận có sai sót trong vụ án nhưng không tư lợi, mong HĐXX đánh giá tình tiết vụ án để bị cáo có thể sớm trở về với gia đình.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương tự bào chữa tại tòa |
ĐỖ TRƯỜNG |
Theo cáo trạng, năm 2017, với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng ban chỉ đạo (BCĐ) cổ phần hóa Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương), bị cáo Trần Thanh Liêm đã đồng ý để Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) cho Công ty CP bất động sản Âu Lạc, thực chất là chuyển nhượng khu đất 43 ha đất trái quy định, gây thất thoát hơn 984 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2017, bị cáo Liêm ký quyết định đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương đưa 145 ha đất từ danh mục “tài sản đang dùng” thành tài sản “chờ thanh lý” mà không đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát hơn 4.030 tỉ đồng. Viện KSND đã đề nghị mức án từ 9 - 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Liêm cũng khẳng định Tổng công ty Bình Dương xin chuyển nhượng 30% vốn góp bằng tiền chứ không nói đến việc chuyển nhượng phần vốn góp bằng đất (43 ha).
“Thời điểm đó bị cáo cũng xem xét văn bản, nghe tổng công ty trình xin chuyển nhượng phần vốn góp nên nghĩ rằng tổng công ty cần chuyển nhượng vốn góp bằng tiền để đi đầu tư chỗ khác hiệu quả hơn nên bị cáo mới chấp thuận. Bị cáo có sai sót nhưng không tư lợi”, bị cáo Liêm nói.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thanh Liêm tôn trọng việc truy tố thân chủ mình về tội vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đồng ý với bản luận tội của Viện KSND TP.Hà Nội về việc xác định thiệt hại của vụ án đã được khắc phục hoàn toàn, tài sản đã trả lại chủ sở hữu và không đề nghị các bị cáo phải khắc phục, trong đó có bị cáo Liêm. Tuy nhiên, luật sư cho rằng Viện KSND đã đề nghị mức từ 9 - 10 năm tù là quá nghiêm khắc, chưa đánh giá chính xác vai trò, hành vi phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Trần Thanh Liêm.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ
Liên quan bị cáo Nguyễn Đại Dương (Công ty CP bất động sản Âu Lạc) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù, luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại.
Theo cáo trạng, bị cáo Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương) và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội và liên đới gây thất thoát cho Nhà nước số tiền trên 964 tỉ đồng. Quá trình điều tra, Tổng công ty Bình Dương đã nộp trên 252 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, trong đó Công ty Âu Lạc đã nộp gần 127 tỉ đồng.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Dương khẳng định không thông đồng với bố vợ là bị cáo Minh để thành lập Công ty Âu Lạc nhằm nhận chuyển nhượng 43 ha đất. Bị cáo Dương cũng phủ nhận việc nhờ ông Dương Đình Tâm (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đứng tên hộ 45% cổ phần trong Công ty Âu Lạc.
Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Dương, luật sư cho rằng việc truy tố các bị cáo liên quan khu đất 43 ha theo bộ luật Hình sự là không đủ căn cứ. Vị luật sư viện dẫn các chứng cứ là việc HĐQT Tổng công ty Bình Dương ra nghị quyết đồng ý liên doanh với Công ty Âu Lạc không liên quan vai trò của bị cáo Dương. Việc bị cáo Minh chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú năm 2016 mà không xin ý kiến của Tỉnh ủy và không định giá lại quyền sử dụng khu đất 43 ha hoàn toàn không có tác động nào từ bị cáo Dương…
Tiếp tục tự bào chữa chiều 22.8, bị cáo Nguyễn Đại Dương phủ nhận cáo trạng và kêu oan, đồng thời cho rằng cáo trạng chưa đưa ra được chứng cứ nào chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo như cáo trạng đã nêu. Có luật sư bào chữa cho bị cáo Dương còn đề nghị HĐXX tuyên không phạm tội và trả tự do cho người này ngay tại tòa.
Bình luận (0)