Xét xử ‘đại án’ Bình Dương: Nguyễn Đại Dương nói lời sau cùng 'dành cho vợ'

25/08/2022 17:42 GMT+7

Được trình bày lời nói sau cùng tại tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương mong HĐXX cho vợ mình được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt.

Chiều 25.8, trong ngày làm việc thứ 10 của phiên sơ thẩm xét xử 28 bị cáo trong “đại án” Bình Dương, HĐXX cho phép các bị cáo còn lại được nói lời sau cùng, trước khi bước vào nghị án kéo dài.

Xin cho vợ được hưởng khoan hồng

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương ngậm ngùi, xin dành lời sau cùng cho vợ mình, là bị cáo Nguyễn Thục Anh.

Bị cáo Dương nói, dân tộc ta có truyền thống văn hóa. Cha ông ta đã dạy “công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đó. "Việc các bị cáo khắc phục (hậu quả - PV) là lẽ đương nhiên bởi nhân cách của mình, vì truyền thống, đạo đức của dân tộc đã dạy như vậy, vì cha ông đã dạy như vậy. Tôi mong HĐXX cho bị cáo Nguyễn Thục Anh được hưởng một chính sách khoan hồng đặc biệt, để đảm bảo thuần phong mỹ tục, văn hóa cha ông ta truyền lại”, bị cáo Dương trình bày.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương tại phiên sơ thẩm

đỗ trường

Phải bỏ đi họ tên đầy đủ của mình

Trong khi đó, mở đầu lời nói sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thục Anh (cựu chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển) cám ơn người mẹ đã theo dõi phiên tòa xét xử bản thân, bố (bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương) và chồng mình.

Theo bị cáo, trong tâm thức hay hành động của mình không bao giờ muốn thụ hưởng những gì không làm ra, do vậy khi nhận quyết định khởi tố tội tham ô tài sản khiến bản thân không ngờ tới. “Bị cáo tin ba, ba sai phạm thì phải chịu trách nhiệm, không trốn tránh. Là đứa con gái yêu quý nhất của ba, nghiệp của ba mình phải gánh cùng. Bị cáo cùng ba khắc phục, dù mất đi hết tài sản cũng để ba có thể thể hiện trách nhiệm với Tổng công Bình Dương. Bị cáo ý thức ba bị cáo là đứng đầu, là anh cả của Tổng công ty Bình Dương nên phải chịu trách nhiệm cao nhất”, bị cáo Thục Anh nói.

Thục Anh trình bày, hoài bão của mình là được phục vụ trong ngành y và Bệnh viện Hạnh Phúc là nơi bị cáo đã dùng 15 năm đẹp nhất của đời người để phục vụ. Tuy nhiên, cuối năm 2019, khi nhận quyết định khởi tố vụ án, Thục Anh phải buộc rời xa Bệnh viện Hạnh Phúc vì không muốn dư luận xấu làm ảnh hưởng bệnh viện.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh

đỗ trường

Đến đầu năm 2020, bị cáo được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của một tập đoàn tư nhân về y tế, với mức lương gấp 3 lần ở Bệnh viện Hạnh Phúc, nhưng chỉ 2 năm sau lại phải từ bỏ ước mơ tại tập đoàn này khi nhận quyết định khởi tố bị can vào năm 2022.

"Khi làm việc ở một tập đoàn kinh tế lớn và lần đầu tiên trong đời bị cáo phải tạm bỏ đi họ tên đầy đủ của mình, chỉ sử dụng tên viết tắt là Nguyễn T.A nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến công ty vì không có một tổ chức nào có thể chấp nhận rủi ro khi lãnh đạo cấp cao bị truy tố tội tham ô tài sản", bị cáo Thục Anh trình bày.

Nói tiếp, bị cáo Thục Anh cho rằng 2 năm vừa qua là chuỗi ngày địa ngục đối với gia đình khi ba, chồng rồi đến bản thân mình liên tiếp bị khởi tố. Cứ mỗi ngày bước ra khỏi nhà theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, bị cáo luôn phải xác định là không thể trở về nhà, phải giao 2 con của mình cho chị gái mình chăm sóc.

“Suốt 2 năm qua, con hỏi bị cáo đi đâu, bị cáo đã trả lời là mẹ đi thi, một kỳ thi rất đặc biệt, đặc biệt nhất trong đời, kết quả mà bị cáo luôn mong mỏi ở những người cầm cân nảy mực, công tâm, nhân văn, chính là sự tự do để được tiếp tục cống hiến và là một lý lịch trong sạch cho 2 con của mình”, bị cáo Thục Anh kết thúc 8 phút nói lời sau cùng của mình.

Sau khi cho 28 bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX bước vào nghị án kéo dài và thông báo sẽ tuyên án vào 14 giờ chiều 30.8.

Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Minh bị cáo buộc là chủ mưu, bị xét xử và bị đề nghị mức án tổng cộng 29 - 30 năm tù về 2 tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “tham ô tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, với cáo buộc đã giúp sức bố vợ thâu tóm rồi bán "đất vàng" cho tư nhân.

Bị cáo Nguyễn Thục Anh bị xét xử về tội “tham ô tài sản”, với cáo buộc cùng bố tham ô tài sản của Tổng công ty Bình Dương. Bị cáo Thục Anh bị đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị mức án từ 3 - 4 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.