Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng VNCB) khai tại thời điểm tháng 7.2012, VNCB lỗ lũy kế khoảng 8.000 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.800 tỉ đồng; các khoản nợ cho vay khoảng 13.000 tỉ đồng, trong đó có 95% nợ thuộc diện khó đòi, không có khả năng thu hồi. Khi về quản lý VNCB, Mai thật sự sốc, không chỉ sốc vì số liệu tài chính lỗ “khủng” mà còn ở số tiền chi phí chăm sóc khách hàng quá lớn. “Theo quy định nhà nước, lãi suất thời điểm đó khoảng 8% nhưng tại VNCB thì lại phụ thuộc vào thỏa thuận với khách hàng nên lãi suất luôn trên 13%/năm. Số tiền chênh lệch này sẽ được chi cho khách hàng ngay khi có tiền gửi, với tên gọi là chi phí chăm sóc khách hàng. Các khoản chi này không được ghi vào sổ sách”, bị cáo Mai khai.
Theo bị cáo, tiền “chăm sóc khách hàng” ban đầu Phạm Công Danh tự bỏ tiền túi ra chi để thu hút tiền gửi. Tuy nhiên, sau khi đã sử dụng nhiều cách vẫn không vực NH dậy được, Danh đã lên kế hoạch sử dụng tiền của NH để chi chăm sóc khách hàng. Do không thể rút tiền NH ra bằng cách bình thường nên phải nghĩ ra nhiều cách hợp thức hóa việc rút tiền, trong đó việc đầu tiên là lợi dụng đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking (đã được Chính phủ phê duyệt) để rút tiền, nhằm qua mặt Ban Kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Khi đã thống nhất chủ trương, Phạm Công Danh chỉ đạo lập nên các doanh nghiệp “ma” và đưa các công ty này vào ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống CoreBanking để thực hiện việc rút hơn 63 tỉ đồng. Trong đó, có Công ty TNHH dịch vụ và thương mại JSC An Phát (Công ty An Phát) do Phạm Việt Thép làm giám đốc.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, Phạm Việt Thép khai cuối năm 2012 khi đang là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh thì được Danh đưa về làm Giám đốc Công ty An Phát. Thép không hề hay biết công ty này hoạt động ở lĩnh vực gì, được lập ra để làm gì mà chỉ làm theo chỉ đạo của Danh. Từ chỉ đạo của Danh, Thép đã ký hợp đồng với VNCB cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống CoreBanking, giúp Danh rút hơn 63 tỉ đồng.
Tương tự, đối với việc ký khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành (TP.Đà Nẵng), bị cáo Mai cũng khai biết các hợp đồng này là khống nhằm lấy tiền của VNCB, nên ký mà không cần biết công ty đối tác là ai, tiền đi đâu.
Cũng để rút tiền, Danh chỉ đạo lập ra Công ty Trung Dung và cho Nguyễn Văn Bình, nguyên nhân viên lái xe cho Tập đoàn Thiên Thanh làm tổng giám đốc. Tại tòa, Bình khai không hề biết công ty được lập ra để làm gì, hoạt động ra sao; thậm chí còn không biết công ty có trụ sở ở khu đất 286 Tô Hiến Thành, nhưng vẫn ký hợp đồng cho TrustAsset (thành viên của VNCB) thuê trụ sở này, từ đó giúp Danh rút hơn 201 tỉ đồng từ VNCB.
Hôm nay 22.7, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi.
HĐXX cũng thẩm vấn nhiều bị cáo khác như Mai Hữu Khương (thành viên HĐQT VNCB), Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban Kiểm soát VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang), Phan Minh Tùng (phụ trách tổ kế toán Tập đoàn Thiên Thanh), Bạch Quốc Hào (nguyên Phó giám đốc Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản VNCB - TrustAsset) về các vấn đề có liên quan đến việc ủy thác đầu tư 900 tỉ đồng mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty CP quản lý quỹ Lộc Việt. Các bị cáo đều khai do một mình Phạm Công Danh chỉ đạo và sắp đặt, họ chỉ là người làm thuê, thừa hành lệnh của Danh ký các hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ để giúp Danh rút tiền.
|
Bình luận (0)