Xét xử đại án VNCB: Báo cáo tài chính của CB Bank đúng nhưng không đủ ?

24/01/2018 08:48 GMT+7

Trong phần tự bào chữa bổ sung, bị cáo Phan Thành Mai nêu một số nội dung mới liên quan đến 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ mà các bị cáo đề nghị được đối trừ thiệt hại hoặc CB Bank (VNCB cũ) trả lại.

Hôm qua (23.1), các luật sư (LS) tiếp tục tranh luận trong vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 ngân hàng: VNCB, Sacombank, TPBank, BIDV, gây thiệt hại cho VNCB trên 6.126 tỉ đồng.
Trong ngày, các LS bào chữa cho các bị cáo nguyên lãnh đạo VNCB: Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Đình Tùng và một số LS bào chữa cho các bị cáo là giám đốc “ảo” đứng tên các công ty do Phạm Công Danh thành lập để vay tiền tại Sacombank, BIDV, TPBank, lần lượt tranh luận tại tòa. Theo đó, các LS này đều đề nghị HĐXX xem xét vai trò đồng phạm của các bị cáo mờ nhạt, từ đó có mức hình phạt nhẹ hơn mức đề nghị của đại diện Viện KSND TP đưa ra.
Ngoài ra, trong phần tự bào chữa bổ sung, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đã nêu một số nội dung mới liên quan đến khoản tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ mà Phạm Công Danh và các bị cáo đề nghị được đối trừ thiệt hại trong vụ án hoặc CB Bank (VNCB cũ) trả lại.
Bị cáo Mai trình bày: “Thứ nhất, cơ bản 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ là có. Thứ hai, 4.500 tỉ đồng còn tồn tại hay không khi bị cáo bị bắt. Bị cáo xin khẳng định là tồn tại. Theo bảng cân đối kế toán vào ngày 31.5.2014, tổng tiền mặt của VNCB là 7.900 tỉ đồng. Tại sao bị cáo lấy số liệu 31.5.2014, bởi thời điểm 5.5.2014 là thời điểm cuối cùng tất cả những vi phạm của bị cáo. Từ 31.5.2014 trở đi bị cáo không còn sai sót nào về mặt nghiệp vụ nữa. Hơn nữa, bị cáo dám chắc rằng đến thời điểm bị cáo bị bắt là ngày 29.7.2014, tiền mặt trên VNCB còn trên 5.000 tỉ đồng. Bị cáo nhớ vì thời điểm đó bị cáo đang đợi văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời cho bị cáo rút lại 4.500 tỉ đồng, vì NHNN không đồng ý việc VNCB tăng vốn điều lệ”.
“Thêm một số liệu khác, trong báo cáo của CB Bank, ngân hàng này chứng minh rằng không còn 4.500 tỉ đồng vì từ ngày 14.2.2014 - 26.7.2014 (ngày khởi tố vụ án - PV), có khoảng 80.000 tỉ đồng đi vào tài khoản VNCB tại Sở Giao dịch NHNN. Đến cuối ngày 26.7.2014, có khoảng 81.000 tỉ đồng đi ra khỏi tài khoản VNCB. Vì dòng tiền đi vào, đi ra quá lớn nên khi đã hòa chung thì không thể tính được 4.500 tỉ đồng sử dụng vào đâu. Đây là báo cáo đúng nhưng chỉ đúng một phần. 81.000 tỉ đồng đi ra nhưng không phải là ra khỏi ngân hàng mà chuyển sang các tài khoản khác có kỳ hạn của chính CB Bank tại các tổ chức tín dụng khác, nó không ra khỏi CB Bank. Vì vậy 81.000 tỉ đồng đi ra cũng không phải là mất mà nó chuyển sang các tài khoản khác. Các tài khoản khác này lại không được CB Bank đề cập gì trong báo cáo nên có thể đã gây hiểu lầm tại phiên tòa. Cũng như việc CB Bank nêu tiền mặt tại tài khoản Sở giao dịch 2 NHNN chỉ còn 526 tỉ đồng cũng không có ý nghĩa mà phải là tổng các khoản tiền trên tất cả các tài khoản tại các tổ chức tín dụng thì mới có ý nghĩa”, Mai tự bào chữa.
Từ những trình bày bổ sung trên, bị cáo Mai đề nghị HĐXX xem xét lại khoản tiền 4.500 tỉ đồng có đối trừ hay không vì: “Đối với bị cáo, số tiền này còn là danh dự của bị cáo. Bị cáo không làm mất khoản tiền này vì đó là trách nhiệm trực tiếp của bị cáo và địa chỉ của nó là cụ thể, không nghiễm nhiên mất đi được. Khoản tiền này phải hạch toán ngược trở về tại tài khoản treo dùng cho 22 cổ đông, trả lại cho họ. Bị cáo rất hiểu khó khăn của CB Bank bây giờ, tất cả vấn đề bị cáo phải đối mặt họ cũng đang phải đối mặt…”.
Hôm nay 24.1, các LS tiếp tục phần tranh luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.