Ngày 4.6, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đối với 8 bị cáo trong đường dây cho vay lãi nặng. Theo đó, bị cáo Đào Xuân Thắng (34 tuổi, quê Hải Phòng) bị tòa phạt 2 năm 7 tháng tù về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Tổng hợp với bản án trước đó, hình phạt chung mà Thắng phải chấp hành là 5 năm 9 tháng tù. Tuyên phạt Thắng nộp phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Cùng về tội danh "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", bị cáo Phạm Thị Thúy Hằng (vợ Thắng) bị phạt 2 năm tù treo; 6 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên 3 bị cáo được hưởng án treo, 1 bị cáo bị phạt 1 tỉ đồng, 2 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 - 2 năm tù. Đồng thời, HĐXX tuyên phạt mỗi bị cáo nộp phạt bổ sung 30 triệu đồng (trừ bị cáo bị tuyên hình phạt chính là phạt tiền 1 tỉ đồng - PV).
Theo HĐXX, các bị cáo đã thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với mức lãi suất rất cao, thu lợi bất chính với số tiền lớn nên cần xử lý nghiêm.
Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, trong đó bị cáo Thắng khai tìm kiếm khách hàng vay trên Facebook và thông qua môi giới bất động sản, giao dịch cho vay rất nhiều khoản với các cá nhân nên không nhớ chính xác số tiền của từng khoản vay. Bị cáo này cũng khai số tiền cho vay là của hai vợ chồng và của một số bị cáo khác trong vụ án góp chung để cho khách vay.
Những người vay tiền của nhóm này được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đều vắng mặt tại phiên tòa.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 5.2020, Thắng thuê chung cư tại xã Phước Kiển, H.Nhà Bè để thực hiện hành vi cho vay lãi nặng. Thắng trực tiếp điều hành, chỉ đạo hoạt động cho vay, quyết định các khoản vay, hình thức cho vay, lãi suất vay.
Giúp sức cho Thắng có vợ Thắng là Phạm Thị Thúy Hằng, cùng các bị cáo Trần Văn Chung, Trần Hồng Giang, Đoàn Văn Thuận, Nguyễn Văn Luyện, Hoàng Đăng Dũng, Đỗ Quốc Dũng, có nhiệm vụ kiểm tra các khoản vay, chuyển tiền và thu hồi nợ.
Để có nguồn khách hàng vay vốn Thắng thông qua môi giới bất động sản giới thiệu khách và chạy quảng cáo trên Facebook, lập các nhóm Zalo để tìm kiếm, trao đổi với khách hàng.
Người vay để lại CCCD, giấy phép lái xe, hộ khẩu để làm tin và viết giấy vay nợ. Đối với các khoản vay lớn Thắng yêu cầu người vay viết giấy tờ thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản hoặc hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản như ô tô, nhà cửa nhằm đảm bảo cho khoản vay.
Khi khoản vay đến hạn mà người vay không trả thì nhóm của Thắng cho vay khoản vay mới để tất toán gốc và lãi cho khoản vay cũ. Cạnh đó, mỗi khi vay tiền nhóm này yêu cầu người vay phải trả phí vay từ 5 - 10% của khoản vay và thu trước tiền gốc từ 1 - 3 ngày.
"Cắt đầu, cắt đuôi" khi cho vay
Đáng chú ý, trong số những người vay tiền của Thắng có anh L. Kết quả điều tra xác định trong khoảng thời gian từ ngày 28.10.2020 đến ngày 28.4.2021, các bị cáo Thắng, Trung, Dũng đã góp tiền cho anh L. vay 18 khoản vay với tổng số tiền 16,2 tỉ đồng với lãi suất từ 282% - 1.500%/năm.
Nhóm của Thắng đã thu trước tiền phí vay từ 5 - 10% của khoản vay với tổng số tiền là 1,4 tỉ đồng và thu gốc từ 1 - 3 ngày. Do vay số tiền lớn và không có tiền chi trả khi đến hạn anh L. đã vay các khoản vay mới để trả tiền gốc và lãi cho khoản vay trước.
Tổng số tiền anh L. thực nhận chỉ 7,3 tỉ đồng, thực trả 5,6 tỉ đồng, đến ngày 5.5.2021, Thắng chốt lại số tiền anh L. còn nợ là 11,8 tỉ đồng, nhưng Thắng giảm xuống còn 9 tỉ đồng.
Người khác vay tiền của nhóm Thắng là anh S. Quá trình điều tra xác định, từ tháng 1.2021 đến tháng 5.2021 tổng số tiền nhóm Thắng cho anh S. vay là 12,3 tỉ đồng với mức lãi suất 421% - 454%/năm. Thực tế anh S. nhận được 5,7 tỉ đồng và đã trả số nợ với tổng số tiền 6,7 tỉ đồng. Số tiền thu lợi bất chính mà nhóm của Thắng cho anh S. vay là 4,6 tỉ đồng.
Ngoài hai người trên, nhóm của Thắng còn cho nhiều người khác vay với số tiền vài trăm triệu đồng/người.
Tổng số tiền mà các bị cáo này đã thu lợi bất chính từ hành vi cho vay lãi nặng là hơn 10,5 tỉ đồng.
Bình luận (0)