(TNO) Chiều 15.12, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietinbank chi nhánh TP.HCM) cùng 22 đồng phạm thực hiện.
Bị cáo Huyền Như trong phòng xử
|
Sẽ triệu tập Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM nếu cần thiết
Sau khi xem xét các kiến nghị của các luật sư trong phần thủ tục sáng cùng ngày, Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận một phần kiến nghị của luật sư Phan Trung Hoài. Cụ thể, nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của phiên tòa, trong quá trình làm nhiệm vụ, các luật sư có thể mang các văn bản in ra giấy vào phòng xử nhưng các thiết bị điện tử khác (máy tính, máy ghi âm, ghi hình...) không được đem vào phòng.
Đối với đề nghị của luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Á Châu (tức ACB)) về việc triệu tập nguyên thành viên Hội đồng quản trị, nguyên lãnh đạo ACB đang bị xét xử trong một vụ án khác tại Hà Nội như Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên), Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang... để làm rõ một số vấn đề nhằm khách quan trong vụ án, HĐXX xét thấy đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Huyền Như cùng đồng phạm thực hiện chứ không xét xử tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nên không cần thiết phải triệu tập các nguyên lãnh đạo của ACB. Tại tòa, ngân hàng ACB cũng đã có người đại diện theo ủy quyền.
“Đối với đề nghị triệu tập lãnh đạo của ngân hàng Vietinbank, phía ngân hàng này cũng đã có người đại diện theo ủy quyền nên người này sẽ trả lời toàn bộ câu hỏi liên quan đến Vietinbank trong quá trình thẩm vấn”, đại diện HĐXX nói.
Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM), tòa đã triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan giống như cấp sơ thẩm nhưng họ đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Vì tư cách của bà Hương, ông Hoàng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên không thể áp dụng biện pháp áp giải.
Luật sư Lưu Văn Tám cũng đề nghị triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ (Giám đốc Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM), HĐXX xét thấy có cơ sở để chấp nhận nên trong quá trình xét xử sẽ triệu tập nếu cần thiết.
Tòa bác đề nghị xét tư cách tố tụng đại diện Viettinbank
Đối với việc luật sư Tám đề nghị xem tư cách tố tụng của một trong ba người đại diện của Vietinbank là luật sư Nguyễn Tấn Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) thì tòa bác bỏ. Luật sư Tám cho rằng ở phiên sơ thẩm, luật sư Hùng bào chữa cho bị cáo Huyền Như, bây giờ đến phiên phúc thẩm lại đại diện cho phía ngân hàng Vietinbank. “Luật sư Hùng đã nhận dịch vụ pháp lý cho hai khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong vụ án hình sự này, theo luật Luật sư thì không cho phép”, luật sư Tám nói.
Bị cáo Huyền Như đến phiên tòa phúc thẩm chiều 15.12
|
Tuy nhiên, HĐXX nhận định, luật sư Hùng không tham gia phiên tòa với tư cách là luật sư - người bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank mà là người đại diện theo ủy quyền nên không phải là đối tượng điều chỉnh của luật Luật sư.
Đối với kiến nghị của luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đỗ Thị Ngọc Diệp), tòa chấp nhận, cho phép luật sư Thiệp tiếp xúc với bị cáo Phạm Anh Tuấn tại tòa.
HĐXX cũng cho biết nếu trong quá trình xét xử cần phải triệu tập những người có nghĩa vụ liên quan nhằm sáng tỏ, có sự khách quan trong vụ án, HĐXX sẽ triệu tập.
Cũng trong chiều nay, HĐXX đọc tóm tắt bản án sơ thẩm dài 176 trang.
Nội dung bản án thể hiện, từ tháng 3.2010 đến 9.2011, bị cáo Như đã làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị tạo lập nhiều giấy tờ, chứng từ, hợp đồng… lừa đảo 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân số tiền hơn 4.900 tỉ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Đa phần số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi.
Ngày mai 16.12, phiên tòa tiếp tục xét xử.
Bình luận (0)