Xét xử nguyên Chủ tịch TP.Phan Thiết cùng thuộc cấp

11/08/2020 06:42 GMT+7

'Do họp hành nhiều quá, về tới phòng làm việc anh em chất hồ sơ trên bàn là ký, chứ không biết đúng hay sai....', bị cáo Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, trả lời trước tòa.

Ngày 10.8, TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại UBND TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Đỗ Ngọc Điệp (58 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, được tại ngoại); Trần Hoàng Khôi (51 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết); Phạm Thanh Thái (46 tuổi, nguyên Trưởng phòng TN-MT TP.Phan Thiết); Lê Hoàng Anh Tân (46 tuổi, nguyên chuyên viên Phòng TN-MT TP.Phan Thiết); Lê Hồ Khải (35 tuổi, nhân viên Phòng TN-MT TP.Phan Thiết) và Nguyễn Trí (64 tuổi, nguyên chuyên viên Phòng TN-MT TP.Phan Thiết, được tại ngoại). Các bị cáo bị Viện KSND tỉnh Bình Thuận truy tố về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo các điểm a, b, c, khoản 1, điều 229, bộ luật Hình sự 2015.

Xét xử cựu chủ tịch UBND TP.Phan Thiết: các bị cáo ký 132 quyết định trái pháp luật

Chiều qua, HĐXX tập trung thẩm vấn bị cáo Điệp, Thái, Trí và Khải để làm rõ 32 quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật mà bị cáo Điệp đã ký.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Điệp cho rằng “công việc nhiều, không thể quán xuyến được, tin anh em nên ký”. Tòa cũng xét hỏi về quy trình lập hồ sơ cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở nhưng cấp dưới đã áp dụng các quyết định đã hết hiệu lực để cho chuyển đổi. Đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Trí khai tại tòa là áp dụng luật Đất đai năm 2003, dù thời điểm trình ký là năm 2016 (đúng ra phải áp dụng luật Đất đai năm 2013).
Tòa hỏi bị cáo Điệp có biết cấp dưới làm như vậy là sai không và vì sao vẫn ký, bị cáo này khai, không nắm rõ. “Do họp hành nhiều quá, về tới phòng làm việc anh em chất hồ sơ trên bàn là ký, chứ không biết đúng hay sai. Chỉ sau khi thanh tra, mới biết ký sai. Nếu biết sai thì bị cáo đã không ký”, bị cáo Điệp trả lời trước tòa.
Về diện tích hạn điền được phép chuyển mục đích sử dụng, tòa hỏi bị cáo Điệp có biết quy định của pháp luật diện tích được chuyển đổi là bao nhiêu không? Bị cáo Điệp nói “không biết, nhưng nghe anh em nói là 1.000 m2”. Tòa đưa ra một số hồ sơ lên đến trên 6.800 m2 mà bị cáo Điệp ký, thậm chí ký một ngày mấy hồ sơ cho chuyển đổi diện tích lớn thì bị cáo Điệp nói “cái này cơ quan chuyên môn mới biết, chứ bị cáo không rõ”.
Để làm rõ 32 quyết định mà bị cáo Điệp đã ký với tên gọi mới là “đất nhà vườn”, tòa hỏi: “Đất nhà vườn là đất gì?”. Giải thích tại tòa về nguồn gốc cụm từ “đất nhà vườn” và lợi dụng vào loại đất này để cho chuyển đổi mục đích từ “đất nhà vườn” sang đất ở, bị cáo Thái cho rằng “qua thực tiễn nghiên cứu bà con làm thanh long, làm vườn, muốn có đất ở cho nên gọi đất nhà vườn (thực chất là đất nông nghiệp - PV). Chỉ khi làm việc với cơ quan CSĐT bị cáo mới biết tham mưu cho chuyển đổi hình thức đất với tên gọi ấy là sai pháp luật”, bị cáo Thái khai.
Ngay sau khi nghe đại diện Viện KSND tỉnh Bình Thuận trình bày cáo trạng, các bị cáo thừa nhận cáo buộc của Viện KSND tỉnh. Riêng bị cáo Tân cho rằng “không đúng với tội danh của bị cáo”; còn bị cáo Khôi thì nói “cáo trạng truy tố oan bị cáo”. Hôm nay 11.8, tòa tiếp tục làm việc.

Bắt chuyên viên tại Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.