Xét xử phúc thẩm Út 'trọc' và đồng phạm: Không oan!

01/11/2018 07:50 GMT+7

Ngày 31.10, tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm, đại diện Viện Kiểm sát quân sự T.Ư đã đưa ra quan điểm về kháng cáo của các bị cáo trong vụ án.

Theo vị đại diện Viện Kiểm sát quân sự (VKSQS) T.Ư, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”), cựu thượng tá quân đội, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (Thái Sơn Bộ Q.P), cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, kháng cáo cả 2 tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức là không có cơ sở.
Nêu lập luận của bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng bản án sơ thẩm không chỉ ra bị cáo lợi dụng chức vụ gì, kiểm sát viên nói Đinh Ngọc Hệ khi là Phó trưởng phòng Kinh doanh Tổng công ty Thái Sơn chịu sự phân công của Tổng giám đốc Phùng Danh Thắm. Sau đó, Hệ được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, là người đại diện phần vốn góp của nhà nước. Căn cứ luật Phòng chống tham nhũng, VKSQS khẳng định Đinh Ngọc Hệ là người có chức vụ, quyền hạn, các hoạt động tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là hoạt động công vụ. Bị cáo là quân nhân, thực hiện nhiệm vụ được giao trên cương vị là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn nên là người thi hành công vụ và đã lợi dụng danh nghĩa này để chỉ đạo Trần Văn Lâm, Giám đốc điều hành Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, thế chấp các ô tô biển xanh tại các tổ chức tín dụng. Hành vi của Hệ vi phạm quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ sử dụng ô tô trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, vi phạm những hành vi bị cấm về việc sử dụng xe quân sự vào các đơn vị ngoài.
Đề cập đến hành vi hợp thức hóa hơn 20.000 lít xăng dầu kém chất lượng, đại diện VKSQS nhận định, Út “trọc” đã chủ động đặt vấn đề với bị cáo Bùi Văn Tiệp (không kháng cáo), nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 và ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đồng thời chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng nhằm không bị xử phạt hành chính gần 1,5 tỉ đồng. Đây là hành vi xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
Đối với nội dung kháng cáo về tội sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức, bị cáo Hệ cho rằng phạm lỗi vô ý. Tuy nhiên, đại diện VKSQS cho rằng tại phiên tòa đã làm rõ ý thức của bị cáo Hệ. Bị cáo biết rõ không thi, không học, chỉ bỏ ra 2,5 triệu đồng để có bằng đại học, tức bị cáo biết vi phạm nhưng vẫn làm, là sử dụng bằng giả có chủ đích. Bị cáo Hệ một mặt thành khẩn việc sử dụng bằng giả nhưng cho rằng bản thân không đưa các hồ sơ này vào để thăng tiến mà do tổ chức kê khai. Tuy nhiên, kiểm sát viên bác bỏ với lập luận bị cáo là người ký xác nhận các hồ sơ đó. “Những nội dung trong hồ sơ có lợi cho cá nhân bị cáo, bị cáo phải chịu trách nhiệm về điều đó. Tòa sơ thẩm xét xử bị cáo tội sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan”, kiểm sát viên nói.
Theo đại diện cơ quan công tố, bị cáo Hệ kháng cáo bản án sơ thẩm không chấp nhận huân chương, huy chương để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là không đúng quy định pháp luật, là có cơ sở. Tại phiên tòa, kiểm sát viên đã liệt kê nhiều huân huy chương, bằng khen mà bị cáo Hệ được tặng trong quá trình công tác. Bị cáo Hệ được tặng Huân chương Lao động; được các địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp cho công tác an sinh, xây dựng nông thôn mới; Bộ GTVT tặng bằng khen về những đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành giao thông. Đại diện VKSQS T.Ư nhận định, đến thời điểm hiện tại, chưa có một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thu hồi các huân huy chương, bằng khen của Hệ. Mặt khác, một số bằng khen là do công tác an sinh xã hội, không liên quan đến bằng giả nên đề nghị HĐXX xem xét, áp dụng để có tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Kiến nghị xử lý lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phùng Danh Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thái Sơn, kiểm sát viên khẳng định bị cáo đã buông lỏng quản lý công ty con và quân nhân thuộc quyền, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho kinh tế... nên đề nghị HĐXX quyết định loại hình phạt khác nhẹ hơn cho bị cáo. Riêng bị cáo Trần Văn Lâm, Tổng giám đốc điều hành Thái Sơn Bộ Q.P, xin giảm nhẹ hình phạt là không có cơ sở vì bị cáo thực hiện hầu hết công việc dưới sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, tức là người thực hành tội phạm. Mức án 5 năm tù bị cáo này phải nhận là đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ.
Theo VKSQS T.Ư, thời điểm thành lập Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, ông Cung Bình Minh giữ chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch Tổng công ty Thái Sơn, đại diện 30% vốn cổ phần của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P. Ông này đã ký vào biên bản đồng ý cho thuê xe với một số cá nhân khác, nên cũng cần phải xem xét trách nhiệm để đảm bảo tính khách quan, nghiêm minh của pháp luật. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.